Điểm tin kinh doanh 22/8: OANDA: Giá vàng có thể giảm xuống mức hấp dẫn giới đầu tư

Việt Báo (Tổng hợp)| 22/08/2023 06:00

VN-Index hồi phục nhẹ, khối ngoại mua ròng; Sau 11 năm chờ đợi, HoSE quyết tâm đưa hệ thống KRX vào vận hành cuối năm nay

gia-vang-1-1726-1-.jpg

- OANDA: Giá vàng có thể giảm xuống mức hấp dẫn giới đầu tư

Chiều 21/8, giá vàng châu Á giao dịch gần mức thấp nhất trong 5 tháng sau khi giảm 5 phiên liên tiếp, giữa bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở Jackson Hole, Wyoming (Mỹ) trong tuần này để tìm manh mối về triển vọng lãi suất.

Vào lúc 14 giờ 35 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.889,39 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1% lên 1.918,10 USD/ounce.

Chuyên gia Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cấp cao trên sàn giao dịch OANDA (Singapore) cho rằng, về kỹ thuật, giá vàng giao ngay cần vượt ngưỡng kháng cự là đường trung bình động 200 ngày - là khoảng 1.910 USD/ounce - để có thể phục hồi rõ rệt hơn.

Giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng Ba (1.883,7 USD/ounce) trong tuần trước do các dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ làm dấy lên khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao trong dài hạn. Điều này làm giảm nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn như vàng.

Thị trường đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày 25/8, khi các quan chức ngân hàng trung ương từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại Jackson Hole để tham dự hội nghị thường niên.

Ông Wong dự đoán, các cuộc thảo luận có thể sẽ tập trung vào việc liệu ngân hàng trung ương có nên duy trì trong dài hạn mức lãi suất cân bằng cao hơn so với một thập kỷ trước đây hay không. Nếu kịch bản lãi suất cân bằng dài hạn được hỗ trợ bởi môi trường lạm phát cao, thì giá vàng có thể được săn đón như một công cụ phòng ngừa rủi ro và thu hút nhà đầu tư do giá đã giảm xuống mức hấp dẫn.

Trong một thông tin liên quan, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng 0,3% tính đến ngày 18/8 - mức tăng đầu tiên trong một tháng trở lại đây.

Tại Việt Nam, vào lúc 16 giờ 39 phút, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,95 - 67,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

- VN-Index hồi phục nhẹ, khối ngoại mua ròng

Thị trường khởi đầu tuần mới vẫn trong trạng thái thận trọng và tiếp tục suy giảm trong phiên. Diễn biến chỉ dần ổn định khi gần kết thúc phiên sáng và có nỗ lực hồi phục trong phiên chiều.

Kết phiên, VN-Index tăng 1,77 điểm (+0,15%) và đóng cửa tại 1.179,76 điểm. Thanh khoản giảm với 1 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HOSE.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết trong phiên đạt 24.230,95 tỷ đồng được giao dịch, giảm khá mạnh, nhưng vẫn duy trì trên mức trung bình.

Nhóm VN30 tăng 0,22 điểm (+0,02%), đóng cửa tại 1.190,32 điểm. Có 18 cổ phiếu kết tăng giá trong nhóm. Trong đó tăng mạnh nhất là CTG (+4,2%), BID (+3,2%), TPB (+2,2%), BCM (+2,1%), SSI (+1,9%)… Ở chiều ngược lại có 11 cổ phiếu kết phiên trong sắc đỏ: SSB (-3,1%), GVR (-2,8%), MWG (-2,4%), VJC (-1,9%), VIC (-1,6%) …

Mặc dù thị trường có động thái hồi phục nhưng sắc đỏ vẫn còn chiếm ưu thế trên thị trường với khá nhiều nhóm ngành còn kém. Hỗ trợ trực tiếp đến thị trường là nhóm ngân hàng.

Các cổ phiếu ngân hàng là nhóm phục hồi tốt nhất sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần trước nổi bật như LPB (+6,30%) thanh khoản gia tăng đột biến, đa số còn lại phục hồi với thanh khoản giảm mạnh so với phiên trước như CTG (+4,23%), BID (+3,17%), TPB (+2,21%)... ngoài các mã chịu áp lực bán với SSB (-3,10%), NVB (-1,38%), VAB (-1,27%)...

Nhiều mã trong nhóm có sắc xanh và đóng góp nhiều điểm cộng cho thị trường. Ngoài ra, nhóm Dầu khí, PVG (+3,16%), PVS (+2,50%), VIP (+2,25%), BSR (+2,13%), PVT (+1,86%)...nhóm Chứng khoán APS (+9,52%), SHS (+3,31%), BVS (+2,86%), VND (+2,25%), ngược chiều VIX (-3,24%), VFS (-2,24%), AGR (-1,96%), BSI (-1,80%)...

Các cổ phiếu bất động sản ngoài CEO (+6,67%), L14 (+0,56%), NLG (+0,56%)... phục hồi thì đa số tiếp tục chịu áp lực bán mạnh như ITC (-6,91%), TDH (-6,88%), LDG (-6,82%), NHA (-6,04%), HDC (-4,85%), SCR (-4,69%)....

Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên sàn HOSE, với giá trị 82,45 tỷ đồng. Trong đó, họ mua nhiều tại VIC (+216,23 tỷ), CTG (+141,02 tỷ), VHM (+88,53 tỷ), VRE (+54,83 tỷ), KBC (+48,90 tỷ)… Ở chiều ngược lại, họ bán nhiều tại KDC (-318,48 tỷ), SSI (-293,74 tỷ), STB (-88,20 tỷ), MWG (-87,78 tỷ), FUEVFVND (-67,33 tỷ)…

CTCK Rồng Việt cho rằng, sau động thái sụt giảm mạnh và tạo ngày phân phối thứ 5, diễn biến thị trường đã chậm lại. Nhìn chung thị trường vẫn nhận được hỗ trợ do thị trường đã giảm nhanh trong thời gian ngắn và lùi về vùng hỗ trợ 1.165 điểm. Tuy nhiên, diễn biến vẫn còn thận trọng và mang tính chất thăm dò. Động thái hỗ trợ này có thể tiếp diễn trong thời gian gần tới và giúp thị trường hồi phục kỹ thuật để thăm dò lại cung cầu.

Do vậy, Nhà đầu tư tạm thời vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu và quản trị danh mục hợp lý, đồng thời cân nhắc những nhịp hồi phục trong thời gian tới để chốt lời và giảm tỷ trọng phù hợp.

- Sau 11 năm chờ đợi, HoSE quyết tâm đưa hệ thống KRX vào vận hành cuối năm nay

Lãnh đạo HoSE vừa cho biết sẽ có biện pháp xử lý các công ty chứng khoán không đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống KRX để đưa hệ thống này vào vận hành cuối năm nay.

Chiều hôm nay, tại trụ sở của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE), đã diễn ra cuộc họp giữa các thành viên thị trường chứng khoán Việt Nam về kế hoạch triển khai dự án công nghệ thông tin KRX.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Việt Hà - Quyền Chủ tịch HoSE, cho biết tỷ lệ kiểm thử hệ thống KRX ở các thành viên thị trường còn thấp, mới có 25/76 công ty chứng khoán hoàn thành kiểm thử 100% chức năng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), việc này gây lo ngại cho các đơn vị tổ chức kiểm thử.

Quyền Chủ tịch HoSE cũng cho biết Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) đang làm việc với cả HoSE và HNX để chỉnh sửa pháp lý, cố gắng khớp để pháp lý phù hợp với thời gian triển khai hệ thống mới.

Theo kế hoạch, hệ thống KRX sẽ chính thức được vận hành vào tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, dự kiến các tính năng mới sẽ chưa được triển khai đầy đủ ngay lập tức, hệ thống KRX sẽ vận hành với các tính năng cơ bản và các tính năng mới sẽ được triển khai từng bước theo lộ trình.

- Phí SMS Banking sẽ thay đổi thế nào sau ngày 1/9?

Biểu phí dịch vụ SMS Banking tại nhiều ngân hàng sẽ thay đổi từ ngày 1/9 tới đây, có ngân hàng lên tới 70.000 đồng.

Cụ thể, tại thông báo mới nhất của VietinBank, phí hàng tháng của dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản thanh toán qua tin nhắn SMS (SMS Banking) sẽ được tính dựa trên số lượng tin nhắn SMS thực tế phát sinh trong kỳ, thay cho mức cố định kể từ ngày 1/9/2023.

Chu kỳ tính phí dịch vụ được tính từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng của tháng và thời điểm thu phí sẽ đổi từ thu phí đầu kỳ sang thu phí cuối kỳ. Như vậy, đối với kỳ phí tháng 9/2023, thay vì thu phí vào ngày đầu chu kỳ (theo ngày đăng ký sử dụng dịch vụ SMS của khách hàng), VietinBank sẽ dời lịch thu phí sang tuần đầu tháng 10/2023 để hệ thống tổng kết số lượng SMS của khách hàng đã sử dụng trong tháng 9/2023.

Nếu số lượng SMS biến động số dư là 14 SMS hoặc nhỏ hơn, VietinBank sẽ áp dụng mức phí cố định hiện hành là 11.000 đồng (đã gồm VAT).

Còn nếu số lượng SMS biến động số dư từ 15 SMS trở lên, VietinBank áp dụng cách tính phí theo số lượng phát sinh thực tế. Ví dụ, khách hàng phát sinh 50 SMS trong tháng, phí dịch vụ sẽ là 50 x 880 đồng = 44.000 đồng (đã gồm VAT).

Tương tự tại VPBank, biểu phí SMS Banking từ ngày 1/9 cũng được điều chỉnh từ mức gói cố định hàng tháng là 12.000 đồng/số tài khoản/1 thuê bao/tháng chuyển thành biểu phí tăng dần tính theo số lượng tin nhận được hàng tháng, thấp nhất từ 10.000 đồng và cao nhất là 70.000 đồng/số tài khoản/1 thuê bao/tháng.

Đồng thời, sẽ chỉ thu phí SMS banking với những giao dịch có giá trị từ 100.000 đồng trở lên. Các giao dịch có giá trị dưới 100.000 đồng (mức giao dịch tối thiểu) sẽ không nhận thông báo biến động số dư về điện thoại mà nhận trên app Ngân hàng điện tử VPBank NEO. Dịch vụ theo dõi số dư trên app VPBank NEO đã được VPBank triển khai từ đầu năm 2021 và hoàn toàn miễn phí. Biểu phí trên chưa bao gồm VAT và không áp dụng với khách hàng ưu tiên phân hạng Diamond và Diamond Elite.

Tuy nhiên, cả VietinBank và VPBank đều lưu ý khách hàng nhằm tối ưu lợi ích, nâng cao trải nghiệm trên kênh số và tiết kiệm chi phí, ngân hàng mong muốn khách hàng chuyển đổi từ quản lý biến động số dư trên SMS Banking có thu phí sang sử dụng dịch vụ nhận thông báo biến động số dư qua tin nhắn OTT (tin nhắn trên ứng dụng ngân hàng) hoàn toàn miễn phí.

Trước đó, nhiều ngân hàng như SeABank, Eximbank, VIB, TPBank... cũng điều chỉnh biểu phí dịch vụ SMS Banking.

- Dự báo tỷ giá VND/USD và mức độ giảm giá của VND

Trước những diễn biến của tỷ giá VND/USD những ngày gần đây, nhiều đơn vị phân tích đưa ra dự báo VND sẽ mất giá +/-2% trong năm 2023...

Cập nhật các báo cáo thị trường đến ngày 21/8 cho thấy, ở cuối tuần trước (18/8), lãi suất liên ngân hàng qua đêm giao dịch ở mức 0,15%/năm, tăng 8 điểm so với cuối tháng trước. Lãi suất các kỳ hạn khác cũng ở quanh mức 0,3%- 0,5%/năm, tăng 5-8 điểm cơ bản trong khi lãi suất kỳ hạn 1 tháng hiện là 1,2%, giảm 28 điểm cơ bản so với tháng trước.

Ngân hàng Nhà nước trì hoãn việc hút VND từ hệ thống về giúp cho thanh khoản dồi dào và giữ lãi suất liên ngân hàng ở mặt bằng thấp, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.

Thị trường mở không phát sinh thêm giao dịch nào khác do lãi suất liên ngân hàng vẫn đang thấp hơn lãi suất OMO nên các ngân hàng thương mại có thể vay lẫn nhau trên thị trường mà chưa cần đến sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua một lượng lớn ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối; đồng thời, gia hạn các giao dịch mua ngoại tệ của các tổ chức tín dụng.

Qua đó, Ngân hàng Nhà nước trì hoãn việc hút VND từ hệ thống về giúp cho thanh khoản dồi dào và bình ổn lãi suất liên ngân hàng ở mặt bằng thấp, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.

Ngoài ra, gần 30 ngân hàng đồng loạt giảm tiếp lãi suất tiết kiệm trong nửa đầu tháng 8, đưa mức lãi suất cao nhất về vùng 7% một năm của kỳ hạn 12 tháng. So với cuối tháng trước, lãi suất giảm tập trung ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với mức giảm bình quân 0,3-0,35%/ năm. Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3- 4%, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD tăng nóng do chịu áp lực từ yếu tố quốc tế. Sau khi giữ ổn định trong 7 tháng đầu năm tỷ giá trong nước bật tăng trở lại kể từ đầu tháng 8.

Trong tuần từ 14/8 - 18/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng mạnh 4 phiên đầu tuần và chỉ giảm nhẹ 5 điểm phiên cuối tuần. Chốt ngày 18/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.946 VND/USD, tăng tới 109 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 25.093 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Cũng trong tuần trước, tỷ giá liên ngân hàng tăng mạnh 2 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại 3 phiên cuối tuần. Chốt phiên 18/8, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.806 VND/USD, tăng 56 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh trong tuần qua tuy đã chững lại ở phiên cuối tuần. Chốt phiên 18/8, tỷ giá tự do tăng 185 đồng ở chiều mua vào và 195 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.950 VND/USD và 24.010 VND/USD.

Trước những diễn biến của tỷ giá VND/USD những ngày gần đây, nhiều đơn vị phân tích đưa ra dự báo VND sẽ mất giá +/-2% trong năm 2023.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 22/8: OANDA: Giá vàng có thể giảm xuống mức hấp dẫn giới đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO