Điểm tin kinh doanh 3/111: Giá vàng diễn biến ra sao sau quyết định không tăng lãi suất của Fed?

Việt Báo (Tổng hợp)| 03/11/2023 06:00

500 ngân hàng mạnh nhất châu Á: Những cái tên đến từ Việt Nam; Dior, Gucci, Louis Vuitton... ế ẩm

vang-nhan-hoang-ha-1-1378-1194-1236-1100-1084.jpg

- Giá vàng diễn biến ra sao sau quyết định không tăng lãi suất của Fed?

Giá vàng biến động khá mạnh trước và sau khi cuộc họp của Fed kết thúc, tuy nhiên nó nhanh chóng lấy lại thăng bằng khi xét thấy Fed chưa đủ "diều hâu" để khiến thị trường lo sợ.

Sáng 2/11, giá vàng trong nước gần như không có biến động đáng kể so với chốt phiên hôm qua.

Lúc 9h30 sáng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá thương hiệu vàng SJC ở mức 60,00– 70,72 triệu đồng /lượng (mua vào – bán ra), giảm nhẹ 50 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên hôm 1/11.

Tại Tập đoàn DOJI, vàng SJC lại giữ nguyên giá giao dịch so với cuối phiên liền trước, ở mức 70,00 - 70,75 triệu đồng/lượng. Phú Quý SJC tăng nhẹ 100 nghìn đồng ở chiều mua vào, giữ nguyên chiều bán ra ở mức 69,95 - 70,75 triệu đồng/lượng…

Giá vàng 99,99 sau phiên giảm khoảng 200 nghìn đồng/lượng hôm 1/11 thì hôm 2/11 gần như giữ giá giao dịch. Vàng PNJ đang niêm yết ở mức 58,50 – 59,50 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 100 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều mua vào, giữ nguyên chiều bán ra. Nhẫn SJC tăng nhẹ 100 nghìn đồng ở cả 2 chiều lên 58,50 – 59,50 triệu đồng/lượng, giảm 250 nghìn đồng mỗi lượng.

Giá vàng trong nước ít biến động tương tự như diễn biến thị trường thế giới. Trong phiên giao dịch ngày 1/11 tại thị trường Mỹ, giá vàng thế giới giao ngay chốt phiên ở mức 1.982,5 USD/ounce, giảm nhẹ gần 1 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước đó.

Dù chốt phiên với mức giá gần như không thay đổi, song trong phiên, giá vàng cũng đã có nhịp biến động khá lớn trước khi lấy lại thăng bằng. Kim loại quý đã có lúc vượt lên trên 1.990 USD/ounce nhưng nhanh chóng hạ nhiệt xuyên thủng ngưỡng 1.970 sau thông điệp có phần ủng hộ phe “diều hâu” của Fed.

Ngày 1/11, cơ quan hoạch định chính sách của Mỹ là Fed đã kết thúc phiên họp đầu tháng 11. Cơ quan này quyết định vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành đồng USD cao nhất 22 năm qua ở mức 5,25% đến 5,5%/năm.

- 500 ngân hàng mạnh nhất châu Á: Những cái tên đến từ Việt Nam

Tại "Bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2023", TPBank tiếp tục dẫn đầu nhóm ngân hàng Việt Nam với 6,05 điểm, xếp hạng 165. Trong danh sách năm nay, Việt Nam góp mặt thêm 2 thành viên mới.

The Asian Banker vừa công bố "Bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2023" với 6 tiêu chí bao gồm quy mô tài sản, tốc độ tăng trưởng, quản trị rủi ro, khả năng sinh lời, chất lượng tài sản và tính thanh khoản.

20 ngân hàng thương mại Việt Nam góp mặt trong danh sách năm nay. Trong đó, TPBank có thứ hạng cao nhất (165/500) - tiếp tục dẫn đầu các ngân hàng Việt Nam năm thứ 2 liên tiếp trong Top 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương của The Asian Banker.

Đứng thứ hai là ngân hàng trong nhóm Big 4 - Vietcombank tại thứ hạng 190 trong Top 500. Tiếp đến là các ngân hàng MB Bank với thứ hạng 221 với 5,68 điểm. Techcombank xếp hạng 257 với tổng điểm đạt 5,65 điểm và ACB đứng thứ 5 với 5,6 điểm xếp thứ hạng 281 trong bảng AB500.

Hai tên tuổi quen thuộc còn lại là Vietinbank và BIDV lần lượt giữ vị trí 266 và 275. Ngân hàng LPBank đồng xếp hạng 275 cùng BIDV với tổng điểm là 5,23.

Tiếp theo là Agribank với 5,13 điểm, xếp hạng 288, Sacombank hạng 299, SeABank hạng 334, HDBank hạng 336, VIB hạng 340, MSB hạng 349, SHB hạng 358, VPBank hạng 362 và Eximbank hạng 362.

Ngân hàng OCB đứng ở vị trí 373 - giữ vững thành tích về chỉ số tăng trưởng, quy mô tài sản và quản trị rủi ro…

So với năm 2022, danh sách ngân hàng Việt lọt vào Top 500 năm 2023 có thêm 2 gương mặt mới là NamABank và PVComBank, xếp vị trí 379 và 423/500.

- UpRace 2023 gây quỹ gần 7 tỷ đồng cho 3 tổ chức xã hội

Sự kiện chạy bộ trực tuyến gây quỹ vì cộng đồng UpRace 2023 vừa khép lại sau 24 ngày (06/10 – 29/10/2023) với sự tham gia của hơn 620.000 người và ghi nhận gần 7 triệu km chạy, tương đương gần 7 tỷ đồng được quyên góp cho 3 tổ chức xã hội.

UpRace 2023 đạt kỉ lục mới về số người đăng ký tham gia, lên đến hơn 620.000 người trên khắp 63 tỉnh thành, gần gấp đôi so với năm 2022. Số km hợp lệ ghi nhận từ sự kiện cũng cán mốc 6.866.696 km.

Các doanh nghiệp tài trợ cho UpRace 2023 gồm Quỹ Kiến tạo Ước mơ (thuộc VNG), ngân hàng CIMB Việt Nam, Minh Long I, Nutifood, công ty TNHH Chăm sóc người cao tuổi Hòa Bình, Home Credit, Biti's, Eximbank, UrBox, ASH cùng một số nhà tài trợ khác, sẽ cùng nhau quyên góp số tiền tương đương gần 7 tỷ đồng cho 3 tổ chức xã hội đồng hành: Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam (ASVHO), Quỹ Học bổng Vừ A Dính và Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet).

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch ASVHO cho biết: “Đối tượng cần hỗ trợ của Hội đang có 6,2 triệu người khuyết tật, 400.000 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt, riêng trẻ mồ côi vì Covid là trên 3.000 cháu. UpRace sẽ góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người khuyết tật và hỗ trợ trẻ em mồ côi, thay thủy tinh thể cho người cao tuổi tại các vùng khó khăn”.

- Cổ phiếu Novaland bất ngờ tăng kịch trần

Cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland đã tăng kịch trần 7% đạt 14.000 đồng với dư mua sau khi hết phiên sáng 2/11 gần 4,5 triệu đơn vị. Nguyên nhân, HoSE thông báo đưa cổ phiếu NVL ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 3/11.

Sở Giao dịch TPHCM (HoSE) vừa thông báo đưa cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland và cổ phiếu HPX của Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 3/11, do doanh nghiệp đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo.

Hồi tháng 4, NVL đã bị đưa vào diện cảnh báo do công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 15 ngày so với thời hạn quy định. Khi đó, HoSE cũng đưa NVL vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện ký quỹ (cắt margin) do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022.

Ngày 17/4, Novaland thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán. Theo HoSE, Novaland đã khắc phục được tình trạng này.

Đón nhận thông tin này, ngay lập tức, cổ phiếu NVL đã tăng kịch biên độ 7% đạt 14.000 đồng với dư mua sau khi hết phiên sáng 2/11 gần 4,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, thị giá mã này cũng đã giảm giảm 36,3% so với đầu tháng 9 và giảm 80% so với cách đây một năm. Cổ phiếu này vẫn sẽ không được giao dịch ký quỹ (cắt margin) vì báo lỗ trong nửa đầu năm.

- Dior, Gucci, Louis Vuitton... ế ẩm

Trong quý III, doanh số của loạt thương hiệu Louis Vuitton, Dior chậm lại. Trong khi đó, tình hình kinh doanh của Gucci, Yves Saint-Laurent cũng không mấy khả quan.

LVMH - "ông trùm" hàng hiệu sở hữu nhiều thương hiệu như Louis Vuitton, Dior, Tiffany - báo cáo doanh số bán hàng thời trang và đồ da chỉ tăng 9% trong quý III. Trên thị trường, giá cổ phiếu của tập đoàn cũng giảm mạnh.

Các công ty khác còn chật vật hơn khi Tập đoàn Kering (Pháp) chứng kiến doanh số bán hàng giảm 9% trong quý III, xuống còn 4,46 tỷ euro.

Đặc biệt, doanh số bán hàng đã giảm trên toàn bộ các thương hiệu thời trang của tập đoàn. Gucci, thương hiệu chiếm một nửa hoạt động kinh doanh toàn cầu của Kering, có doanh thu trong quý III giảm 7%.

Công ty con khác là Yves Saint-Laurent cũng đang có dấu hiệu suy yếu, với doanh số bán hàng giảm 12%. Giám đốc điều hành của tập đoàn cho biết nguyên nhân của sự sụt giảm này đến từ bối cảnh kinh tế bất lợi khiến nhu cầu mua hàng xa xỉ giảm mạnh.

Ngược lại với tình hình chung, Hermes vẫn kinh doanh ổn định. Trong quý III, thương hiệu túi da Pháp này công bố doanh số tăng 15,6% so với cùng kỳ, vượt xa kỳ vọng và các đối thủ.

Hermes cho biết doanh số bán hàng ở châu Mỹ của hãng tăng 20% mặc dù mức tăng giá thấp hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Ở châu Âu, doanh số bán hàng của hãng tăng 18,1% trong quý III.

- CEO JPMorgan Chase: Lạm phát sẽ dai dẳng, Fed có thể phải tăng lãi suất lên hơn 6%

Tổng giám đốc (CEO) Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng vẫn có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất thêm tới 0,75 điểm phần trăm do lạm phát dai dẳng, đồng thời cảnh báo doanh nghiệp nên chuẩn bị sẵn sàng cho một kịch bản xấu nhất như vậy...

Trong một cuộc trao đổi với trang Yahoo Finance chỉ vài giờ sau khi Fed công bố kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 1/11, ông Dimon nói: “Tôi nghĩ là họ đúng khi tạm dừng tăng lãi suất ở đây và chờ những diễn biến tiếp theo. Nhưng tôi cho rằng có lẽ họ chưa hoàn thành việc tăng lãi suất”.

Sau cuộc họp định kỳ kéo dài 2 ngày, Fed giữ lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25-5,5%, cao nhất trong 22 năm. Đây là cuộc họp thứ hai liên tiếp Fed không thay đổi lãi suất sau 11 lần nâng kể từ khi chiến dịch thắt chặt này bắt đầu vào tháng 3/2022.

Nói về mức tăng lãi suất nếu Fed còn thắt chặt, ông Dimon phát biểu: “Có thể là 25, 50 hoặc 75 điểm cơ bản. Tôi sẽ không dự báo cụ thể, tôi chỉ cho là khả năng tăng lãi suất thêm sẽ cao hơn so với mọi người đang nghĩ”.

Nếu Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, tức 0,75 điểm phần trăm, lãi suất quỹ liên bang sẽ lên tới 6,25%, cao nhất kể từ đầu năm 2001.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 3/111: Giá vàng diễn biến ra sao sau quyết định không tăng lãi suất của Fed?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO