- Giá vàng: Giảm mạnh
Theo ghi nhận vào lúc 14 giờ hôm 13-12, giá vàng trên thị trường trong nước đồng loạt giảm mạnh, trong đó có vàng DOJI giảm 900.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra.
Vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng: Mua vào 83,9 triệu đồng/lượng - bán ra 86,4 triệu đồng/lượng (giảm 700.000 đồng/lượng cả chiều mua vào - bán ra).
Vàng Phú Quý SJC: Mua vào 83,9 triệu đồng/lượng - bán ra 86,4 triệu đồng/lượng (giảm 700.000 đồng/lượng cả chiều mua vào - bán ra).
Vàng DOJI tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: Mua vào 83,9 triệu đồng/lượng - bán ra 86,4 triệu đồng/lượng (giảm 900.000 đồng/lượng cả chiều mua vào - bán ra).
Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 83,9 triệu đồng/lượng mua vào – 86,4 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 900.000 đồng/lượng cả chiều mua vào - bán ra). Vàng nhẫn tròn trơn được doanh nghiệp giao dịch ở mức 84,08 triệu đồng/lượng mua vào – 85,83 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 330.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều).
Như vậy, giá vàng miếng và vàng nhẫn trong nước tính đến 14 giờ hôm nay (13-12) giảm mạnh cả chiều mua vào và bán ra.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm 12/12 tại Mỹ giảm 37,4 USD xuống 2.680,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng 13/12, giá vàng đảo chiều tăng 6,2 USD lên 2.687 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 2-2025 trên sàn Comex New York giảm mạnh 47,3 USD, tương ứng giảm 1,72% xuống mức 2.709,4 USD/ounce.
Vàng giảm mạnh sau báo cáo lạm phát của Hoa Kỳ được công bố nóng hơn dự kiến. Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, chi phí giá sản xuất tăng mạnh 0,4% so với tháng trước, vượt quá kỳ vọng của thị trường là tăng 0,2%. Điều thú vị là PPI cốt lõi, loại trừ thực phẩm, năng lượng và dịch vụ thương mại, cho thấy mức tăng khiêm tốn hơn là 0,1%, giảm so với mức 0,3% của tháng trước và thấp hơn ước tính đồng thuận.
Ngân hàng Goldman Sachs mới đây vẫn giữ dự báo vàng có thể chạm mốc 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025, ngay cả khi đồng USD vẫn mạnh. Điều này cho thấy tâm lý tin tưởng vào vàng còn dư địa tăng giá trong dài hạn.
Theo các nhà phân tích Tập đoàn tài chính Heraeus Precious Metals, giá vàng năm 2025 sẽ dao động trong khoảng 2.450 - 2.950 USD/ounce, được hỗ trợ bởi việc mua vào của các ngân hàng trung ương, dù ít hơn so với năm 2024, cùng với căng thẳng địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông.
Nhiều chuyên gia dự đoán giá vàng có thể dao động từ 2.647 - 2.760 USD/ounce trong ngắn hạn. Các yếu tố như lợi suất trái phiếu Mỹ và tình hình kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng tích cực đến giá vàng.
- Vinh danh các sản phẩm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI và phát triển bền vững Net-Zero tại lễ trao giải “Taiwan Excellence Award” lần thứ 33
Lễ trao giải “Taiwan Excellence Award” lần thứ 33 đã chính thức diễn ra vào ngày 27/11/2024, vinh danh 286 sản phẩm đến từ 155 doanh nghiệp, đồng thời nêu bật những nỗ lực không ngừng của các công ty Đài Loan trong việc ứng dụng công nghệ AI, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực tích hợp liên ngành.
Giải thưởng “Taiwan Excellence Award” năm nay đã thu hút sự tham gia của gần 900 sản phẩm đến từ 460 doanh nghiệp. Tất cả đều được đánh giá bởi hội đồng giám khảo giàu kinh nghiệm đến từ nhiều lĩnh vực như công nghiệp, chính phủ, học thuật, dựa trên bốn tiêu chí chính: nghiên cứu và phát triển, thiết kế, chất lượng, tiếp thị. Với tiêu chí tập trung vào các giá trị đổi mới, 286 sản phẩm xuất sắc nhất thuộc 155 công ty đã được vinh danh.
Lễ trao giải Taiwan Excellence năm nay đặc biệt chú trọng đến yếu tố phát triển bền vững, thể hiện rõ xu hướng chung của thế giới trong việc đề cao trách nhiệm với môi trường và bảo tồn tài nguyên.
Các sản phẩm đạt giải cũng phản ánh rõ nét những xu hướng nổi bật của các ngành công nghiệp. Dẫn đầu là lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, chiếm tới 51% tổng số giải thưởng, cho thấy thế mạnh của Đài Loan trong lĩnh vực công nghệ số và những đóng góp to lớn cho mục tiêu xây dựng một xã hội thông minh, bền vững. Tiếp theo là ngành máy móc, linh kiện (11%) và ngành thiết bị gia dụng, vật liệu phần cứng (9%) với những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tối ưu hóa tài nguyên, góp phần giảm thiểu lãng phí và lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất và tiêu dùng. Ngành thiết bị đo lường chính xác và thiết bị y tế (8%) cũng đạt nhiều giải thưởng quan trọng.
- Thanh khoản cạn kiệt, chứng khoản giảm trọn tuần giao dịch
Thanh khoản cạn kiệt, VN-Index phiên cuối tuần tiếp tục giảm, ghi nhận giảm trọn 1 tuần giao dịch gây áp lực tâm lý cho nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán tiếp tục giằng co phiên thứ 6 sau phiên giao dịch bùng nổ vào ngày 5-12 cho thấy lực cung trên thị trường còn nhiều, cần thêm thời gian để hấp thụ.
Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày cuối tuần (13-12) với bên cầm tiền chưa chịu mua cổ phiếu khiến thị trường vẫn lình xình. Lực bán mạnh nên có thời điểm VN-Index giảm gần 7 điểm, thủng 1.260 điểm trước khi lấy lại mốc này khi chốt phiên. Dù VN-Index còn giảm hơn 4 điểm nhưng số cổ phiếu giảm gần gấp 3 lần số cổ phiếu tăng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chỉ còn vài cổ phiếu giữ được sắc xanh: CTG, TCB, STB, VIB tăng gần 1%. Còn lại đều giảm: OCB giảm 3,1%; NAB giảm 1,2%; SHB, ACB, EIB, HDB, VPB, MBB, TPB, SSB giảm gần 1%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục giảm dù biên độ nhỏ: SHS giảm 1,49%, MBS giảm 1,03%, AGR giảm 2%; SSI, VCI, VND, FTS, ORS, VIX, VDS giảm gần 1%.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng chìm trong sắc đỏ: TCH giảm 1,2%, NHA giảm 1,8%, KBC giảm 1,42%, DXG giảm 1,1%; PDR, DIG, VHM, HDG, KDH, IDC, NLG giảm gần 1%.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu thép cũng giảm, bộ 3 cổ phiếu thép đầu ngành đều giảm trên 1%: NKG giảm 2,06%, HSG giảm 1,8% và HPG giảm 1,09%...
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,78 điểm (0,38%) còn 1.262,5 điểm với 280 mã giảm, 104 mã tăng và 74 mã đứng giá. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm 0,9 điểm (0,4%) còn 227 điểm với 98 mã giảm, 61 mã tăng và 60 mã đứng giá. Thanh khoản sụt giảm mạnh, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chưa đến 11.500 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 5 trên sàn HOSE nhưng tổng giá trị bán ròng giảm, khoảng gần 25 tỷ đồng. Top 3 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất thị trường là VCB hơn 54 tỷ đồng, HPG hơn 37 tỷ đồng và CMG hơn 32 tỷ đồng.
- VinFast hợp tác với 7 hãng bảo hiểm
VinFast cùng 7 đối tác bảo hiểm là các công ty PVI, Bảo Việt, BIC, VBI, PTI, BSH và VNI đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm rút ngắn tối đa thời gian phê duyệt phương án bảo hiểm cho khách hàng.
Theo thoả thuận hợp tác mới được VinFast ký kết với PVI, Bảo Việt, BIC, VBI, PTI, BSH và VNI, thời gian phê duyệt phương án bảo hiểm đối với các khách hàng sở hữu xe VinFast sẽ được áp dụng theo chính sách ưu tiên của các công ty bảo hiểm dành cho những đối tác, khách hàng lớn. Theo đó, với những sự cố nhỏ (chi phí sửa chữa dưới 10 triệu đồng), thời gian duyệt giá sửa chữa chỉ trong vòng tối đa 4 giờ làm việc tính từ thời điểm công ty bảo hiểm nhận được báo giá sửa chữa từ xưởng dịch vụ của VinFast.
Đối với các trường hợp đặc biệt, có nhiều yếu tố phức tạp, VinFast và các đối tác cam kết tập trung nguồn lực để rút ngắn thời gian xử lý tối đa, trong vòng trung bình 48 giờ làm việc sau khi nhận được báo giá sửa chữa từ xưởng dịch vụ của VinFast. Ngoài ra, sau khi xác định tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm, các công ty bảo hiểm sẽ thực hiện bảo lãnh toàn bộ chi phí bồi thường thuộc trách nhiệm theo đúng cam kết với khách hàng.
Bà Lê Hồng Linh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm PVI - đại diện lãnh đạo các đối tác bảo hiểm cho biết: “Thông qua quy trình xử lý tinh gọn, thời gian thực hiện nhanh chóng và các thông tin được công khai, minh bạch, khách hàng có thể dễ dàng sắp xếp công việc, tránh được những gián đoạn không đáng có và thuận tiện hơn trong suốt quá trình sử dụng xe”.
- Tổng dư nợ tín dụng tiếp tục tăng trưởng
Ngày 13/12, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng trưởng tốt.
Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng đạt 3.828 nghìn tỷ đồng, tăng 1,14% so với tháng trước; tăng 8,1% so với cuối năm 2023 và tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố, dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng trưởng dương trở lại trong tháng 10 và tháng 11/2024. Trong đó tháng 11/2024 tăng 3,14%.
Tín dụng VND vẫn chiếm tỷ trọng cao (chiếm 96,1%) trong tổng dư nợ tín dụng và tăng trưởng cao hơn mức tăng chung trên địa bàn, tăng 8,6% so với cuối năm và 13,4% so với cùng kỳ.
Nói về nguyên nhân thúc đẩy dư nợ tín dụng tăng, ông Nguyễn Đức Lệnh lý giải, thông thường vào các tháng cuối năm khả năng hấp thụ vốn tốt hơn, do tổng cầu tăng. Đây là yếu tố bản chất, mang tính quy luật và có yếu tố thời vụ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, với tốc độ tăng trưởng tín dụng 11 tháng là 12,5% so với cùng kỳ, thì tín dụng trên địa bàn sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hai con số khi kết thúc năm.