Điểm tin kinh doanh 3/7: Thử thách với giá vàng

Việt Báo (Tổng hợp)| 03/07/2023 06:00

Sức ép trước làn sóng mất việc tiếp tục tăng; Loạt doanh nghiệp bán lẻ lại kiến nghị sửa đổi Nghị định về xăng dầu

gia-vang-246-7073.jpg

- Thử thách với giá vàng

Giá vàng thế giới đã giảm 2,5% trong quý II và xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Trong khi đó, giá vàng trong nước biến động quanh mốc 67 triệu đồng/lượng.

Kết thúc tháng 6, giá vàng thế giới giảm mạnh với vàng giao ngay giảm 42,6 USD, vàng tương lai giảm 52,7 USD, đánh dấu tháng hoạt động tồi tệ nhất kể từ quý III năm ngoái. Có thời điểm giá vàng mất ngưỡng kháng cự 1.900 USD/ounce song đã quay lại đạt 1.908 USD/ounce và đang ở vùng giá thấp nhất 3 tháng trở lại đây.

Gần đây, khi lạm phát ở Mỹ giảm chậm, thị trường từ bỏ kỳ vọng lãi suất giảm và cho rằng Fed còn phải nâng lãi suất. Điều này khiến giá vàng chịu áp lực giảm, có lúc tụt dưới 1.900 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày thứ Năm.

Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust có phiên bán ròng thứ hai liên tiếp trong tuần, một dấu hiệu cho thấy giới đầu tư còn bi quan về triển vọng giá vàng.... Hiện quỹ này đang nắm 921,9 tấn vàng.

Kim loại quý này vẫn đang đối mặt với nguy cơ tuột mốc 1.900 USD/ounce khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vẫn đang tăng cường cuộc chiến với lạm phát, nhiều khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 7 tới.

Sau khi tăng lên 2.063 USD/ounce vào đầu tháng 5, kim loại quý liên tục giảm và hiện đang được giao dịch gần mức 1.900 USD/ounce khi kỳ vọng lãi suất thay đổi. Vàng đã giảm khoảng 2,6% trong tháng 6 - đây là tháng giảm giá thứ 2 liên tiếp của vàng.

Các chuyên gia cho rằng, nếu vàng giảm xuống dưới 1.900 USD/ounce, các nhà đầu tư nên chú ý đến phạm vi 1.850-1.814 USD/ounce. Tuy nhiên, việc vàng bật khỏi mức 1.900 USD/ounce trong phiên giao dịch cuối của tuần trước làm giảm nguy cơ rơi xuống mức trung bình động 200 ngày. Để chuyển sang xu hướng tăng giá, đồng giám đốc Sean Lusk của Walsh Trading nói rằng vàng cần phải lấy lại mức 1.966 USD/ounce.

Thị trường vàng trong nước kết thúc tháng 6 đã được điều chỉnh giảm với mức giảm 100.000 đồng/ lượng. Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội mua vào mức 66,35 triệu đồng/lượng và bán ra mức 66,97 triệu đồng/lượng. So với ngày trước đó, vàng miếng SJC đã được điều chỉnh giảm 100.000 đồng ở cả 2 chiều. Trong khi đó, Vàng Bảo Tín Minh Châu đã điều chỉnh giảm 130.000 đồng ở chiều mua và 80.000 đồng ở chiều bán xuống lần lượt 66,37 triệu đồng/ lượng mua vào và 66,95 triệu đồng/ lượng.

Quy đổi theo tỷ giá USD chưa thuế, phí, giá vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 12,8 triệu đồng/lượng.

Riêng vàng nhẫn SJC lại tăng 100.000 đồng, đưa giá mua lên 55,3 triệu đồng, bán ra 56,3 triệu đồng. Dù tăng ngược nhưng vàng nhẫn SJC vẫn thấp hơn 10,7 triệu đồng mỗi lượng so với vàng miếng cùng thương hiệu.

- Sức ép trước làn sóng mất việc tiếp tục tăng

Làn sóng mất việc vẫn kéo dài sang nửa cuối năm 2023, ở nhiều ngành là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam và tập trung ở các địa phương đầu tàu kinh tế. Nếu tiếp tục kéo dài, tình trạng này sẽ gây sức ép lên hệ thống an ninh trật tự, kinh tế và các chính sách an sinh xã hội.

Trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2023, có đến 71,3% dự kiến sẽ phải cắt giảm quy mô lao động từ 5% trở lên, theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV – Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) về tình hình người lao động.

Trong tổng số 8.343 người lao động tham gia khảo sát trên cả nước, 31% đang ở trong tình trạng không có việc làm. “Xu hướng số lượng người lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp không những không giảm đi mà còn tăng lên từ quí 4-2022 sang quí 1-2023 và dự báo còn tiếp diễn trong các quí còn lại của năm 2023”, báo cáo nêu.

Xét theo ngành kinh tế chính, các ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng và du lịch, khách sạn, nhà hàng có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, lần lượt là 53%, 44% và 43%. Còn xét theo địa phương, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng – vốn là đầu tàu kinh tế của cả nước trong nhiều năm qua là những tỉnh/thành phố có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, đều trên 30%.

Còn theo dữ liệu tháng 5 của Tổng cục Thống kê (GSO), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm tháng đầu năm 2023 ước tính giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-5-2023 giảm 4,8% so với cùng thời điểm năm 2022. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sử dụng lao động giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Chi tiết hơn, chỉ số sử dụng lao động một số ngành có mức giảm lớn như sản xuất giường tủ, bàn ghế (giảm 17,7%), chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ (giảm 9,3%), sản xuất da và sản phẩm liên quan (giảm 9,8%), sản xuất trang phục (giảm 6,8%)… Đây đều là những ngành thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua và cũng là những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng thiếu hụt đơn hàng kéo dài từ quí 4 năm ngoái đến nay.

- Dầu thô tăng nhẹ khi lạm phát Hoa Kỳ giảm

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent tăng nhẹ 0,8% lên 74,90 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tăng tới 1,1%, đạt 70,64 USD/thùng.

Giá dầu thô được nâng đỡ khi dữ liệu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy bất chấp việc nền kinh tế Hoa Kỳ suy yếu, nhu cầu sử dụng xăng dầu tại nước này trong tháng 4/2023 chỉ giảm nhẹ, xuống mức 20,4 triệu thùng/ngày, và nhu cầu sử dụng theo mùa vẫn đang ở mức tốt.

Đồng thời, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tại Hoa Kỳ trong tháng 5/2023 chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức tăng 4,3% của tháng 4/2023.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô đã bị kìm hãm phần nào khi các dữ liệu cho thấy chỉ số PCE lõi (đã loại trừ giá lương thực và giá năng lượng) trong tháng 5/2023 tại Hoa Kỳ đã tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này gần như không thay đổi so với mức tăng 4,7% trong tháng 4/2023. Điều này cho thấy lạm phát vẫn còn dai dẳng ở nhiều khu vực của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Tính chung quý 2/2023, giá dầu thô Brent và WTI đã lần lượt giảm 6% và 6,5%, xác lập quý giảm giá thứ 4 liên tiếp.

- Tập đoàn Nhật Bản muốn rót 400 triệu USD làm KCN ở Thanh Hóa

Tập đoàn Sumitomo Corporation Nhật Bản muốn đầu tư khoảng 400 triệu USD làm dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN phía tây TP Thanh Hóa với hơn 800 ha.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa, mới đây, Tập đoàn Sumitomo Corporation Nhật Bản đã làm việc và ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) phía tây TP Thanh Hóa, Trung tâm tiếp vận và phát triển đô thị xung quanh KCN.

Cụ thể, Dự án KCN phía Tây TP Thanh Hóa tại tỉnh Thanh Hóa với diện tích phát triển dự kiến 650 ha và Trung tâm tiếp vận, đô thị xung quanh khu công nghiệp với diện tích phát triển khoảng 168,5 ha.

Dự án dự kiến được triển khai trong giai đoạn 2024-2025 với tổng số vốn khoảng 400 triệu USD, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng.

- Loạt doanh nghiệp bán lẻ lại kiến nghị sửa đổi Nghị định về xăng dầu

Hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và các Thông tư liên quan đến bán lẻ xăng dầu.

Theo đánh giá, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ nặng nề. Nguyên nhân là Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; Thông tư 104/2021/TT-BTC và các Thông tư liên quan không có lợi cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Cùng với đó, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không nhận được chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Thông tư 104/2021/TT-BTC.

Nghị định 95/2021/NĐ-CP cũng không ghi rõ giá bán buôn tối đa, không quy định chi phí định mức, không quy định mức chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ. Vì vậy, chiết khấu có thời điểm duy trì ở mức 0 đồng hoặc âm, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ kéo dài, phải cầm cố, bán tài sản để bù lỗ.

Từ những lý do trên, hàng nghìn doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời doanh nghiệp cũng đề nghị được gặp và đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ để báo cáo những khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu và kiến nghị một số nội dung trong Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ, giúp cho ngành xăng dầu bước sang trang mới ổn định, hiệu quả, công bằng, bảo đảm ổn định an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán lẻ nói riêng.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
  • Bà Trương Mỹ Lan: Chỉ cần bán 10% tài sản đã thu được 500.000 tỷ đồng
    Tại phiên tòa, bà Trương Mỹ Lan cho rằng công ty định giá tài sản trong vụ án đã định giá chưa chính xác. Chỉ cần 10% tài sản là bất động sản đã thu được 500 ngàn tỷ đồng.
  • Nói dối vì...yêu
    Nhiều người luôn khăng khăng đòi sự thật và cho rằng sự trung thực, thật thà là giá trị làm nên sự bền vững của hôn nhân. Nhưng trải nghiệm cuộc đời nhiều hơn mới thấy, đôi khi nói dối cũng là một biểu hiện của yêu thương một người.
  • Bầu cử ở Mỹ được đảm bảo an ninh ra sao?
    Việc đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ quan trọng chẳng kém lựa chọn trong các lá phiếu của cử tri. Với ứng viên Donald Trump và Kamala Harris, việc đảm bảo an toàn được thực hiện ra sao?
  • Nhiều nghệ sĩ quyền lực bỏ phiếu cho bà Harris làm tổng thống Mỹ
    Buổi vận động tranh cử của bà Kamala Harris tối 4/11 gây chú ý vì sự xuất hiện của dàn nghệ sĩ quyền lực như ca sĩ Lady Gaga, ông hoàng nhạc Latin Ricky Martin, ca sĩ will.i.am...
  • Quên hết nỗi sầu ở Suôi Thầu
    Có một miền xinh đẹp hoang sơ ở Hà Giang mang tên Suôi Thầu. Nơi đây không có nhà cao tầng, khói bụi, tiếng còi xe... khiến ta như tạm quên hết những bộn bề của cuộc sống...
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 3/7: Thử thách với giá vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO