- Giá vàng sẽ tăng 146%?
Bước sang năm 2024, giá vàng được dự đoán sẽ tiếp tục đà tăng, thậm chí có thể sớm chinh phục mức đỉnh lịch sử khi lãi suất giảm, căng thẳng địa chính trị leo thang, nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương không hạ nhiệt và các cuộc bầu cử diễn ra tại khu vực châu Á.
Theo báo cáo triển vọng năm 2024 của Công ty đầu tư có trụ sở tại Thụy Điển AuAg Funds, các nhà phân tích kỳ vọng giá vàng sẽ tăng 20% trong năm nay, vượt qua mức 2.400 USD/ounce.
Trong khi đó, các chuyên gia của JP Morgan nhận định giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng và chạm mốc 2.300 USD/ounce vào đầu năm 2023. Thậm chí, các chuyên gia của CNBC còn cho rằng với đà tăng hiện tại, thời điểm giá vàng cán mốc 5.000 USD/ounce không còn xa, tức tăng khoảng 146% so với giá hiện nay.
Hầu hết các chuyên gia đều lạc quan về giá vàng năm 2024 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phát đi tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Khi lãi suất thấp hơn, nhiều người sẽ cân nhắc chuyển sang đầu tư vàng, dù ở cấp độ bán lẻ hay cấp độ tổ chức, ông Shaokai Fan, Giám đốc toàn cầu của WGC cho hay.
“Chúng tôi tin rằng Fed và các ngân hàng trung ương sẽ từ bỏ việc tăng lãi suất và áp dụng chính sách phù hợp hơn vào năm 2024. Điều này sẽ thúc đẩy giá vàng tăng đáng kể trong tương lai gần”, các nhà phân tích của AuAg Funds nói.
Ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ là Bank of America dự đoán, nếu Fed cắt giảm lãi suất sớm hơn, vàng có thể đạt đỉnh trong năm nay ở mức 2.400 USD/ounce, đánh dấu mức tăng 18% so với hiện tại.
Các nhà phân tích hàng đầu cũng đồng thuận rằng xu hướng tăng giá của vàng sẽ vững chắc hơn trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng cường dự trữ vàng.
“Ngay cả khi sức mua của các ngân hàng trung ương không cao như 2 năm trước thì chỉ cần lượng vàng dự trữ của các ngân hàng này ở mức 450 – 500 tấn, giá vàng sẽ có thêm lực đẩy và bật tăng trong năm 2024”, WGC cho biết trong báo cáo “Triển vọng vàng 2024”.
Ông Fan nhận định, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới là Trung Quốc , cũng có khả năng sẽ duy trì dự trữ vàng trong bối cảnh nhu cầu mua bán vàng lẻ của người dân vẫn mạnh mẽ trong năm 2023 dù kinh tế suy thoái.
“Những lo ngại của nhà đầu tư về nền kinh tế Trung Quốc, lĩnh vực bất động sản đang gặp nhiều khó khăn cũng như căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington sẽ kích thích nhu cầu mua vàng của người dân Trung Quốc, từ đó thúc đẩy giá vàng tăng trong năm 2024”, ông nói.
- Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không để thiếu hụt xăng dầu dịp Tết
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa, tuyệt đối không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện về việc bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và thời gian tới.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa và có phương án bù đắp nguồn cung xăng dầu phù hợp trong mọi tình huống; tuyệt đối không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Phối hợp các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, đồng thời có giải pháp kịp thời không để ảnh hưởng, gián đoạn nguồn cung xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu xem xét, quyết định điều chỉnh các loại chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, bảo đảm kịp thời, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với diễn biến thị trường xăng dầu. Quyết liệt thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
- Dự báo tình hình thị trường hàng không Việt Nam
Dựa trên tình hình thị trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Cục Hàng không Việt Nam dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2024.
Dự báo của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, năm 2024 nước ta có khoảng 84,2 triệu lượt khách, tăng lần lượt 15% và 6% so với năm 2023 và năm 2019. Cụ thể, vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 41,5 triệu khách, tăng 3,3% so với năm 2023 và tăng 11% so với năm 2019; vận chuyển hành khách quốc tế đạt khoảng 42, 7, tương ứng mức tăng 15,8% và 6,4%.
Về hàng hóa, tổng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đạt 1,16 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2023 và phục hồi 92% so với năm 2019. Ngoài ra, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến sẽ phục vụ 61 triệu hành khách, tăng lần lượt 9,3% và 10,9% so với năm 2023 và năm 2019.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam nhận định rằng thị trường được dự báo sẽ đón nhận những thuận lợi và tín hiệu tích cực từ các chính sách phát triển du lịch của các địa phương trong nước và các quốc gia trên thế giới, tạo điều kiện nâng cao khả năng khai thác các đường bay nội địa và quốc tế. Bên cạnh đó, việc các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài nghiên cứu, mở thêm các đường bay cũng là cơ hội để phát triển thị trường.
- Đề xuất dự án đô thị carbon 250 triệu USD ở TPHCM
Dự án sẽ tạo ra một hệ thống do TPHCM quản lý nhằm hỗ trợ việc tiếp cận thị trường carbon tự nguyện quốc tế cho cả khu vực công và khu vực tư nhân, góp phần tăng tính khả thi về mặt tài chính của các giải pháp giảm phát thải của thành phố.
Chiều 24/1, UBND TPHCM phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh thành phố.
Tại hội nghị, nhóm công tác chung TPHCM - WB (HWG) đã trình bày đề xuất kêu gọi đầu tư dự án đô thị carbon thấp tại TPHCM. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 250 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 170 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hà Lan là 50 triệu USD, còn lại 30 triệu USD là vốn đối ứng của TPHCM.
Dự kiến, dự án được chuẩn bị trong giai đoạn 2024 - 2025 và tiến hành thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2030.
- Ấn Độ là điểm đến ưa thích của các công ty Mỹ
Các công ty Mỹ ngày càng xem Trung Quốc là một rủi ro đối với chuỗi cung ứng của họ, trong khi Ấn Độ sẽ được hưởng lợi khi các công ty tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.
Có tới 61% trong số 500 nhà quản lý cấp điều hành của Mỹ mà OnePoll khảo sát cho biết, họ sẽ chọn Ấn Độ thay vì Trung Quốc nếu cả hai nước có thể sản xuất cùng một loại nguyên liệu, trong khi 56% ưa thích Ấn Độ phục vụ nhu cầu chuỗi cung ứng của họ trong vòng 5 năm tới hơn là Trung Quốc.
Cuộc khảo sát cho thấy, 59% số người khảo sát cho rằng việc lấy nguyên liệu từ Trung Quốc là “khá rủi ro” hoặc “rất rủi ro”, so với 39% của Ấn Độ.
Samir Kapadia, Giám đốc điều hành tại Vongel Group cho biết: “Các công ty đang xem Ấn Độ là một chiến lược đầu tư dài hạn chứ không phải là một trục ngắn hạn để tránh thuế quan”.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đã bước sang một chương mới sau chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Nhà Trắng vào tháng 6/2023, mà một loạt thỏa thuận về hợp tác lớn trong lĩnh vực quốc phòng, công nghệ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng được ký kết.
“Mỹ và Trung Quốc tiếp tục có bầu không khí khá lạnh lẽo. Trong khi đó, luôn có một loạt cuộc đối thoại và thỏa thuận giữa Mỹ và Ấn Độ”, ông Samir Kapadia cho biết.
Bất chấp sự lạc quan, các công ty Mỹ vẫn thận trọng với năng lực chuỗi cung ứng của Ấn Độ.
Cuộc khảo sát cho thấy 55% số người khảo sát nhận thấy đảm bảo chất lượng là “rủi ro trung bình” mà họ có thể gặp phải nếu có nhà máy ở Ấn Độ.