- Xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang thị trường Mỹ tăng 53,7%
Trong 6 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch tổng cộng hơn 13,9 tỷ USD, tăng trưởng lần lượt là 53,7% và 26,9% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng điện thoại và linh kiện trong tháng 6/2022 đạt 4,39 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng 5. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 29,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Mỹ, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam ở nhóm ngành điện thoại và linh kiện trong 6 tháng qua. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang thị trường Mỹ đạt 6,61 tỷ USD, tăng 53,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch 6,45 tỷ USD, tăng 16,6%; thị trường Hàn Quốc đứng thứ tư, đạt 2,78 tỷ USD, tăng 29,8%... . Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường lớn thứ ba là EU lại sụt giảm 7,7%, chỉ đạt 3,2 tỷ USD.
- Sàn thương mại điện tử nội thất thế trên sân nhà
Các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử đến từ nước ngoài như Shopee, Lazada vẫn áp đảo trên thị trường Việt Nam dựa trên lượng truy cập, tiếp cận, tương tác.
Theo báo cáo ngành thương mại điện tử (TMĐT) của Reputa trong tháng 6, Shopee, Lazada và Thế Giới Di Động tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng những công ty TMĐT phổ biến nhất thị trường Việt Nam. Kết quả đánh giá của Reputa dựa trên tần suất thảo luận, tương tác, lan tỏa và lưu lượng truy cập website.
Ngoài 3 vị trí dẫn đầu, những thứ hạng còn lại lần lượt thuộc về Điện máy Xanh, FPT Shop, Tiki, Bách hóa Xanh, Sendo, Media Mart và CellphoneS. Các sàn TMĐT chiếm 4 vị trí trong bảng xếp hạng.
Nhìn chung, các sàn TMĐT nội vẫn thua thiệt về vị thế so với hai sàn ngoại là Shopee (Singapore) và Lazada (Trung Quốc). Trong quý I, lượng truy cập website của Shopee chiếm tới 69%, Lazada chiếm 13,9%, Tiki chiếm 12,3%, 4,8% thuộc về các sàn còn lại.
- Golden Gate bị phạt 435 triệu đồng
Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt hành chính tổng 435 triệu đồng vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.
Cụ thể, UBCKNN phạt Golden Gate 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định. Doanh nghiệp này phải nộp phạt thêm 85 triệu đồng do mua lại cổ phiếu nhưng không báo cáo UBCKNN theo quy định pháp luật.
Trước đó vào năm 2021, Golden Gate đã thu hồi cổ phiếu của người lao động nghỉ việc làm cổ phiếu quỹ nhưng không báo cáo cơ quan quản lý.
Theo công bố trên website, Golden Gate sở hữu 22 thương hiệu như Manwah, isushi, Kichi-Kichi, Gogi… với 400 nhà hàng, hiện diện trên 40 tỉnh thành.
- Giá trị thanh toán không tiền mặt quý II tăng trưởng mạnh
Quý II/2022, bức tranh kinh tế khởi sắc rõ nét, thể hiện ở nhiều lĩnh vực đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2022 tăng trưởng 7,72%, cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với quý trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Số liệu giao dịch thống kê qua nền tảng thanh toán Payoo trong các lĩnh vực dịch vụ công, giáo dục, du lịch, F&B, bán lẻ, thời trang, điện máy cũng cho thấy giá trị thanh toán không tiền mặt quý II tăng trưởng mạnh so với quý I/2022.
Các phương thức thanh toán không tiền mặt, đặc biệt phương thức thanh toán mới nổi như quét mã QR ngày càng phổ biến và chiếm tỷ trọng cao trong hoạt động thanh toán ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực.
Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc Payoo chia sẻ: “Thời gian qua, nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc đồng hành cùng ngân hàng, tổ chức tài chính, đơn vị fintech thúc đẩy thanh toán điện tử thông qua các hội thảo, sự kiện chuyên ngành, thị trường đã đón nhận và phản hồi một cách tích cực. Thanh toán không tiền mặt đã và đang được các doanh nghiệp lẫn người dân thuộc mọi tầng lớp ủng hộ”.