- Giá vàng tăng lên mức cao nhất gần 1 tuần qua
Sáng 25/7, giá vàng trong nước tăng 50.000-100.000 đồng/lượng, lên mức cao nhất gần 1 tuần qua.
Lúc gần 10h, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 66,67 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,23 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 70.000 đồng/lượng (chiều mua) và 50.000 đồng/lượng (chiều bán) so với cuối ngày 24/7.
Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 66,65 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,25 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng mỗi chiều.
Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam niêm yết giá vàng miếng cùng thương hiệu là 66,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,2 triệu đồng/lượng (bán ra)), cao hơn cuối ngày liền trước 100.000 đồng/lượng mỗi chiều. Mức giá như hiện nay cao nhất kể từ ngày 20-7. Chênh lệch giữa giá mua và bán phổ biến 400.000-600.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn có nơi giữ nguyên, có nơi giảm 20.000 đồng/lượng mỗi chiều. Loại vàng này được giao dịch phổ biến ở mức 56-56,21 triệu đồng/lượng (mua vào) - 57,06-57,1 triệu đồng/lượng (bán ra).
Trên thị trường quốc tế, sáng sớm nay giá vàng giảm 5 USD/ounce so với mức giá cùng thời điểm hôm trước, giao dịch ở mức 1.955 USD/ounce trong bối cảnh thị trường dự báo tại cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra ngày 27/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể quyết định tăng lãi suất thêm.
Đến hơn 10h, giá vàng tăng lên mức 1.961,6 USD/ounce, quy đổi thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 10,7 triệu đồng/lượng.
- Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Hơn 1.000 tỷ đồng đã được cam kết cho vay
Thông tin này được bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết tại hội thảo sáng 25/7.
Cụ thể, ngân hàng Agribank cam kết cho vay một dự án nhà ở xã hội tại Quảng Ninh với số tiền 950 tỷ đồng và đang tiếp cận gần 10 dự án tại TP.HCM, Quy Nhơn, Hà Nam, Lâm Đồng, còn BIDV đã cấp tín dụng 1 dự án tại Phú Thọ với số tiền khoảng 95 tỷ đồng.
NHNN cho biết, đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà thầu xây dựng, người mua nhà...tiếp cận tín dụng thông qua việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Đây là gói tín dụng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường, đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Đối với các lĩnh vực khác, NHNN mới đây chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai chương trình cho vay đối với lâm sản, thủy sản với quy mô 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra là 10.000 tỷ đồng) từ nguồn lực của chính NHTM với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của ngân hàng.
Ngoài ra, tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong một số ngành nông nghiệp chủ lực như lúa gạo, cà phê...
Đến cuối tháng 6/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, dư nợ đạt hơn 56.000 tỷ đồng cho gần 2.100 khách hàng.
- Cổ phiếu ngân hàng khởi sắc, VN-Index vượt mốc 1.195 điểm
Phiên giao dịch ngày 25/7, trái với cổ phiếu nhiều nhóm ngành bị chốt lời, nhóm cổ phiếu ngân hàng đa phần ghi nhận sắc xanh, nhiều mã tăng tốt như VCB, TCB, ACB, TPB, OCB,... góp phần kéo VN-Index tăng 5,18 điểm khi chốt phiên, lên mức 1.195,90 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường giảm nhẹ so phiên trước nhưng vẫn ở mức cao, tổng khối lượng giao dịch 3 sàn đạt hơn 1.176,16 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch hơn 22.879,13 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, giá trị giao dịch khớp lệnh phiên này đạt hơn 18.570,55 tỷ đồng; khối ngoại mua ròng 161 tỷ đồng.
Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực, VCB tăng 3,50%, TCB tăng 3,20%, ACB tăng 1,10%, TPB tăng 1,90%, OCB tăng 3,50%, LPB tăng 0,90%, BVB tăng 2,80%, EIB tăng 1,00%,...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán có sự phân hóa, SSI tăng 0,30%, VCI tăng 1,80%, TVS tăng 2,80%,... Chiều ngược lại, VND giảm 0,80%, HCM giảm 0,70%, VIX giảm 1,80%, CTS giảm 1,40%,...
Nhóm cổ phiếu bất động sản phiên này giao dịch kém tích cực với nhiều mã giảm như BCM giảm 1,50%, KBC giảm 1,20%, DXG giảm 1,80%, CII giảm 1,50%, DXS giảm 1,90%, CRE giảm 1,20%, SZC giảm 1,80%, AGG giảm 1,40%, KHG giảm 2,20%, LCG giảm 2,70%,... Chiều ngược lại, VRE tăng 2,10%, DIG tăng 2,40%, VCG tăng 1,00%,...
Ở nhóm cổ phiếu sản xuất phân hóa, VNM tăng 1,20%, SAB tăng 1,90%, DPM tăng 1,20%,... Ngược lại, MSN giảm 0,70%, GVR giảm 1,80%, SBT giảm 1,50%; HPG, DGC, HSG phiên này đứng giá tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu năng lượng, GAS tăng 0,30%; PLX đứng giá tham chiếu; PGV giảm 0,30%, POW giảm 0,40% giá trị.
Nhóm cổ phiếu bán lẻ, PNJ tăng 1,50%; MWG giảm 1,70%, FRT giảm 0,40%.
Nhóm cổ phiếu hàng không cùng tăng, VJC tăng 0,30%, HVN tăng 0,40%.
- Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới
Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Ngày 25/7, Hội nghị thượng đỉnh ngành tôm (Shrimp Summit 2023) do Trung tâm Thuỷ sản có trách nhiệm, Liên minh Thuỷ sản toàn cầu, Cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hội Nghề cá Việt Nam đồng tổ chức đã khai mạc tại Tp. Hồ Chí Minh.
Đây là sự kiện có quy mô lớn nhằm giải quyết những thách thức mà ngành hàng tôm ở châu Á và trên toàn cầu đang phải đối mặt, từ sản xuất trì trệ đến vấn đề đảm bảo sinh kế cho người nuôi tôm, với trọng tâm xuyên suốt là “tính bền vững” và “thích ứng biến đổi khí hậu”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ. Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5- 4,3 tỷ USD. Hiện nay tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia; trong đó, 5 thị trường lớn nhất gồm châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Cho đến nay, Việt Nam đã có khoảng 200 nhà máy chế biến tôm được Ủy ban Châu Âu phê duyệt với các cuộc kiểm tra thực địa định kỳ ngay tại Việt Nam. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
- TP.HCM kiên quyết xử lý đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội
UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về việc giải quyết tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn TP.
Theo UBND TP.HCM, trong thời gian qua, việc triển khai chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT trên địa bàn đã được thực hiện đồng bộ, thống nhất từ TP đến quận, huyện. Đa số các doanh nghiệp đã thực hiện tốt chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT cho người lao động nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chậm đóng gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Theo báo cáo của BHXH TP, tính đến ngày 30.6.2023 tổng số doanh nghiệp chậm đóng là 82.258 đơn vị với số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT là 6.222,33 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 7,26% so với kế hoạch thu.
Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách nhằm nâng cao ý thức của các đơn vị sử dụng lao động và người lao động.
Đồng thời, lên kế hoạch kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm.