Điểm tin kinh doanh 28/1: Thị trường vàng 'đứng yên' chờ quyết định của Fed

Việt Báo (Tổng hợp)| 28/01/2024 06:00

FPT Telecom 'xô đổ' kỷ lục doanh thu và lợi nhuận, cổ phiếu lập đỉnh; Cập nhật mới nhất tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại tại 3 ngân hàng “Big Four”

gia-vang-hom-nay-ngay-19-1-17056414879251938215727.jpg

- Thị trường vàng 'đứng yên' chờ quyết định của Fed

Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/1, giá vàng thế giới giữ ổn định ở mức 2.016,95 USD/ounce. Tương tự, giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng đi ngang, đứng ở mức 2.017,3 USD/ounce.

Nhìn lại tuần qua, thị trường vàng thế giới và châu Á đều đi xuống tại phiên giao dịch đầu tuần ngày 22/1, sau đó nhích nhẹ trong các phiên 23 và 24/1 và bắt đầu trượt xuống trong phiên ngày 25/1. Khi tính theo tuần, giá vàng giảm 0,6% trong tuần qua.

Đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng được cho là nguyên nhân kéo giá vàng đi xuống trong tuần này. Tuy nhiên, hiện giá vàng tạm "neo" ổn định, khi các nhà đầu tư đang chuyển hướng sự chú ý sang cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến sẽ diễn ra trong tuần tới, để có thêm các thông tin về triển vọng lãi suất.

Theo khảo sát của CME FedWatch, các thị trường đều tin rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách vào ngày 30-31/1, nhưng đã bớt kỳ vọng về khả năng lãi suất giảm vào tháng 3/2024.

Về lý thuyết, lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng. Ông David Meger, Giám đốc bộ phận giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định thị trường vàng tạm thời ít biến động. Nhưng dự đoán về khả năng lãi suất giảm trong năm 2024 vẫn tiếp tục hỗ trợ thị trường vàng.

Dữ liệu mới công bố cho thấy giá cả tại Mỹ đã tăng vừa phải trong tháng 12/2023, giữ cho mức lạm phát hàng năm ở dưới ngưỡng 3% trong tháng thứ ba liên tiếp. Hơn nữa, các dữ liệu cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý IV/2023. Đây là cơ sở để Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Chuyên gia Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa của ngân hàng Saxo, đánh giá trong ngắn hạn, hướng đi của giá vàng và bạc sẽ tiếp tục bị chi phối bởi dữ liệu kinh tế của các nền kinh tế lớn và tác động của chúng đối với đồng USD, lợi suất trái phiếu và kỳ vọng cắt giảm lãi suất.

Trên các thị trường kim loại quý khác, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/1, giá bạc giao ngay giảm 0,8%, xuống còn 22,75 USD/ounce, ghi nhận một tuần giao dịch tốt nhất trong 5 tuần qua. Giá bạch kim tăng 2,6% lên 914,33 USD/ounce và giá palladium tăng 1,9% lên 958,81 USD/ounce.

Tại thị trường Việt Nam, trong sáng ngày 27/1, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,2- 76,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

- FPT Telecom 'xô đổ' kỷ lục doanh thu và lợi nhuận, cổ phiếu lập đỉnh

Kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đặn cùng việc trả cổ tức cao đều đặn giúp cổ phiếu FOX diễn biến tích cực thời gian qua, vươn lên vùng giá cao nhất trong lịch sử niêm yết.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023, CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom, mã chứng khoán FOX) ghi nhận doanh thu thuần 4.115 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Biên lợi nhuận gộp đạt 46,2%, suy giảm so với mức gần 48,9% của quý 4/2022.

Doanh thu tài chính mang về 215 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng trong khi chi phí bán hàng được tiết giảm hơn 100 tỷ đồng. Kết quả, FPT Telecom báo lãi sau thuế quý 4 đạt 590 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 15% lên 570 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2023, FPT Telecom đạt 15.806 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.380 lãi ròng; tăng lần lượt 7% và 11% so với năm 2022. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận ròng cao nhất từ trước tới nay của FPT Telecom và là năm thứ 6 liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận.

Năm 2023, doanh nghiệp lên mục tiêu doanh thu là 16.730 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.230 tỷ đồng. Như vậy, với 3.036 tỷ đồng lãi trước thuế, doanh nghiệp mới thực hiện được 94% chỉ tiêu lợi nhuận và 95% kế hoạch doanh thu năm.

Tại thời điểm cuối năm 2023, quy mô tài sản của FPT Telecom đạt 20.133 tỷ đồng. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn với 9.076 tỷ đồng, giảm 25% sau một quý. Lượng tiền gửi cao giúp doanh nghiệp thu về 808 tỷ lãi tiền gửi năm 2023.

Tổng dư nợ vay cuối kỳ là 5.982 tỷ đồng, hoàn toàn là vay ngắn hạn. Năm qua, doanh nghiệp vay thêm 18.638 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 17.823 tỷ đồng. Tổng chi phí lãi vay năm qua là 445 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa lãi tiền gửi.

- Động Việt mở bán sớm Samsung Galaxy S24 series

Vào lúc 19h ngày 27/1, Di Động Việt đã chính thức mở bán sớm Galaxy S24 series trên toàn hệ thống, cả online và offline.

Dự kiến sẽ trả khoảng 500 máy cho khách hàng đã đặt cọc trước kèm theo ưu đãi đến 11 triệu. Đặc biệt trên phiên livestream TikTokShop, Galaxy S24 series có giá chỉ từ 15,59 triệu đồng.

Galaxy S24 phiên bản dung lượng 256GB có giá chỉ từ 22,99 triệu đồng. Trong khi đó, giá bán S24 Plus và S24 Ultra lần lượt là 26,99 triệu đồng và 33,99 triệu đồng. Trường hợp người dùng không nhận các ưu đãi và bộ quà tặng sẽ có thể mua S24 với giá tốt, chỉ từ 16,49 triệu đồng.

Trên kênh online, Di Động Việt tổ chức phiên livestream cùng giờ, theo đó từ 19h đến 21h ngày 27/1 với mã giảm giá đặc biệt, các model như Galaxy S24 chỉ còn từ 17,19 triệu, S24 Plus chỉ còn từ 20,19 triệu, Galaxy S24 Ultra chỉ còn từ 25,5 triệu đồng. Đặc biệt, hệ thống còn sẽ tung ra 24 suất Samsung S24 giá chỉ 15,59 triệu đồng.

Ngoài ra, hệ thống còn dành tặng nhiều ưu đãi đặc biệt cho khách hàng đã đặt trước, bao gồm: phiếu mua hàng trị giá đến 8 triệu khi Trade-in thu cũ đổi mới, giảm ngay 2 triệu khi mua trả góp qua Samsung Finance hoặc thanh toán qua một vài ngân hàng, tặng gói Samsung Care + 1 năm trị giá 2 triệu, bảo hành độc quyền 2 năm, dùng thử miễn phí 14 ngày… cùng nhiều quà tặng hấp dẫn khác.

- Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam năm 2023

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu mực và bạch tuộc sang Hàn Quốc đạt 247 triệu USD, chiếm 37% tổng kim ngạch mặt hàng này.

Theo VASEP, năm 2023, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đạt 660 triệu USD, giảm 13% so với năm 2022. Tuy chưa thoát đà tăng trưởng âm nhưng xuất khẩu mực, bạch tuộc ghi nhận mức giảm nhẹ hơn so với các sản phẩm thủy sản chủ lực khác.

Trong cơ cấu sản phẩm, mực chiếm 55,4% với kim ngạch 365 triệu USD (giảm 14% so với năm trước), còn lại bạch tuộc với 295 triệu USD (giảm 12%).

Hàn Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất về sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 37%. Tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Hàn Quốc năm 2023 đạt 247 triệu USD, giảm 8% so với năm trước.

Theo VASEP, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này kể từ tháng 8/2023 đến hết năm ghi nhận tăng trưởng dương hoặc chỉ giảm nhẹ.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 23% với kim ngạch 152 triệu USD, giảm 11% so với năm trước. Xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang thị trường này có xu hướng giảm mạnh những tháng cuối năm 2023..

Kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Trung Quốc & Hong Kong năm 2023 đạt 77 triệu USD, giảm 6% so với năm 2022.

092610-vietcombank-giam-hang-ngan-ty-dong-lai-suat-cho-khach-hang-bi-anh-huong-boi-dich-covid-19.jpg

- Những doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, cao nhất hơn 53%

Trong tuần đầu tiên của tháng 2, thị trường chứng khoán có 5 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức và đều bằng tiền mặt, trong đó tỷ lệ chia cao nhất thuộc về một công ty thủy điện.

CTCP Thủy điện sông Ba Hạ (Mã: SBH) sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 2/2023 bằng tiền với tỷ lệ 53,25%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 5.325 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/1.

Như vậy với hơn 124,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Thủy điện sông Ba Hạ sẽ chi khoảng 661 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông. Thời gian thanh toán là 15/5.

Ngày 1/2 tới đây, CTCP Xây lắp Thừa Thiên Huế (Mã: HUB) sẽ chốt quyền tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 31/1.

Như vậy, với gần 26,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự chi 26,3 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt này. Thời gian thanh toán dự kiến ngày 29/2.

CTCP Cát Lợi (Mã: CLC) vừa công bố tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cp). Dự kiến công ty sẽ chi khoảng 39,3 tỷ đồng cho đợt chi trả này. Ngày chốt danh sách tạm ứng là 30/1, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/1. Ngày tạm ứng cổ tức là 28/2.

CTCP Cát Lợi được thành lập năm 1992, tiền thân là Xí nghiệp In Bao bì và Phụ liệu Thuốc lá - một đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) chuyên sản xuất kinh doanh bao bì và phụ liệu thuốc lá cung cấp cho các đơn vị sản xuất thuốc lá khắp cả nước. Với tỷ lệ nắm giữ 51%, Vinataba sẽ nhận về khoảng 20 tỷ đồng từ cổ tức đợt này.

CTCP Khu Công nghiệp Cao su Bình Long (Mã: MH3) thông báo sắp chi 16,8 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1/2023 với tỷ lệ 7% (700 đồng/cp). Ngày đăng ký cuối cùng 30/1. Ngày thực hiện chi trả 10/4.

Cơ cấu cổ đông của MH3 có hai cổ đông lớn nắm gần 79% vốn điều lệ, bao gồm Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long sở hữu 41,1% và CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC) sở hữu 37,79%. Với đợt cổ tức này, hai tổ chức nói trên sẽ lần lượt nhận về gần 6,9 tỷ đồng và hơn 6,3 tỷ đồng.

CTCP Pin Ắc quy miền Nam (Mã: PAC) thông báo ngày 1/2 là ngày chốt danh sách cổ đông để nhận tạm ứng cổ tức tỷ lệ 5% (500 đồng/cp). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 31/1. Ngày thanh toán là 28/2.

Với 46,47 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính PAC sẽ phải trả tổng cộng hơn 23,2 tỷ đồng trong lần tạm ứng cổ tức lần này. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sẽ nhận về gần 12 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nắm giữ trên 51%.

- Cập nhật mới nhất tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại tại 3 ngân hàng “Big Four”

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có hiệu lực đến ngày 29/1, khối ngoại đang sở hữu tỷ lệ như thế nào tại BID, CTG và VCB.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục biến động, việc theo dõi hoạt động của khối ngoại tại các ngân hàng TMCP lớn ( Big Four) luôn là điểm tựa quan trọng để các nhà đầu tư có thêm nhìn nhận chi tiết về tình hình cổ phiếu và thị trường.

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, có hiệu lực đến này 29/1, khối ngoại đang sở hữu các tỷ lệ sau đây tại ba ngân hàng "Big Four":

1. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán BID): Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 17,3% trên tỷ lệ 30% cổ phần được sở hữu tối đa.

Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã BID đã giảm 0,02% so với mức 17,32% của tuần giao dịch trước đó.

2. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã chứng khoán: CTG): Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 27,34% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa.

Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã CTG tăng 0,13% so với mức 27,21% của tuần giao dịch trước đó.

3. Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB): Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 23,58% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa.

Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã VCB đã tăng 0,01% so với mức 23,57% của 1 tuần giao dịch trước đó.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 28/1: Thị trường vàng 'đứng yên' chờ quyết định của Fed
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO