Điểm tin kinh doanh 4/11: Lần đầu tiên giá vàng 9999 đạt mốc 60 triệu đồng

Việt Báo (Tổng hợp)| 04/11/2023 06:00

Hàng loạt ngân hàng tăng trưởng tiền gửi trên 20% trong 9 tháng đầu năm; Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 10 tháng đạt 180 nghìn tỷ đồng

vang-nhan-hoang-ha-1-1378-1194-996-940.jpg

- Lần đầu tiên giá vàng 9999 đạt mốc 60 triệu đồng

Lần đầu tiên trong lịch sử tại thị trường vàng trong nước, nhà đầu tư chứng kiến giá vàng nhẫn 9999 cán mốc 60 triệu đồng mỗi lượng.

Cụ thể, vào đầu giờ chiều 3/11, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn giảm 250.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm 2/11, đưa giá mua – bán về mức 69,7 – 70,4 triệu đồng/lượng.

Các thương hiệu kinh doanh vàng khác như Phú Nhuận, DOJI, Phú Quý… cũng niêm yết giá mua bán vàng miếng SJC ở mức tương đương.

Trái ngược với xu hướng giảm giá của vàng miếng SJC, các loại vàng 24K, vàng nhẫn tròn trơn lại bật tăng mạnh. Đơn cử, giá vàng nhẫn 9999 tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận đang neo ở mức 58,7 triệu đồng/lượng mua vào và 59,8 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng ở chiều mua và tăng tới 300.000 đồng ở chiều bán ra so với giá đóng cửa phiên giao dịch hôm trước đó.

Thậm chí sản phẩm vàng rồng Thăng Long do Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu sản xuất tăng thêm 150.000 đồng ở cả hai chiều so với cuối phiên gần nhất, đẩy giá mua – bán lên 59,13 – 60,08 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất của vàng 9999 trên thị trường trong ngày hôm 3/11 cũng như mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Trên thị trường quốc tế, sau khi biến động mạnh vào đầu phiên giao dịch thì đến 3 giờ (theo giờ Việt Nam) đang giao dịch ổn định ở mức 1.986 USD/ounce, gần như không thay đổi so với một ngày trước.

Kim loại quý thế giới quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại tương đương 59,2 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí), thấp hơn khoảng 11 triệu đồng so với vàng miếng SJC. Thế nhưng so với vàng nhẫn 9999, vàng thế giới đang rẻ hơn từ 600.000-800.000 đồng/lượng, trong khi chênh lệch này gần như bằng 0 tại những phiên đầu tuần này.

- Hợp tác chuyển đổi xanh và phát triển bền vững giữa Việt Nam – Đan Mạch

Ngày 1/11/2023, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã đồng chủ trì buổi lễ trực tuyến tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh (GSP) giữa Việt Nam và Đan Mạch. GSP mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác hơn 50 năm giữa Việt Nam và Đan Mạch.

GSP là thỏa thuận hợp tác đôi bên cùng có lợi với mục đích thúc đẩy hợp tác chính trị, mở rộng quan hệ kinh tế liên quan đến tăng trưởng xanh, tạo thêm việc làm, tăng cường hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu và phát minh các giải pháp trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và biến đổi khí hậu, tập trung vào việc quyết tâm thực hiện Thỏa thuận Paris và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc.

Tiếp theo tuyên bố này, hai phía Việt Nam và Đan Mạch sẽ nhanh chóng bàn bạc và đưa ra một kế hoạch hành động của GSP với các mục tiêu tham vọng và hành động cụ thể.

Ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết: “Khi chúng ta cùng chung tay và chí hướng, GSP sẽ là công cụ quan trọng hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu quốc gia đầy tham vọng về chuyển đổi xanh cũng như thực hiện cam kết quốc tế đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong quan hệ đối tác này, Đan Mạch có thể đóng góp bằng các kinh nghiệm, tri thức, công nghệ và giải pháp xanh”.

- Hàng loạt ngân hàng tăng trưởng tiền gửi trên 20% trong 9 tháng đầu năm

Bất chấp lãi suất xuống thấp, tiền gửi vẫn chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng. Nhiều ngân hàng ghi nhận huy động vốn tăng tới trên 20% trong 9 tháng đầu năm.

Theo báo cáo tài chính quý III của các ngân hàng thì tiền gửi khách hàng vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm, dù lãi suất xuống thấp. Trong đó, các ngân hàng có vốn Nhà nước dù tăng trưởng thấp hơn nhưng vẫn chiếm thị phần áp đảo.

Cụ thể, Ngân hàng BIDV giữ vị trí đầu bảng với hơn 1,583,5 triệu tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 7,5% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn hiện đang chiếm tỷ trọng khoảng 84% với hơn 59.000 tỷ đồng.

Tại Vietcombank, số dư tiền gửi khách hàng đến cuối tháng 9 đạt 1,349 triệu tỷ đồng. Dù luôn dẫn đầu làn sóng giảm lãi suất huy động, song tăng trưởng tiền gửi vẫn đạt gần 8,5%.

Trong đó, tăng trưởng tiền gửi tập trung ở tiền gửi có kỳ hạn với mức tăng mạnh trên 12,5%, đạt gần 927 nghìn tỷ đồng; trong khi tiền gửi không kỳ hạn lại suy giảm nhẹ từ mức trên 402 nghìn tỷ đồng về mức xấp xỉ 397,5 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, tại VietinBank, tăng trưởng tiền gửi ở mức thấp hơn, đạt gần 4,9% với 1,31 triệu tỷ đồng.

Như vậy, ngoại trừ Agribank chưa công bố báo cáo tài chính thì 3 ngân hàng có vốn Nhà nước đã huy động được trên 4,24 triệu tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

- Giá dầu hướng tới tuần giảm thứ hai liên tiếp

Giá dầu tại thị trường châu Á ít biến động trong phiên giao dịch cuối tuần 3/11, nhưng hướng tới tuần giảm thứ hai liên tiếp do lo ngại về nguồn cung thu hẹp do xung đột ở Trung Đông, trong khi triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, vẫn còn u ám.

Giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 29 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 87,14 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI giao kỳ hạn của Mỹ tăng 36 xu Mỹ, tương đương 0,4%, lên 82,82 USD/thùng.

Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG, cho biết: “Giá dầu đang cố gắng thúc đẩy môi trường rủi ro được cải thiện, khi thị trường tiếp tục đặt niềm tin vào hy vọng rằng Fed có thể đã hoàn tất lộ trình tăng lãi suất”. Tuy nhiên, ông Yeap nói thêm, vẫn còn một số lo ngại xung quanh triển vọng nhu cầu dầu trong tuần này vì Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc không mang lại nhiều niềm tin về sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.

Trong khi đó, những lo ngại về địa chính trị vẫn là trọng tâm, khi căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas vẫn leo thang.

Cả hai loại dầu chủ chốt đều tăng hơn 2 USD vào ngày 2/11, mặc dù Brent đang trên đà giảm khoảng 4% trong tuần này, trong khi giá dầu WTI có thể đóng cửa ở mức thấp hơn 3% so với tuần trước.

Về phía nguồn cung, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia dự kiến sẽ xác nhận lại việc gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày cho đến tháng 12/2023.

- Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 10 tháng đạt 180 nghìn tỷ đồng

Trên thị trường sơ cấp, nhà đầu tư tổ chức mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chiếm 95% tổng khối lượng phát hành (chủ yếu là ngân hàng chiếm 61%) và các nhà đầu tư cá nhân mua 5%.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết trong 10 tháng năm 2023, cả nước có 70 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng 180 nghìn tỷ đồng (giảm 45% so với cùng kỳ năm 2022).

Bên cạnh đó, khối lượng mua lại trước hạn là 191 nghìn tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022). Đáng chú ý, khối lượng đáo hạn trong 3 tháng cuối năm là 61,6 nghìn tỷ đồng.

Trên thị trường sơ cấp, nhà đầu tư tổ chức mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chiếm 95% tổng khối lượng phát hành (chủ yếu là ngân hàng chiếm 61%) và các nhà đầu tư cá nhân mua 5%. Tại thị trường thứ cấp tính đến ngày 30/6, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 28,5% tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ (tương đương khoảng 285,6 nghìn tỷ đồng).

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết đã được đơn thư khiếu nại của nhà đầu tư liên quan đến vụ việc Ngân hàng SCB-Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn thư của người dân đến gửi tiết kiệm được một số ngân hàng mời chào mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, các đơn thư này đang được Lãnh đạo Bộ giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì xử lý.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 4/11: Lần đầu tiên giá vàng 9999 đạt mốc 60 triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO