- Giá vàng trong nước cao kỷ lục, giá thế giới thẳng tiến tới đỉnh lịch sử
Giá vàng nhẫn trong nước tăng lên mức giá cao chưa từng có. Giá vàng miếng thế giới nhanh chóng vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce và có cơ hội lập đỉnh cao lịch sử ngay cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Trong phiên giao dịch sáng 27/11, thị trường vàng thế giới và trong nước sôi động với giá đồng loạt bứt phá. Giá vàng thế giới tăng nhanh lên trên ngưỡng 2.000 USD/ounce ngay đầu tuần mới trên thị trường châu Á.
Trong nước, giá vàng vàng nhẫn 24K tăng giá cao chưa từng thấy lên đỉnh mới mới 61,6 triệu đồng/lượng (giá bán ra). Giá vàng miếng tăng thêm 200.000 đồng/lượng so với cuối tuần lên 71,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 72,3 triệu đồng/lượng (bán ra).
Như vậy, giá vàng miếng trong nước chỉ còn cách không xa kỷ lục 74 triệu đồng/lượng ghi nhận hồi đầu tháng 3/2022. Ở vào thời điểm đó, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 17 triệu đồng/lượng. Còn ở thời điểm hiện tại, mức chênh khoảng 12 triệu đồng/lượng.
Nhiều khả năng, giá vàng miếng ở thị trường Việt Nam sẽ lập kỷ lục mới bởi dư địa còn rất lớn. Ngoài mức chênh thấp hơn, sức cầu vàng tại cả Việt Nam và châu Á được dự báo sẽ gia tăng vào dịp cuối năm và đầu năm mới. Tỷ giá USD/VND cũng ở mức cao hơn, hiện khoảng 24.400 đồng/USD (giá ngân hàng bán).
Tính tới 9h sáng 27/11, giá vàng trên thị trường châu Á ở mức 2.017 USD/ounce, cao hơn khoảng 10,6% (193 USD/ounce) so với đầu năm 2023 và chỉ còn cách kỷ lục 2.090 USD/oune ghi nhận hồi tháng 5/2023 không đáng kể.
Giá vàng thế giới sáng 27/11 quy đổi theo giá USD/VND của Vietcombank (24.400 đồng/USD) có giá 59,9 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 12,3 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Giá vàng trên thị trường quốc tế hiện ở mức cao nhất kể từ tháng 5/2023 và có xu hướng tiếp tục đi lên trong bối cảnh đồng USD suy yếu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có nhiều tín hiệu về khả năng có thể dừng tăng lãi suất và bắt đầu xu hướng giảm lãi suất từ năm sau.
Chỉ số DXY (đo lường biến động của đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt) giảm từ mức 106,8 điểm (ngày 26/10) xuống mức 103,4 điểm vào sáng 27/11 trên thị trường châu Á.
Tỷ giá USD/VND tăng từ mức quanh 23.700 (giá ngân hàng bán ra) hồi đầu năm lên mức 24.400 đồng/USD như hiện tại.
Giá vàng thế giới có xu hướng tiếp tục tăng khi đồng USD suy giảm và bất ổn địa chính trị chưa có dấu hiệu bớt căng thẳng. Sức cầu đối với vàng tiếp tục gia tăng, chủ yếu từ những "tay chơi" lớn trên thị trường, bao gồm ngân hàng trung ương nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Án Độ…
Vàng thế giới cũng được hỗ trợ mạnh theo phân tích kỹ thuật khi vượt ngưỡng hỗ trợ quan trọng 2.000 USD/ounce vào ngày đầu tuần. Cú bứt phá đầu tuần chấm dứt 2 tuần liên tiếp vàng chịu sức ép từ hoạt động chốt lời và sự thận trọng khi giới đầu tư theo dõi động thái của Fed.
Gần đây, đa số các nhà kinh tế cho rằng, quyết định cắt giảm lãi suất đầu tiên của Mỹ sẽ được thực hiện sớm nhất vào giữa năm 2024. Điều này đồng nghĩa với việc, chỉ tới khi đó vàng mới bứt phá.
Trên Kitco, nhà phân tích hàng hóa Barbara Lambrecht đến từ Ngân hàng Commerzbank cho rằng, vàng sẽ đi lên vững chắc trên ngưỡng 2.000 USD/ounce từ giữa năm 2024 khi Fed cắt lãi suất.
Tuy nhiên, những tín hiệu mới từ Fed khiến một số chuyên gia tin rằng Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ sớm hơn, ngay trong quý I/2024 và sức cầu vàng sẽ tăng ngay từ những tháng còn lại của năm 2023. Mùa tiêu thụ vàng của người dân châu Á cũng như hoạt động tích trữ vàng, giảm phụ thuộc vào đồng USD của nhiều nước vẫn diễn ra mạnh mẽ.
Theo thống kê của chiến lược gia trưởng lĩnh vực kim loại của MKS PAMP Nicky Shiels, trong 5 năm qua, vàng tăng bình quân 2,7% kể từ Lễ Tạ ơn (23/11) cho tới 31/12. Điều này có nghĩa vàng có thể lên mức khoảng 2.040 USD/ounce.
Phần lớn các dự báo đưa ra gần đây đều cho rằng, vàng đang bước vào một thị trường uptrend trong năm 2023 và sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2024.
Có dự báo cho rằng, giá vàng có thể vượt quá 2.100 USD/ounce ngay vào cuối năm 2023 và thậm chí có thể đạt mức 3.000 USD/ounce (khoảng 90 triệu đồng/lượng) trong năm 2024.
- Tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục lập kỷ lục
Tính đến cuối tháng 9, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.
Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp 11 lần cùng kỳ năm 2022 nhưng là tháng tăng thấp thứ hai trong 9 tháng đầu năm (chỉ cao hơn tháng 7 - tăng 6.707 tỷ đồng).
So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.
Trong khi tăng trưởng tiền gửi của dân cư chậm lại trong tháng 9, tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại tăng mạnh 217.353 tỷ đồng, lên gần 6,232 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp đôi cùng kỳ năm 2022 và tháng tăng mạnh thứ hai trong 9 tháng đầu năm 2023 (chỉ thấp hơn tháng 6 - tăng 235.438 tỷ đồng).
So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của khối doanh nghiệp đã tăng 276.856 tỷ đồng, tương đương 4,65%, cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.
Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý III đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi ngân hàng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm sâu. Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất mà Vietcombank đang áp dụng chỉ là 5%. Các ngân hàng lớn khác như BIDV, VietinBank, Agribank cũng chỉ áp dụng mức lãi suất 5,3%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn từ 12 tháng trở lên
Với ngân hàng thương mại cổ phần lớn như VPBank, Sacombank, Techcombank, lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ còn 5,4 – 5,9%/năm. Đáng chú ý, ACB hiện niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất là 4,9% thấp hơn cả nhóm Big4.
- Hàn Quốc dự kiến tiếp nhận số lao động nhập cư nhiều kỷ lục trong năm 2024
Ngày 27/11, The Korea Times dẫn thông tin của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc cho biết, trong năm 2024, nước này sẽ chấp thuận tới 165.000 lao động nhập cư không chuyên nghiệp (thị thực E-9) để đối phó với tình trạng thiếu lao động ngày càng tăng.
Hàn Quốc cũng sẽ mở rộng các ngành công nghiệp mà người lao động nước ngoài đến đây với thị thực E-9 có thể làm việc, bao gồm các lĩnh vực nhà hàng, khai thác mỏ và lâm nghiệp.
Ví dụ, trong ngành công nghiệp nhà hàng, Jeju, Sejong và 98 chính quyền địa phương đã có kế hoạch tuyển dụng lao động nước ngoài làm trợ lý bếp cho các nhà hàng Hàn Quốc.
Ngành công nghiệp, sản xuất dự kiến tiếp nhận số lượng lao động có thị thực E-9 lớn nhất với 95.000 người. Tiếp theo là 16.000 cho ngành nông nghiệp và chăn nuôi, 13.000 cho lĩnh vực dịch vụ, 10.000 cho lĩnh vực đánh cá, 6.000 người cho ngành xây dựng và 5.000 người cho lĩnh vực đóng tàu. Số 20.000 lao động còn lại sẽ được phân phối linh hoạt.
Thị thực E-9 được cấp cho người lao động nhập cư muốn tham gia vào các công việc đòi hỏi lao động chân tay hoặc không chuyên nghiệp. Số lượng lao động nhập cư vào Hàn Quốc bằng thị thực E-9 đã tăng đều đặn trong những năm gần đây, từ 52.000 vào năm 2021 và 69.000 vào năm 2022 lên 120.000 lao động trong năm nay.
- Khoảng 1,4 triệu môi giới bất động sản sử dụng công nghệ thực tế ảo vào năm 2025
Công nghệ thực tế ảo cho ngành bất động sản gần như chắc chắn chiếm phần lớn trong mảng đầu tư công nghệ của lĩnh vực này. Nghiên cứu của Goldman-Sachs cho biết đến năm 2025, ước tính khoảng 1,4 triệu nhà môi giới bất động sản sử dụng công nghệ thực tế ảo VR – AR…
Giai đoạn kỷ nguyên số hóa với sự phát triển, hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ mới đã, đang làm thay đổi hoạt động của nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực bất động sản cũng không nằm ngoài “vòng xoáy”, ứng dụng công nghệ nhanh chóng trở thành xu hướng tất yếu của thị trường bất động sản…
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars), từ năm 2020, các trải nghiệm mua nhà tại Việt Nam bắt đầu được số hóa. Ứng dụng công nghệ bất động sản trở thành một phần không thể thiếu của thị trường bất động sản. Công nghệ mới giúp hoạt động kinh doanh bất động sản chuyển dịch theo xu hướng tích cực, với việc rút ngắn thời gian và chi phí giao dịch, tăng thanh khoản tài sản bất động sản.
Vì vậy, “Công nghệ thực tế ảo cho ngành bất động sản chắc chắn chiếm phần lớn trong mảng đầu tư công nghệ của lĩnh vực này. Nghiên cứu của Goldman-Sachs cho biết đến năm 2025, ước tính khoảng 1,4 triệu nhà môi giới bất động sản sử dụng công nghệ thực tế ảo VR – AR”, Vars thông tin.
- Thị trường dầu có dấu hiệu dịu lại trước cuộc họp quan trọng của OPEC+
Trước cuộc họp OPEC + bị trì hoãn vào thứ Năm tuần trước, có những dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu đang vượt quá nhu cầu, tạo ra thách thức cho nhóm này khi họ chuẩn bị thiết lập chính sách sản lượng cho năm 2024.
Với giá dầu kỳ hạn giảm nhiều so với mức cao nhất trong tháng 9, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu và WTI đã giảm nhẹ, báo hiệu nguồn cung dồi dào, trong khi tồn kho của Mỹ tăng vọt.
Thị trường dầu mỏ toàn cầu đang tập trung vào cuộc họp của OPEC+. Nhóm này sẽ cần giải quyết những gì mà các nhà phân tích coi là nguồn cung toàn cầu đang tăng, cũng như tranh chấp nội bộ về hạn ngạch. Hiện tại, Ả Rập Xê-út và Nga dự kiến sẽ kéo dài thời gian cắt giảm nguồn cung tự nguyện, và những người theo dõi thị trường cho rằng việc cắt giảm theo nhóm sâu hơn cũng có thể xảy ra. Các quyết định của họ sẽ có tác động sâu sắc đến giao dịch trong quý này cũng như năm tới.
Ông Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa của ING Groep NV tại Singapore cho biết: “Tâm lý trên thị trường dầu mỏ vẫn tiêu cực. Càng ngày chúng tôi nhận thấy nhóm có thể cắt giảm sâu hơn. Nếu vậy, nhóm sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường vào năm 2024.”
Khoảng cách giữa hai hợp đồng gần nhất của WTI đã rơi vào tình trạng bù hoãn mua, với giá giao ngay thấp hơn 28 xu một thùng so với giá giao sau.