- Giá vàng hôm 30/3: Người mua sốc vì SJC giảm mạnh
Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước giảm mạnh theo đà đi xuống của giá vàng thế giới.
Lúc 9 giờ giá vàng hôm 30/3 SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 66,35 triệu đồng/lượng, bán ra 66,95 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm trước đó.
Biên độ chênh lệch giá vàng SJC tăng lên mức 800.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại giảm nhẹ về 54,85 triệu đồng/lượng mua vào, 55,85 triệu đồng/lượng bán ra, thấp hơn khoảng 50.000 đồng mỗi lượng so với hôm trước đó.
Như vậy, giá vàng hôm trước đó giảm mạnh đối với vàng SJC trong khi giảm nhẹ đối với vàng trang sức.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/3, giá vàng 9999 trong nước được SJC và Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau: SJC Hà Nội: 66.450.000 đồng/lượng - 67.170.000 đồng/lượng; Doji Hà Nội: 66.350.000 đồng/lượng - 67.050.000 đồng/lượng; SJC TP.HCM: 66.450.000 đồng/lượng - 67.150.000 đồng/lượng; Doji TP.HCM: 66.400.000 đồng/lượng - 67.000.000 đồng/lượng.
Tới 9h33' hôm ngày 30/3, giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.959,6 USD/ounce, giảm 11,4 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1977 USD/ounce, giảm 17 USD/ounce so với đêm trước đó.
Đêm 29/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.971 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1.994 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 29/3 cao hơn khoảng 8,1% (147 USD/ounce) so với cuối năm 2022. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 57 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 10,1 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 29/3.
Giá vàng hôm nay biến động trong bối cảnh thị trường tài chính tin tưởng những rắc rối ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sỹ sẽ ổn định. Giới đầu tư tài chính không còn động lực trú ẩn vốn vào kim loại quý. Thay vào đó, họ dồn vốn vào các kênh sinh lời khác.
- Số thu nội địa đạt khá chủ yếu nhờ nguồn thu phát sinh quý IV/2022
Đại diện Bộ Tài chính chiều 30/3 cho biết: Lũy kế thu quý I/2023 ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán, tăng 1,3% so cùng kỳ năm ngoái (ngân sách Trung ương đạt 37,6% dự toán; ngân sách địa phương đạt 22,1% dự toán).
Số thu nội địa quý I/2023 đạt khá chủ yếu do tập trung thu các phát sinh quý IV/2022 và chênh lệch so quyết toán thuế năm 2022 (như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân,...) theo chế độ được kê khai nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) trong quý I/2023. Tuy nhiên, nếu loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022, số thu của 3 khu vực này giảm 6% so cùng kỳ.
Theo Bộ Tài chính, có 4 khoản thu tiến độ thu đạt thấp so dự toán và giảm so cùng kỳ là thu thuế bảo vệ môi trường; thu phí, lệ phí; các khoản thu về nhà, đất và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng; ngoài ra, nếu loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022, số thu của 3 khu vực này giảm 6% so cùng kỳ.
Ước tính có 28/63 địa phương thực hiện thu nội địa quý I/202 đạt trên 28% dự toán; có 23/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ và 40 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
- Chiết khấu xăng dầu có lúc lên tới 2.500 đồng/lít
Thời gian qua, chiết khấu xăng dầu cho các đại lý đã tăng mạnh, có thời điểm lên tới 2.500 đồng/lít.
Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam ngày 30.3 cho biết, thời gian qua, chiết khấu cho các đại lý xăng dầu được duy trì. Hiện tại, mức chiết khấu xăng dầu tại miền Bắc là từ 700-800 đồng/lít, miền Nam từ 1.000-1.100 đồng/lít, thậm chí có thời điểm lên đến 1.800-2.500 đồng/lít, tùy mặt hàng. Mức chiết khấu này đã giúp các đại lý bán lẻ xăng dầu bớt đi khó khăn phần nào.
Sau một số thời điểm khó khăn về nguồn cung, quý 1/2023, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước tương đối ổn định. Nguyên nhân là do tình trạng một số kho xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối trước đây bị tạm dừng vì chưa kết nối thiết bị đo bồn bể tự động nay đã được khắc phục. Các doanh nghiệp đầu mối cũng đã thực hiện tốt kế hoạch phân giao tổng nguồn do Bộ Công Thương giao, nên nguồn cung được cải thiện.
Chiết khấu xăng dầu là một trong những nội dung quan trọng mà các đại lý xăng dầu trên cả nước đề nghị cơ quan quản lý quy định rõ trong việc sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Theo các đại lý bán lẻ, trong hơn 1 năm qua, chiết khấu cho đại lý xăng dầu nhiều thời điểm bằng 0, khiến các doanh nghiệp này thua lỗ nặng.
Có thời điểm chiết khấu giảm gần một nửa về 400-500 đồng với mỗi lít xăng; dầu 250-350 đồng. Với mức này, sau khi trừ chi phí vận chuyển, nhân công, hao hụt, các đơn vị bán lẻ cho biết họ lại đang chịu lỗ trên mỗi lít xăng, dầu bán ra.
Các đại lý cho biết, chiết khấu không đủ bù đắp chi phí kinh doanh khiến khâu bán lẻ chịu lỗ hơn một năm qua. Tại nhiều cuộc họp góp ý sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ cho hay hơn một năm qua họ bị lỗ cả nghìn tỉ đồng.
- London mất vị trí độc tôn trung tâm tài chính toàn cầu
Cơ quan quản lý City of London Corporation ngày 30/3 thừa nhận thủ đô London của nước Anh không còn là thành phố duy nhất giữ vị trí dẫn đầu trong số các trung tâm tài chính toàn cầu. Hiện thành phố New York của Mỹ đã thăng hạng từ vị trí thứ hai lên ngang hàng với London, do ngày càng có nhiều công ty niêm yết tại thị trường Mỹ.
Kết luận trên được cơ quan quản lý thị trường tài chính ở London đưa ra sau cuộc khảo sát thường niên đánh giá hoạt động của các trung tâm tài chính toàn cầu. Theo đánh giá mới nhất này, điểm tổng thể năng lực cạnh tranh của London là 60 điểm (tăng từ 59 điểm vào năm 2022), nhưng số điểm của New York đã vươn lên mạnh mẽ để ngang bằng với London. Tiếp theo là Singapore xếp thứ 3 (với 51 điểm), Frankfurt của Đức xếp thứ 4 (46 điểm), Paris của Pháp xếp thứ 5 (43 điểm) và Tokyo của Nhật Bản xếp thứ 6 (35 điểm).
Theo City of London Corporation, Anh tiếp tục phát huy thế mạnh lâu đời của quốc gia này với tư cách là trung tâm phát hành nợ quốc tế, bảo hiểm thương mại và giao dịch ngoại hối lớn nhất thế giới, đồng thời là trung tâm quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, số lượng công ty quốc tế niêm yết ở London đang sụt giảm và rất ít công ty toàn cầu chọn niêm yết tại thành phố này.
- Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong quý 1 đạt trên 11 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý 1/2023, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản 1,76 tỷ USD, giảm 39,6%.
Tháng 3, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,66 tỷ USD, tăng 27% so với tháng 2 nhưng giảm 6,5% so với tháng 3/2022. Nhóm nông sản đạt 2,42 tỷ USD (tăng 16,3% so tháng 3/2022), lâm sản đạt 1,29 tỷ USD (giảm 22,5%), thủy sản đạt 720 triệu USD (giảm 29%) và chăn nuôi đạt 47,4 triệu USD (tăng 44,8%).
Tính chung 3 tháng, nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị giảm so với cùng kỳ năm ngoái, như nhóm nông sản đạt 5,73 tỷ USD, tăng 3,8%; lâm sản đạt 3,11 tỷ USD, giảm 28,3%; thủy sản đạt 1,79 tỷ USD, giảm 29,0%; riêng chăn nuôi đạt 115 triệu USD, tăng 46,5%.