- Giá xăng trong nước hôm nay có thể tiếp tục tăng lần thứ 5 liên tiếp
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội nhận định: Với mức giá như trên, trong kỳ điều chỉnh ngày 21/8, giá xăng trong nước có thể tiếp tục tăng lần thứ 5 liên tiếp.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, cập nhật tới ngày 18/8, giá xăng dầu tại thị trường Singapore tiếp tục duy trì ở mức trên 100 USD/thùng. Trong đó, giá xăng E5 niêm yết ở mức 100,9 USD/thùng, xăng RON95 ở mức 106,52 USD/thùng.
Các loại dầu tiếp tục tăng nhẹ và cao hơn giá xăng. Trong đó, dầu diesel là 117,39 USD/thùng, dầu hỏa 117,88 USD/thùng và dầu mazut 546,04 USD/thùng.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội nhận định: Với mức giá như trên, trong kỳ điều chỉnh ngày 21/8, giá xăng trong nước có thể tiếp tục tăng lần thứ 5 liên tiếp. Mức tăng dao động khoảng 400 - 600 đồng/lít đối với xăng, các loại dầu tăng nhẹ hơn, trên dưới 200 đồng/lít.
Tuy nhiên, vị này nhận định, có thể trong kỳ điều chỉnh này, Liên Bộ Tài chính - Công Thương có thể sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu (BOG). Bởi lẽ, các kỳ điều chỉnh trước đó, giá xăng đã tăng rất cao.
“Với 3 kỳ điều chỉnh trước đó, giá xăng đã thiết lập ở mức cao. Do đó, để kìm hãm đà tăng của các loại xăng dầu, có thể kỳ điều chỉnh này sẽ sử dụng quỹ”, vị này nhận định.
Trong kỳ điều chỉnh trước (ngày 11/8), giá xăng RON95 được điều chỉnh ở mức 23.990 đồng/lít (tăng 30 đồng/lít); xăng E5 RON92 là 22.820 đồng/lít (tăng 30 đồng/lít); giá dầu diesel là 22.420 đồng/lít (tăng 1.810 đồng/lít); giá dầu hỏa là 21.880 đồng/lít (tăng 1.610 đồng/lít).
- Vàng thế giới ghi nhận 1 tuần giảm mạnh
Giá vàng thế giới cuối tuần xuống còn 1.890,5 USD/ounce, giảm hơn 23 USD so với cuối tuần trước.
Giá vàng thế giới cuối tuần xuống còn 1.890,5 USD/ounce, giảm hơn 23 USD so với cuối tuần trước. Quy đổi tương đương, vàng thế giới đang có giá 54,6 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Giá vàng đã giảm hơn 8%, hay hơn 170 USD/ounce, kể từ khi leo lên mốc quan trọng 2.000 USD/ounce hồi đầu tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, so với đầu năm thì kim loại quý hiện tại vẫn cao hơn 65 USD.
Kim loại quý sụt giảm trong tuần do đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đồng loạt đi lên. Theo một số nhà phân tích, kinh tế Mỹ nói chung có vẻ tốt hơn và lạm phát đang giảm theo cách mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mong muốn. Các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ giữ lãi suất ổn định trong khoảng 5,25 - 5,5% cho tới năm 2024. Trong bối cảnh này, nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn như vàng sẽ ít đi.
Thậm chí, theo ông Lukman Otunuga, chuyên gia phân tích cấp cao tại FXTM, nếu giá duy trì dưới mốc 1.900 USD/oune thì vàng có thể giảm xuống còn 1.870 USD/ounce.
Giá vàng trong nước hôm 20/8 (lúc 8h40) duy trì ổn định so với hôm 19/8.
Cụ thể, vàng SJC tại Công ty SJC (Hà Nội) niêm yết ở mức 67,00-67,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra);
Vàng 9999 tại Tập đoàn Phú Quý niêm yết ở mức 66,45-67,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra);
Vàng PNJ tại Hà Nội và Tp.HCM đang giao dịch ở mức 67,05-67,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra);
Vàng miếng tại Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 67,10-67,68 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra);
Vàng DOJI tại Hà Nội đang niêm yết ở ngưỡng 66,95-67,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra);
Tại Tp.HCM, vàng DOJI giao dịch quanh mức giá 67,05-67,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra);
Còn vàng Mi Hồng đang niêm yết ở mức 67,15-67,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra);
Trái ngược với đà giảm mạnh trên thế giới, thị trường trong nước tuần này lại tăng 200 ngàn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán.
Như vậy, giá vàng hôm ngày 20/8/2023 ở trong nước đang niêm yết quanh mức 66,45-67,75 triệu đồng/lượng.
- Thị trường nông sản: Giá gạo thơm được đàm phán ở mức 580 – 630 USD/tấn
Giá lúa, gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua quay đầu giảm nhẹ sau khi tăng "nóng" nhiều tuần liên tiếp.
Giá lúa, gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua quay đầu giảm nhẹ sau khi tăng "nóng" nhiều tuần liên tiếp. Về xuất khẩu, trong tuần qua, giá gạo thơm của Việt Nam được đàm phán ở mức khoảng 580 – 630 USD/tấn. Các thương nhân cho biết, gạo thơm Việt Nam đã có thời điểm được chào bán với giá lên đến 700 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.900 đồng/kg, giá bình quân là 7.850 đồng/kg, tăng 64 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá lúa thường tại kho lại giảm trung bình 333 đồng/kg, ở mức 9.083 đồng/kg; giá cao nhất là 9.500 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự giảm. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 14.600 đồng/kg, giá bình quân 14.486 đồng/kg, giảm 148 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 14.400 đồng/kg, giá bình quân 14.208 đồng/kg, giảm 142 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 14.200 đồng/kg, giá bình quân 13.892 đồng/kg, giảm 142 đồng/kg.
Giá gạo xát trắng loại 1 giảm 258 đồng/kg, giá trung bình là 14.667 đồng/kg. Giảm mạnh nhất lứt loại 1 với 558 đồng/kg, trung bình là 13.392 đồng/kg.
Mới đây, Bộ Công Thương công bố danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 17/8/2023. Theo đó, có 210 thương nhân được chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo Bộ Công Thương, 7 tháng qua, cả nước đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, còn khoảng 2,67 triệu tấn cho xuất khẩu trong 5 tháng còn lại của năm 2023.
Về xuất khẩu, trong tuần qua, giá gạo thơm của Việt Nam được đàm phán ở mức khoảng 580 – 630 USD/tấn. Các thương nhân cho biết gạo thơm Việt Nam đã có thời điểm được chào bán với giá lên đến 700 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan được chào ở mức giá từ 650 – 655 USD/tấn và loại gạo tương tự gạo của Việt Nam được chào ở mức 620-630 USD/tấn.
Các nhà xuất khẩu châu Á đã tăng giá chào bán gạo khoảng 20% kể từ khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải giống basmati vào tháng trước. Những diễn biến này làm gia tăng rủi ro lạm phát lương thực đối với bộ phận người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất tại châu Á và châu Phi, trong bối cảnh nguồn cung giảm khi thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến mùa màng và cuộc xung đột Nga – Ukraine tiếp tục cản trở hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.
Trước khi có lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, gạo Thái Lan được niêm yết ở mức giá 545 USD/tấn và gạo Việt Nam ở mức giá từ 515 – 525 USD/tấn.
- Bộ Tài chính: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng với các khoản nợ
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải có trách nhiệm đến cùng với các khoản nợ và không chuyển trách nhiệm, rủi ro của doanh nghiệp thành trách nhiệm, rủi ro của nhà nước.
Bộ Tài chính cho biết, doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải có trách nhiệm đến cùng với các khoản nợ và không chuyển trách nhiệm, rủi ro của doanh nghiệp thành trách nhiệm, rủi ro của nhà nước.
Đồng thời, xử lý nghiêm việc doanh nghiệp chây ì không trả nợ và các trường hợp lợi dụng gây rối an ninh trật tự. Nhà đầu tư tự đánh giá khả năng tổ chức phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước bao gồm: Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nhà nước điều hành đảm bảo ổn định vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ổn định hoạt động, có nguồn thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho nhà đầu tư theo hợp đồng trái phiếu.
Cùng với đó, nhà nước tạo cơ chế xử lý bằng biện pháp kinh tế, tuân thủ quy luật thị trường theo quy định của pháp luật hiện hành và khuyến khích doanh nghiệp và nhà đầu tư thỏa thuận phương án thanh toán trái phiếu trong trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu theo phương án phát hành, đảm bảo an ninh trật tự trên phương châm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý từ cấp Luật và tái cấu trúc thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng khuyến khích phát hành ra công chúng, tiến tới phát hành riêng lẻ chỉ tập trung vào nhà đầu tư tổ chức.