- Xung đột ở Trung Đông khiến giá vàng tăng liên tục
Giá vàng trong nước hôm 29/10 tiếp tục tăng mạnh. Giá vàng miếng SJC ở mốc 71 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn đạt gần 60 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất trong 3 năm qua.
Sáng 29/10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 70,19 triệu đồng/lượng mua vào và 70,95 triệu đồng/lượng bán ra. Giá nhẫn tròn trơn mua vào 58,7 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 59,8 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI niêm yết vàng miếng ở mức 70,1 triệu đồng/lượng và mua vào 71 triệu đồng/lượng bán ra. Hệ thống vàng Mi Hồng niêm yết giá vàng miếng SJC 70,1 - 70,6 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, vàng nhẫn tròn trơn 57,9 - 58,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Như vậy, so với rạng sáng trước đó, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng khoảng 150.000 đồng ở chiều mua và 250.000 đồng ở chiều bán.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại được giao dịch quanh 58,7 triệu đồng/lượng mua vào, 59,8 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng/lượng so với hôm qua. So với cuối tuần trước, giá vàng nhẫn, vàng trang sức tăng mạnh tới 700.000 đồng/lượng. Đây là mức đỉnh lịch sử của giá vàng nhẫn trong nước. Như vậy, giá vàng nhẫn trong nước tăng vọt theo đà đi lên của giá vàng thế giới.
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 6 giờ hôm 29/10 (theo giờ Việt Nam) giao ngay ở mức 2.006,020 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 58,712 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế là 11,438 triệu đồng/lượng.
Với 3 phiên đầu tuần giảm và 3 phiên cuối tuần tăng, kết thúc tuần giá vàng thế giới đã tăng 30 USD/ounce so với giá mở cửa tuần, với mức tăng cả tuần 1,4%.
Hiện vàng đang là kênh trú ẩn an toàn của nhà đầu tư. Xung đột vẫn tiếp diễn ở Trung Đông là yếu tố góp phần khiến giá vàng liên tục tăng những ngày qua.
Cuộc khảo sát của Kitco News với 11 nhà phân tích Phố Wall tham gia thì có 6 người, tương đương 54%, nhận định giá vàng sẽ tăng. Có 3 người, tương đương 27% cho rằng kim loại quý sẽ giảm và còn 2 người, tương đương 18% dự báo vàng đi ngang.
- Việt Nam xuất siêu hơn 24 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 10 tháng đầu năm đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về nhập khẩu hàng hoá, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 29,31 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng, có 41 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 78,6 tỷ USD. Ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,8 tỷ USD.
Tính chung 10 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 24,61 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,56 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,99 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,6 tỷ USD.
- Doanh nghiệp Hà Lan đầu tư nhà máy vi mạch tại TP.HCM
Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan (gọi tắt là Công ty BESI) quyết định đầu tư dự án sản xuất vi mạch tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Ngày 3/10/2023, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM chính thức cấp giấy phép đầu tư cho Công ty BESI để sản xuất linh kiện điện tử (sản xuất khuôn mẫu tiên tiến, phụ kiện tiên tiến) tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Để tiết kiệm thời gian và sớm đưa dự án vào hoạt động, Công ty BESI sẽ thuê nhà xưởng xây sẵn từ Công ty TNHH Đầu tư nhà xưởng Lập Thành với diện tích 2.000 m2, tại số T1.3 Lô I-15-1, Khu công nghệ cao TP.HCM. Trong giai đoạn đầu, Dự án sẽ được đầu tư với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD), thời hạn hoạt động là 50 năm.
Về tiến độ thực hiện, quý III/2023, các bên sẽ hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Từ quý IV/2023 đến quý IV/2024, nhà đầu tư sẽ lắp đặt máy móc, thiết bị và tuyển dụng lao động. Đến quý I/2025, Dự án sẽ đi vào hoạt động.
Để chuẩn bị cho việc vận hành nhà máy tại Việt Nam, theo thông tin của Báo Đầu tư, vào tháng 9 vừa qua, Công ty BESI đã tuyển dụng 29 nhân viên thông qua BESI Singapore. Những nhân viên này sẽ được cử sang Trung Quốc đào tạo, sau đó về làm việc tại BESI Việt Nam. Dự kiến trong 2-3 năm tới, số lượng nhân sự của BESI tại Việt Nam sẽ tăng lên 120-130 người.
- Hong Kong (Trung Quốc) vượt Singapore trở thành là nhà đầu tư FDI lớn nhất
Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 10 tháng, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn nhất với 3,1 tỷ USD.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-10 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2023, Đặc khu hành chính Hong Kong là nhà đầu tư lớn nhất với 3,1 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Singapore 3,09 tỷ USD (chiếm 20,2%), Trung Quốc 2,51 tỷ USD (chiếm 16,5%), Đài Loan 2 tỷ USD (chiếm 13,1%).
- Gần 150.000 doanh nghiệp rút lui trong 10 tháng
Trong 10 tháng đầu năm 2023, có 183.600 doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng có tới 146.600 doanh nghiệp rút lui, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong tháng 10, có 5.501 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,4% so với tháng trước và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2022; có 4.898 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,1% và tăng 16,6%; có 1.501 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,2% và giảm 6,3%.
Tính chung 10 tháng năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 81.000 doanh nghiệp, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 50.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,9%; 14.700 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,5%.
Như vậy, trong 10 tháng, có gần 146.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tương đương bình quân một tháng có 14.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.