Điểm tin kinh doanh 11/9: Giá vàng đứt chuỗi tăng phi mã?

Việt Báo (Tổng hợp)| 11/09/2023 06:00

Nhận định chứng khoán tuần 11-15/9: Giằng co quanh 1.240 - 1.250 điểm; TP.HCM sẽ có trung tâm logistics tầm cỡ khu vực

vang-ngoc-thach-1676596534531768419667.jpeg

- Giá vàng đứt chuỗi tăng phi mã?

Sáng 10/9, sau chuỗi giao dịch tăng giá mạnh liên tiếp, giá vàng trong nước có dấu hiệu chững lại. Trong tuần qua, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 600.000 đồng/lượng.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 68,1 - 68,8 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào - bán ra. Giá vàng nhẫn tròn trơn 56,1 - 57,1 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng.

Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng trong nước 68,05 - 68,85 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Mức giá này giữ nguyên ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Hệ thống vàng Mi Hồng giữ nguyên giá niêm giá vàng miếng SJC ở mức 68,25 - 68,65 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn tròn trơn 55,7 - 56,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 1.919 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 53,9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế, phí.

Giá vàng thế giới sau 1 tuần đã giảm hơn 20 USD/ounce. Đà giảm của vàng thế giới xuất phát từ việc đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ liên tiếp tăng.

Chia sẻ trên Kitco News (trang thông tin chuyên về thị trường vàng), ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA nhận định, thời gian tới, đồng USD có thể tiếp tục tăng và khiến giá vàng thế giới chững lại.

Trên thị trường tiền tệ, ngày 10/9 rơi vào ngày nghỉ cuối tuần Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên niêm yết tỷ giá trung tâm 23.993 đồng/USD. Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá USD quanh mức 23.950 - 24.250 đồng/USD.

- Nhận định chứng khoán tuần 11-15/9: Giằng co quanh 1.240 - 1.250 điểm

Trong tuần giao dịch này 11/9 - 15/9/2023, chỉ số VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến giằng co trong vùng 1.240 - 1.250 điểm với nhịp tăng trưởng yếu dần.

Trong tuần giao dịch từ 4-8/9, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 17,43 điểm, đóng cửa tại 1.241,48 điểm. Đây cũng là tuần thứ 3 liên tiếp chỉ số này tăng điểm, nhưng mức tăng thấp hơn đáng kể so với tuần trước nghỉ lễ 2/9.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh với giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên 3 sàn đạt 26.835 tỉ đồng/phiên, tăng 23,6% so với bình quân tuần trước và chỉ thấp hơn khoảng 8% so với mức bình quân giai đoạn VN-Index đạt đỉnh (29.111 tỉ đồng/phiên).

Khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị đạt 1.300,8 tỉ đồng trên HOSE. Tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng 2.436 tỉ đồng, tập trung vào các mã HPG, SSI, VIC, MSN, STB.

Trong phiên giao dịch đầu tuần này 11/9, CTCP Chứng khoán Vietcap (Vietcap) dự báo thị trường có thể tiếp tục diễn biến giằng co và chỉ số VN-Index sẽ dao động giữa kháng cự 1.245 điểm và hỗ trợ tại 1.237 điểm.

Trường hợp VN-Index vượt qua mốc 1.245 thuyết phục, chỉ số sẽ phát tín hiệu tiếp tục tăng và hướng lên kháng cự tại 1.280-1.285 điểm. Ngược lại, nếu lực bán chiếm ưu thế, chỉ số sẽ điều chỉnh giảm để kiểm định hỗ trợ EMA10, EMA20 tại vùng 1.215 điểm.

Trong khi đó, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) ghi nhận một số chỉ báo kỹ thuật đã có tín hiệu suy yếu sau kỳ tăng trưởng vừa qua.

“Như vậy, chỉ số VN-Index sẽ có xu hướng đi ngang trong phạm vi 1.240 - 1.250 trong phiên tiếp theo, với nhịp tăng trưởng yếu dần”, SSI dự báo.

Đồng quan điểm, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định dòng tiền vẫn thận trọng trước áp lực cung tại vùng đỉnh cũ.

Với động thái này, VDSC dự báo thị trường sẽ gặp khó khăn và cần thời gian dao động thăm dò tại vùng 1.230 – 1.245 điểm trước khi có tín hiệu cụ thể hơn.

- 8 tháng, cấp than cho điện đạt trên 37 triệu tấn

Lũy kế đến hết tháng 8/2023, sản lượng than thương phẩm sản xuất đạt khoảng 40,72 triệu tấn, trong đó cấp cho điện khoảng 34,07 triệu tấn than.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, ước tính đến hết tháng 8/2023, sản lượng than thương phẩm sản xuất đạt khoảng 40,72 triệu tấn, trong đó than thương phẩm xuất trong nước khoảng 31,56 triệu tấn, gồm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) 27,01 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc 4,55 triệu tấn; than nhập khẩu khoảng 9,16 triệu tấn, gồm TKV 5,97 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc 3,19 triệu tấn.

Tổng khối lượng than cấp cho điện khoảng 34,07 triệu tấn. Trong đó, TKV cấp khoảng 27,83 triệu tấn, đạt 72,19% khối lượng hợp đồng, bằng 117,28% so với cùng kỳ năm 2022; Tổng công ty Đông Bắc cấp khoảng 6,24 triệu tấn, đạt 80,23% khối lượng hợp đồng, bằng 138,15% so với cùng kỳ năm 2022.

Dự kiến, cả năm 2023, sản lượng than thương phẩm sản xuất đạt khoảng 57,88 triệu tấn, trong đó than thương phẩm sản xuất trong nước khoảng 44,68 triệu tấn (TKV 38,67 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc 6,01 triệu tấn); than nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn (TKV 9,2 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc 64,0 triệu tấn).

Tổng than tiêu thụ khoảng 57,08 triệu tấn, trong đó, cung cấp than cho sản xuất điện khoảng 46,29 triệu tấn.

Dự kiến cả năm 2023, TKV cấp khoảng 38,52 triệu tấn, đảm bảo đủ khối lượng cam kết theo Hợp đồng đã ký; Tổng công ty Đông Bắc dự kiến cấp khoảng 8,2 triệu tấn, bằng 103% khối lượng Hợp đồng đã ký.

- TP.HCM sẽ có trung tâm logistics tầm cỡ khu vực

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hoạt động vận tải, áp dụng công nghệ vận tải tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics ở TP.HCM.

Chương trình hành động vừa được ban hành của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết 31/NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiện vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 87/2023/NQ-CP ngày 02/6/2023 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị, đã nêu rõ như vậy.

Về vận tải, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng vận tải hành khách, hạ tầng logicstics, nâng công suất xếp dỡ hàng hóa, công suất các kho chứa cảng biển, đầu tư đón đầu các chuỗi cung ứng nhằm hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logicstics tầm cỡ khu vực. Đồng thời sẽ từng bước cơ cấu lại thị phần, ưu tiên phát triển thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không nhằm giảm áp lực vận tải đường bộ.

Về nguồn lực, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế; huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư các trung tâm logistics, các ICD gắn với các đầu mối vận tải lớn, đường sắt đô thị. Sẽ ưu tiên bố trí và phân bổ hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước kết hợp với đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM, nhất là hình thức đối tác công tư.

Bảo đảm gắn kết quy hoạch ngành vào quy hoạch địa phương để đồng bộ quy hoạch; trong đó gắn kết giữa phát triển giao thông vận tải với các ngành công nghiệp, dịch vụ, logistics, phát huy tiềm năng thế mạnh của TP.HCM.

- Giá Bitcoin hôm 10/9: Giảm nhẹ, chờ đợt tăng giá tiếp theo

Giá Bitcoin hôm 10/9 giảm nhẹ, giao dịch ở mức trên 25.800 USD. Các nhà đầu tư đang chờ đợi đợt tăng giá Bitcoin theo đúng chu kỳ 4 năm.

Theo Coinglass, mức giá của Bitcoin ghi nhận vào thời điểm 10h40 ngày 10/9 đạt 25821,17 USD/BTC, giảm 0.17% trong 24 giờ qua. Đồng thời, khối lượng giao dịch giảm mạnh 66,2% chỉ còn 5,8 tỉ USD khi so với ngày 9/9. Theo đó, giá Bitcoin được giao dịch trong khoảng từ 25.830 USD đến hơn 25.900 USD.

Vốn hóa của Bitcoin hôm nay tụt xuống 503,8 tỉ USD, chiếm 48,3% thị trường tiền mã hóa. Vốn hóa toàn bộ thị trường ghi nhận vào thời điểm 10h40 là 1.081,5 tỉ USD, giảm 3,5 tỉ USD so với 24 giờ trước. Đồng thời, khối lượng giao dịch trong 24 giờ trên thị trường giảm 44,38% so với ngày 9/9, đạt 15,78 tỉ USD.

Tương tự, đồng ETH cũng ghi nhận mức giảm 0,3%, được giao dịch quanh mức giá 1628,88 USD/ETH. Khối lượng giao dịch cũng giảm tới 61,68% khi so với 24 giờ trước đó, ở mức 2,95 tỉ USD.

Các loại tiền thay thế phổ biến khác – bao gồm cả Litecoin (LTC), Ripple (XRP) – rơi vào tình trạng tiêu cực khi giá chung chứng kiến ​​những khoản lỗ nhỏ trên diện rộng. Trong khi đó đồng STORJ nổi lên là mã tăng giá lớn nhất, chứng kiến ​​mức tăng hơn 18,65% trong 24 giờ. Mặt khác, đồng PERP lại là kẻ thua cuộc lớn nhất với mức giảm 36,23%.

Vào lúc 10h40, trong 10 đồng tiền có vốn hóa lớn nhất, cả 10 đồng đều có dấu hiệu tụt giá so với 24 giờ trước.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 11/9: Giá vàng đứt chuỗi tăng phi mã?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO