Điểm tin kinh doanh 28/2: Giá vàng vượt mốc 79 triệu đồng/lượng

Việt Báo (Tổng hợp)| 28/02/2024 06:00

Vì sao xuất khẩu gạo sang Pháp tăng đột biến tới 184 lần về giá trị; Du khách Trung Quốc đến Việt Nam đầu năm 2024 tăng cao

gia-vang-hom-nay-5-2-1-1707098376-967-width1600height1067.jpg

- Giá vàng vượt mốc 79 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong nước chiều 27/2 đã có thời điểm tăng vượt mốc 79 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, tại thời điểm 14 giờ, Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank Gold & Jewellry) niêm yết giá vàng ở mức 77,2 – 79,22 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 400 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 200 nghìn đồng./lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước đó.

Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 76,85 - 78,85 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước đó.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 76,9 - 78,92 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước đó.

- Việt Nam đầu tư 3,76 tỷ USD vào Tam giác phát triển thuộc Lào và Campuchia

Trong khu vực tam giác phát triển thuộc Lào và Campuchia, Việt Nam có 110 dự án với số vốn đăng ký đầu tư là 3,76 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng số dự án và 44,3% vốn đăng ký đầu tư sang Lào và Campuchia nói chung.

Cụ thể, Việt Nam đã có 248 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam là 5,44 tỷ USD và 206 dự án đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đầu tư đăng ký phía Việt Nam là 2,91 tỷ USD. Trong khu vực tam giác phát triển thuộc Lào và Campuchia, Việt Nam có 110 dự án với số vốn đăng ký đầu tư là 3,76 tỷ USD (chiếm 24,2% tổng số dự án và 44,3% vốn đăng ký đầu tư sang Lào và Campuchia nói chung). Trong đó đầu tư tại Lào có 65 dự án, với số vốn là 2,09 tỷ USD (chiếm 57,3%), tại Campuchia có 45 dự án, với số vốn là 1,67 tỷ USD (chiếm 38,4%).

Các dự án đầu tư của Việt Nam tại khu vực này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng cây công nghiệp, xây dựng, khai khoáng và thủy điện. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, có những đóng góp và tác động tích cực đối với phát triển kinh tế của địa phương thông qua việc đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng thông qua các công trình dân dụng nhỏ như đường sá, trường học, trạm y tế, đóng góp cho công tác an sinh xã hội tại địa phương thông qua các hoạt động hỗ trợ tài chính, hoạt động giao lưu thăm hỏi, chương trình từ thiện...

- Du khách Trung Quốc đến Việt Nam đầu năm 2024 tăng cao

Thống kê mới nhất từ nền tảng du lịch trực tuyến Agoda cho thấy nhu cầu du khách Trung Quốc đại lục du lịch đến Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục và tăng trong những tháng đầu năm 2024.

Dữ liệu tìm kiếm của Agoda cho thấy lượng tìm kiếm từ Trung Quốc đến Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán đã gần như quay lại mức trước đại dịch COVID-19. Theo đó, khách Trung Quốc quan tâm đến du lịch Việt Nam năm 2024 đạt 95% so với năm 2020, thời điểm trước khi các lệnh hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 được áp dụng.

Ông Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Agoda tại Việt Nam cho biết theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khách Trung Quốc đại lục là nguồn thu du lịch lớn nhất của Việt Nam vào năm 2019, chiếm gần 1/3 tổng số du khách đến nước ta.

abdd5dd8-0882-4eb2-834b-5005caeecfae-20231201151920.jpeg

- Vì sao xuất khẩu gạo sang Pháp tăng đột biến tới 184 lần về giá trị

Pháp đã bất ngờ vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong tháng đầu năm với khối lượng 17.919 tấn, thu về 18,64 triệu USD.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng kỷ lục từ năm 2023 đến nay, thậm chí có thời điểm cao nhất thế giới. Bước sang năm 2024, ngành lúa gạo tiếp tục đón tin vui khi có quốc gia đang mua gạo Việt với giá hơn 1.000 USD/tấn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng đầu năm đạt 512.265 tấn, trị giá 362,3 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 7% về trị giá so với tháng trước, đồng thời tăng 42,8% về lượng và tăng tới 94,5% về trị giá so với tháng 1/2023. Giá xuất khẩu gạo đạt bình quân 707 USD/tấn, tăng nhẹ 3% so với tháng 12/2023.

Trong tháng 1, Philippines tiếp tục thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 280.944 tấn, giá gạo trung bình xuất khẩu sang thị trường này đạt 691 USD/tấn.

Đáng chú ý, Pháp bất ngờ vượt qua Indonesia và Trung Quốc để trở thành khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt Nam. Theo đó, Pháp đã chi 18,64 triệu USD để mua 17.919 tấn gạo trong tháng 1/2024, gấp 164 lần về lượng và gấp 184 lần về trị giá so với tháng trước. Cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam không ghi nhận xuất khẩu gạo sang thị trường này.

Với kết quả trên, Pháp vươn lên đứng thứ tư về lượng và thứ hai về kim ngạch nhập gạo của Việt Nam với thị phần chiếm lần lượt là 3,5% và 5,1%.

Gạo thơm là chủng loại được Pháp nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam trong tháng 1, chiếm 97% tỷ trọng, còn lại 2% là gạo trắng và 1% là gạo Nhật. Đặc biệt, giá xuất khẩu gạo bình quân sang thị trường Pháp lên đến 1.040 USD/tấn – mức cao nhất trong số các thị trường mua gạo Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này, ông Phan Văn Có – Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group cho biết, xuất khẩu gạo sang Pháp trong tháng đầu năm tăng vọt cho thấy các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao của Việt Nam đã được người tiêu dùng tại Pháp đánh giá cao. Và mức giá 1.040 USD/tấn là mức rất cao trong những năm qua. “Đây là thị trường khó tính song sẵn sàng chi trả cao cho các sản phẩm có chất lượng”, ông Có cho biết.

Cũng theo ông Có, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU nói chung và thị trường Pháp nói riêng đã có bước tăng trưởng khá ấn tượng.

- VinFast giành cú đúp giải thưởng tại Triển lãm Ô tô quốc tế Indonesia 2024

VinFast đã đạt giải “Thương hiệu Đông Nam Á có màn ra mắt được yêu thích nhất” và “Gian trưng bày xe xuất sắc nhất” tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Indonesia (IIMS) 2024 vừa qua.

Lần đầu tham dự IIMS 2024, VinFast đã gây bất ngờ cho Hội đồng Giải thưởng gồm những nhà báo quốc tế uy tín bởi dải sản phẩm SUV tay lái nghịch đa dạng và hoàn chỉnh, trải đủ các phân khúc từ A – E, gồm VF 5, VF e34, VF 6, VF 7, VF 8, VF 9. Các thành viên đã thống nhất vinh danh VinFast ở hạng mục“Thương hiệu Đông Nam Á có màn ra mắt được yêu thích nhất” trong số 188 gian hàng tại IIMS 2024.

Cùng với màn ra mắt ấn tượng, gian hàng VinFast cũng nhận được đánh giá cao nhất của Hội đồng Giải thưởng với danh hiệu“Gian trưng bày xe xuất sắc nhất”. Khu trưng bày của VinFast được thiết kế nổi bật và hiện đại, biểu đạt xuất sắc tầm nhìn về tương lai điện hóa và tinh thần đổi mới. Đặc biệt, không gian 670 m2 với dàn xe điện đa dạng của VinFast đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới công chúng về tương lai của giao thông xanh, bền vững và thông minh.

Ông Daswar Marpaung – Chủ tịch Dyandra Promosindo, đại diện Ban Tổ chức IIMS 2024, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được trao giải thưởng ‘Thương hiệu Đông Nam Á có màn ra mắt được yêu thích nhất’ và ‘Gian trưng bày xe xuất sắc nhất’ cho VinFast. Việc chính thức ra mắt thương hiệu tại thị trường Indonesia và giới thiệu dải sản phẩm xe điện tay lái nghịch tại IIMS 2024 đã khẳng định những quyết tâm không ngừng nghỉ của thương hiệu xe điện Việt.”

- 6 thị trường xuất khẩu “mở hàng” năm 2024 trên 2 tỷ USD

Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang tất cả các thị trường/ khu vực thị trường trên 2 tỷ USD này đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu cập nhật do Tổng cục Hải quan công bố ngày 23/2 cho biết, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 01/2024 đạt 34,53 tỷ USD, đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2022, tăng 9,7% so với tháng 12/2023 và tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.

Quy mô hàng hóa xuất khẩu của nước ta trong tháng 01/2024 đã tăng 3,07 tỷ USD so với tháng 12/2023 và tăng tới 10,89 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Tháng đầu năm 2024 ghi nhận có 6 thị trường và nhóm thị trường xuất khẩu đạt trị giá trên 2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ dẫn đầu với trên 10 tỷ USD. Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang tất cả các thị trường/khu vực thị trường trên 2 tỷ USD này đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 10,05 tỷ USD, tăng 64% (tương ứng tăng 3,91 tỷ USD); EU (27 nước) đạt 4,6 tỷ USD, tăng 40% (tương ứng tăng 1,32 tỷ USD); Trung Quốc đạt 4,56 tỷ USD, tăng 19% (tương ứng tăng 714 triệu USD); ASEAN đạt 3,2 tỷ USD, tăng 47% (tương ứng tăng 1,02 tỷ USD); Hàn Quốc đạt 2,34 tỷ USD, tăng 38% (tương ứng tăng 646 triệu USD) và Nhật Bản đạt 2,23 tỷ USD, tăng 45% (tương ứng tăng 690 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 28/2: Giá vàng vượt mốc 79 triệu đồng/lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO