Điểm tin kinh doanh 18/6: Giá vàng: Vàng DOJI tăng, PNJ giảm

Việt Báo (Tổng hợp)| 18/06/2024 06:00

Xe ô tô con nhập từ Thái Lan tăng 'khủng'; Cổ phiếu thép đắt hàng sau quyết định điều tra chống bán phá giá

vlcsnap-2022-12-05-07h15m45s416.jpg

- Giá vàng: Vàng DOJI tăng, PNJ giảm

Giá vàng hôm 17-6 tăng, giảm trái chiều ở một số mặt hàng. Trong khi vàng DOJI tăng ở chiều mua thì vàng PNJ giảm nhẹ ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Theo ghi nhận vào chiều 17-6, giá vàng trên thị trường trong nước được niêm yết cụ thể như sau: Vàng SJC tại Hà Nội và vàng SJC tại Đà Nẵng: 74,98 triệu đồng/lượng mua vào, 76,98 triệu đồng/lượng bán ra.

Vàng DOJI tại Hà Nội và DOJI tại TP Hồ Chí Minh: 75,3 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 300.000 đồng/lượng so giá hôm 16/6), 76,98 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng PNJ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: 73,3 triệu đồng/lượng mua vào (giảm 100.000 đồng/lượng so giá hôm 16/6), 74,9 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 100.000 đồng/lượng so giá hôm qua).

Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 75,5 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trong khi giá vàng trong nước đang có dấu hiệu chững lại, giá vàng thế giới đã tăng 1,8% trong tuần qua, do có dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ đang chậm lại. Điều này làm dấy lên hy vọng về việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Lãi suất thấp hơn thường làm tăng sức hấp dẫn của tài sản không sinh lời như vàng.

Bên cạnh đó, hoạt động bán tháo cổ phiếu tại châu Âu cũng phần nào hỗ trợ thị trường kim loại quý.

Trưởng bộ phận Chiến lược hàng hóa Bart Melek tại Ngân hàng TD Securities cho biết, việc thị trường chứng khoán suy yếu và đồn đoán lãi suất sẽ được cắt giảm đang khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn, bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã điều chỉnh dự báo lãi suất tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed.

- Cổ phiếu thép đắt hàng sau quyết định điều tra chống bán phá giá

VN-Index tiếp đà điều chỉnh trong phiên đầu tuần (17/6) trong bối cảnh sự khởi sắc ở một số ngành như thép, vận tải biển không đủ để 'cân' lại áp lực từ nhóm vốn hóa lớn.

Dòng tiền tiếp tục thận trọng sau cú rơi mạnh cuối tuần trước của VN-Index. Thanh khoản trong phiên tiếp tục sụt giảm mạnh khi khối ngoại bán ròng hơn 840 tỷ đồng. Có 20/30 cổ phiếu trong rổ VN30 giảm giá.

Việc nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường đồng loạt quay đầu gây áp lực không nhỏ đến thị trường, bên cạnh điểm số còn là ảnh hưởng tâm lý. Gây ảnh hưởng tiêu cực nhất lần lượt là các cổ phiếu BID, GAS, FPT, VCB… Cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, bán lẻ, công nghệ cũng chịu áp lực bán.

Ở chiều ngược lại, nhóm thép vụt sáng với HSG tăng trần. Dòng tiền đổ mạnh vào cổ phiếu trong ngành, HSG còn đồng thời là mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất. SMC cũng tăng hết biên độ, NKG, VGS, TLH, TVN… cùng tăng giá. “Anh cả” HPG dù là tâm điểm bán ròng của khối ngoại, đóng cửa vẫn tăng nhẹ 1,2%.

Hỗ trợ tích cực cho cổ phiếu thép là thông tin liên quan việc Bộ Công Thương phát thông báo điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Với động thái này, nhóm thép được kỳ vọng hưởng lợi tích cực trong thời gian tới.

Cuối tuần qua, nhóm này cũng đón thêm những thông tin, chỉ đạo hỗ trợ tại hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Nhóm vận tải biển chưa hết “nóng” với đà tăng của giá cước container. VOS đóng cửa sát giá trần, PHP, HAH, VIP, SGP, VSC, GMD… đồng loạt khoe sắc xanh.

Nhìn chung, nhóm vốn hóa nhỏ, vừa đang hút dòng tiền trong bối cảnh cổ phiếu lớn gặp khó. Nhà đầu tư luân chuyển vốn sang các ngành có thông tin hỗ trợ, giữ mạch tăng tốt như vận tải biển.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,14 điểm (0,4%) xuống 1.274,77 điểm. HNX-Index giảm 0,81 điểm (0,33%) xuống 243,16 điểm. UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (0,04%) xuống 98,09 điểm.

Thanh khoản sụt giảm với giá trị khớp lệnh HoSE giảm về dưới 20.000 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 844 tỷ đồng, tập trung vào HPG, FPT, VHM, VNM, HDB…

- Xe ô tô con nhập từ Thái Lan tăng 'khủng'

Xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu tháng 5 chủ yếu là xe xuất xứ từ Indonesia với 6.333 chiếc, tăng 24% và từ thị trường Thái Lan với 4.605 chiếc, tăng 72,5% so với tháng trước.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5 số lượng xe ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu tăng 29,2% (tương ứng giảm 3.376 chiếc) so với lượng nhập của tháng trước.

Cụ thể, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại trong tháng 5 đạt 14.941 chiếc, tương ứng trị giá đạt 311 triệu USD. Trong khi đó, ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu được Tổng cục Hải quan ghi nhận trong tháng trước đạt 11.565 chiếc với trị giá đạt 256 triệu USD.

Trong tháng 5 năm 2024, ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 3 thị trường chính là nhập khẩu từ Indonesia với 6.333 chiếc; nhập từ Thái Lan với 5.089 chiếc và nhập từ Trung Quốc với 3.051 chiếc. Số xe nhập khẩu từ 3 thị trường này đạt 14.473 chiếc, chiếm tới 97% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam.

Xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống trong tháng 5 có 11.964 chiếc được làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam với trị giá đạt 198 triệu USD, chiếm tới 80,1% lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu. Với kết quả này, số xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam trong tháng tăng tới 36,4% (tương đương tăng 3.193 chiếc) so với tháng trước.

Loại xe này chủ yếu là xe xuất xứ từ Indonesia với 6.333 chiếc, tăng 24% và từ thị trường Thái Lan với 4.605 chiếc, tăng 72,5% so với tháng trước. Tính chung, số xe ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu từ 2 thị trường này đạt 10.938 chiếc, chiếm 91% tổng lượng xe loại này nhập vào Việt Nam.

Nhìn con số trên có thể thấy lượng xe từ thị trường Thái Lan tiếp tục được tăng trưởng khi nhập về Việt Nam trong tháng này. Dù vậy, tổng lượng xe từ Indonesia vẫn cao hơn xe nhập Thái Lan gần 2.000 xe.

kinh-te-hoi-phuc-thanh-toan-khong-tien-mat-lan-toa-1-.jpg

- Giá cao su tăng, lợi nhuận Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam khả quan

Kết quả sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm 2024 của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) rất khả quan nhờ giá cao su tăng, lợi nhuận ghi nhận 1.108 tỉ đồng

Ngày 17-6, tại TP HCM, VRG tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Cập nhật về kết quả sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm 2024 với cổ đông, ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT VRG, cho biết rất khả quan và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, 5 tháng đầu năm doanh thu hợp nhất hơn 7.100 tỉ đồng, đạt 28,5% kế hoạch năm 2024; lợi nhuận 1.108 tỉ đồng, đạt hơn 32% so với kế hoạch năm 2024. Đối với lĩnh vực đóng góp doanh thu chính là mủ cao su đã tiêu thụ được 150.000 tấn, đạt 29% kế hoạch năm với giá bán bình quân 38,4 triệu đồng/tấn, cao hơn 6 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2023.

"VRG đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 83.130 lao động, trong đó có 20.500 người đồng bào thiểu số, 21.500 lao động người Lào, Campuchia. Tập đoàn tiếp tục làm tốt công tác quốc phòng an ninh, an sinh xã hội tại vùng sâu vùng xa, nơi tập đoàn đứng chân" – Chủ tịch HĐQT VRG thông tin thêm.

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển đã được đại hội cổ đông bất thường VRG ngày 29-3 phê duyệt thì năm 2024, chỉ tiêu doanh thu hợp nhất năm 2024 là 24.999 tỉ đồng (bằng 101,2% so với năm 2023); lợi nhuận sau thuế 3.437 tỉ đồng (bằng 102% so với năm 2023).

Báo cáo thường niên năm 2023 của VRG cho biết doanh thu đạt 24.699 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.372 tỉ đồng và duy trì việc làm ổn định cho hơn 83.000 lao động với mức thu nhập bình quân 8,24 triệu đồng/người/tháng.

- 5 tháng đầu năm, tôm Việt xuất khẩu sang 103 thị trường, mang về 1,3 tỷ USD

Trong 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 103 thị trường, mang về 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết quý II, xuất khẩu tôm có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khi tồn kho giảm bớt, giá xuất khẩu khả quan hơn.

Đây là thông tin được ông Đỗ Ngọc Tài, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) chia sẻ tại Hội nghị toàn thể Hội viên Vasep năm 2024 vừa qua.

“Kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ so với cùng kỳ là tín hiệu tích cực tuy nhiên ngành tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, lạm phát vẫn cao, xung đột chưa có hồi kết”, ông Tài cho biết.

Ở thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm Việt Nam 5 tháng đạt 229 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm sang Mỹ chỉ tăng mạnh trong tháng 1, ngược lại tháng 2, tháng 4 và tháng 5 giảm mạnh.

Tại thị trường này, lạm phát vẫn cao, các chi phí nhà ở, xăng, gas... cũng cao. Bên cạnh đó, cước tàu tăng đột biến 40% từ tháng 5 do xung đột tại Trung Đông và Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia trên thị trường Mỹ.

Ông Tài nhận định, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam từ Mỹ có thể tăng nhẹ vào quý III năm nay khi các nhà nhập khẩu tăng mua phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm.

Ở thị trường EU, xuất khẩu tôm Việt Nam sang châu Âu đạt 165 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm sang EU sau khi giảm trong tháng 2 và 3, đã phục hồi tăng trở lại trong tháng 4 và 5.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 18/6: Giá vàng: Vàng DOJI tăng, PNJ giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO