- Giá vàng tăng vượt mốc 77 triệu đồng/lượng, lập đỉnh mới lịch sử
Giá vàng SJC đang được giao dịch với mức 76,2 – 77,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) tăng 1,2 triệu đồng/lượng so với hôm 21/12 và là mức giá cao nhất trong lịch sử.
Giá vàng trong nước đầu phiên giao dịch sáng 22/12 tăng dữ dội tại các công ty kinh doanh vàng bạc. Tại thị trường Hà Nội, giá Vàng Rồng Thăng Long hiện đang được giao dịch ở mức 62,17 - 63,12 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 220.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 21/12.
Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu giao dịch với niêm yết 75,85 - 76,80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Trong khi đó, tại thời điểm 10h20 sáng 22/12, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức 76,2 – 77,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 800.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với đầu giờ sáng, tăng 1,2 đồng/lượng so với chốt phiên 21/12 và hiện đang lập đỉnh giá mới trong lịch sử giao dịch vàng.
Tại Tập đoàn DOJI, lúc 10h20 sáng 22/12, giá vàng đã tăng lên 76 – 77,10 triệu đồng/lượng, tăng 1,1 triệu đồng/lượng so với đầu phiên, tăng 1,3 triệu đồng/lượng so với cuối phiên giao dịch ngày hôm 21/12. Giá vàng trong nước trên đỉnh lịch sử và vẫn có xu hướng tăng tiếp. Trước đó, trong chiều 21/12, giá vàng miếng SJC đã đạt mốc 75,82 triệu đồng/lượng.
Theo ghi nhận tại các các cơ sở kinh doanh vàng, bạc đá quý trên địa bàn TP Hà Nội, lượng khách đến giao dịch đông hơn những ngày trước, hoạt động mua vào và bán ra có tỉ lệ 55% khách mua vào và 45% khách bán ra.
Đại diện Bảo Tín Minh Châu cho biết, giá vàng trong nước phiên sáng 22/12 tăng cao và vàng SJC đang lập đỉnh mới. Vì vậy, các nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch, đồng thời thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.
Cùng với giá vàng trong nước, giá vàng thế giới sáng 22/12 tiếp đà tăng mạnh. Thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới đang giao dịch tại 2050,4 USD/ounce, tương đương 59,27 triệu đồng/lượng và thấp hơn 17,53 giá vàng SJC bán ra.
Giá vàng trên thị trường thế giới tăng nhanh trở lại khi đồng USD suy yếu. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt - tiếp tục giảm nhẹ xuống còn 102 điểm.
Giá vàng thế giới tăng trong bối cảnh phần lớn các kênh đầu tư trên thế giới gặp khó. Nhiều nước đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế, thị trường chứng khoán đi xuống, bất động sản trầm lắng.
- Gần 122 triệu cổ phiếu mã VTP được phép niêm yết trên sàn HOSE
Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã chấp thuận niêm yết gần 122 triệu cổ phiếu Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, Mã chứng khoán: VTP).
Dự kiến, thời gian chính thức giao dịch của cổ phiếu VTP trên HOSE sẽ diễn ra trong tháng 02 - 03/2024.
Tháng 11/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã bình chọn và vinh danh Viettel Post trong Top 10 Công ty đại chúng quy mô lớn trên UPCoM thực hiện tốt công bố thông tin và minh bạch năm 2022 - 2023.
Thời gian qua cổ phiếu VTP cũng được giao dịch sôi động với nhiều phiên thanh khoản tốt trên sàn UPCoM. Thị giá VTP cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi có thời điểm đã vượt đỉnh 50.000đ/cổ phiếu và hiện đang duy trì ở mốc 48.600 – 49.000đ/cổ phiếu.
Ban Lãnh đạo Viettel Post đặt mục tiêu trong 5 năm tới, doanh số tăng gấp 10 lần so với năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng 60-65% mỗi năm cho cả hoạt động cốt lõi và lĩnh vực mới.
Viettel Post hiện có vốn điều lệ gần 1.218 tỷ đồng, là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
- Chứng khoán SSI sắp tăng vốn lên hơn 19.600 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) vừa công bố kết quả lấy ý kiến cổ đông về phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, cổ đông SSI đã thông qua phương án phát hành hơn 302,2 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn, theo tỷ lệ 100:20 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 20 cổ phiếu mới). Số cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dự vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác (nếu có) theo BCTC kỳ gần nhất được kiểm toán của công ty.
Đồng thời, SSI cũng sẽ chào bán hơn 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá bán 15.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 100:10, tức 10% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu có quyền mua 10 cổ phiếu mới). Số cổ phiếu này cũng không bị hạn chế chuyển nhượng.
Nếu thành công, SSI sẽ huy động được nguồn vốn gần 5.300 tỷ đồng. Theo đó, vốn điều lệ của SSI dự kiến tăng từ hơn 15.111 tỷ đồng (bao gồm 10 triệu cổ phiếu ESOP theo Nghị quyết ĐHĐCĐ 2023) lên gần 19.645 tỷ đồng, giữ vững ngôi đầu vốn điều lệ nhóm chứng khoán. Nguồn vốn này dự kiến được công ty dùng để bổ sung vốn cho vay giao dịch ký quỹ và đầu tư vào trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá khác theo tỷ lệ do HĐQT quyết định.
Từ năm 2019 tới nay, SSI liên tục thực hiện các đợt tăng vốn quy mô lớn. So với mức vốn 5.100 tỷ đồng hồi tháng 01/2019, vốn điều lệ hiện tại của SSI đã gấp 3 lần, đạt hơn 15.011 tỷ đồng.
- Ngân hàng đầu tiên báo lãi năm 2023, ước đạt hơn 9.500 tỷ đồng
Sacombank là ngân hàng đầu tiên báo lãi năm 2023 dù vẫn chưa kết thúc kỳ kế toán. Lợi nhuận trước thuế năm 2023 ước đạt hơn 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2022.
Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB), tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của nhà băng này ước đạt gần 664.000 tỷ đồng, trong đó tài sản có sinh lời chiếm 90.3%. Tổng huy động ước đạt hơn 574 nghìn tỷ đồng; cho vay ước đạt hơn 487 nghìn tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 của Sacombank ước đạt hơn 9.500 tỷ, tăng 50% so năm 2022.
Được biết, lãi trước thuế lũy kế 9 tháng năm 2023 của Sacombank đạt hơn 6.840 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính quý III. Như vậy, trong quý IV, ngân hàng này ước đạt khoảng 2.660 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 40% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2022.
Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2023 được kiểm soát ở mức 2%. Sacombank cho biết, gần 7.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng đã được ngân hàng này xử lý xong, nâng tổng mức thu hồi lũy kế lên gần 95.000 tỷ.
Tỷ lệ an toàn vốn CAR ước đạt 9,45%, tỷ lệ LDR (dư nợ tín dụng trên số vốn huy động) ước đạt 83%, tỷ lệ NIM (biên lãi ròng) ước đạt 3,88%, các chỉ số sinh lời ROA, ROE lần lượt ước đạt 1,21% và 18,03%, tăng 0,3 và 4,2%.
Năm 2023, Sacombank lên kế hoạch tổng tài sản tăng 11% lên mức 657.800 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt 574.600 tỷ đồng, tăng 11%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 491.600 tỷ đồng, tăng 12%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 9.500 tỷ đồng.
- Doanh thu năm 2023 của VNPT đạt gần 55 ngàn tỷ đồng
Cụ thể, năm 2023, tổng doanh thu Tập đoàn đạt 54.856 tỷ đồng, bằng 102,14% so với cùng kỳ, đạt 98,2% kế hoạch. Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 4.468 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch, bằng 100,7% so với cùng kỳ.
Trong đó lợi nhuận Công ty mẹ là 2.824 tỷ đồng, đạt 101,4% kế hoạch, bằng 100,1% so với cùng kỳ. VNPT nộp ngân sách nhà nước 3.849 tỷ đồng, đạt 112,7% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đạt 6%.
Năm 2023, Tập đoàn VNPT đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các Tập đoàn viễn thông và công nghệ lớn để liên tục tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh mới, đồng thời nắm bắt các xu hướng công nghệ, thị trường và chuyển đổi. Hoạt động hợp tác đa phương đi vào chiều sâu và được áp dụng trong nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Năm 2023 cũng là năm VNPT bội thu về giải thưởng với gần 50 giải trong nước và quốc tế cho các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp, trong đó đa số là các nền tảng và giải pháp CNTT phục vụ chuyển đổi số.
VNPT đã khai trương Trung tâm dữ liệu (IDC) thứ 8 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây cũng là IDC có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.
- GDP ngành nông nghiệp ước đạt 3,83% cao nhất trong nhiều năm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp năm 2023 ước đạt 3,83%, cao nhất nhiều năm gần đây.
Trong năm 2023, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,83%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Năm 2019, GDP ngành nông nghiệp tăng 2,67%; năm 2020 tăng 3,04%; năm 2021 tăng 3,27% và năm 2022 tăng 3,36%.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gạo ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng khoảng 30,4% so với năm 2022. Con số này giúp ngành gạo lập kỷ lục lịch sử về kim ngạch xuất khẩu kể từ năm 1989 (năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo) đến nay.
Cùng với gạo, năm 2023 xuất khẩu rau quả cũng chính thức lập kỷ lục lịch sử khi đạt 5,5 tỷ USD, vượt xa con số 3,36 tỷ USD của năm 2022. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng bùng nổ, thu về khoảng 2,3 tỷ USD, trở thành “trái cây tỷ USD” mới của Việt Nam khi chinh phục được thị trường Trung Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD, đây là mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.
Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: hàng rau quả tăng trên 70% và gạo tăng trên 36%; Gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới.