- 'Cơn sốt' vàng nhẫn chưa vơi nhiệt, giá vàng miếng SJC giảm cả triệu đồng
'Bốc hơi' cả triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC một số nơi mất mốc 84 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, vàng nhẫn vẫn tăng không ngừng nghỉ. Một số cửa hàng hạn chế số lượng mua mỗi lần.
Vàng nhẫn tiếp tục là tâm điểm của thị trường vàng sáng ngày 10/4 sau phiên tăng “điên loạn” liền trước. Thậm chí, trên thị trường xuất hiện tình trạng hạn chế số lượng mua mỗi lần/người tại một số cửa hàng. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng nhẫn yết ở mức 74,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 76,5 triệu đồng/lượng (bán ra), lần lượt tăng 500.000 đồng/lượng và 800.000 đồng/lượng. Chênh lệc giá mua – bán qua đó nới lên 1,7 triệu đồng mỗi lượng.
Một số hãng trang sức khác như Bảo tín Minh Châu cũng liên tục tăng giá vàng nhẫn tròn trơn, đẩy giá bán ra tiến sát mốc mới 78 triệu đồng/lượng. Hãng vàng này đang yết giá mua ở mức 76,38 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán là 77,98 triệu đồng/lượng. Giá bán ra tại Bảo tín Minh Châu cao hơn tới 5,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi. Mức chênh lệch lần này thậm chí đã vượt xa kỷ lục trước đây vào thời điểm giữa tháng 2/2024 cũng là khoảng thời gian quanh ngày vía Thần Tài.
Đối với sản phẩm vàng miếng, giá có sự điều chỉnh sau ngày tăng sốc, “bốc hơi” cả triệu đồng. Một phần bởi nhà đầu tư thận trọng trước quy định quản lý thị trường vàng, đặc biệt với sản phẩm vàng miếng SJC. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) đang yết giá vàng miếng SJC ở mức 81,8 triệu đồng/lượng (mua vào ) và 83,8 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 1 triệu đồng/lượng so với hôm qua. Đa phần các hãng vàng giảm khoảng 700.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm 9/4. Chênh lệch giá mua – bán một số nơi phổ biến 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước vẫn đang được hậu thuận bởi xu hướng neo cao của giá vàng trên vùng đỉnh lịch sử (2.350 USD/ounce). Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay ở mức 2.352 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York giao dịch tại 2.370 USD/ounce.
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), dự trữ vàng của nước này tiếp tục tăng trong tháng 3. Đây là tháng thứ 17 liên tiếp kể từ tháng 11/2022 nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bổ sung vàng vào kho dự trữ. Lượng vàng do PBoC nắm giữ đã tăng lên 72,74 triệu ounce (tương đương 2.263 tấn) đến cuối tháng 3/2024. Trong năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Kazakhstan và một số nước Đông Âu cũng đã tăng cường mua vàng. Xu hướng gia tăng tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương tác động tích cực đến thị trường này.
Cùng đó, rủi ro địa chính trị liên quan đến Nga/Ukraine và Trung Đông cũng có thể tác động tiêu cực đến các kỳ vọng. Lo ngại về khả năng lạm phát quay trở lại, chuyên gia thị trường kỳ cựu Ed Yardeni, Chủ tịch Công ty nghiên cứu thị trường Yardeni Research, dự báo, giá vàng có thể tăng vọt đến cuối năm 2025. Đưa ra quan điểm trên CNBC, các nhà phân tích tại Bank of America cho biết trong một lưu ý rằng vàng có thể tăng lên 3.000 USD/ounce vào năm 2025.
- Giá vàng sẽ lập đỉnh 3.000 USD/ounce?
Không gì có thể ngăn cản được đà tăng của vàng và cột mốc tiếp theo các chuyên gia kinh tế cho rằng mặt hàng kim quý sẽ đạt được là 3.000 USD/ounce.
Nhà kinh tế học nổi tiếng David Rosenberg, Chủ tịch của Rosenberg Research, cho biết đà tăng ổn định của vàng đang tiếp tục, Rosenberg dự đoán giá vàng có thể tăng thêm 15% nữa và tiềm năng là 30% khi các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Nhà kinh tế này đã đưa ra 2 kịch bản diễn biến giá vàng, nhưng ở cả 2 kịch bản đều cho kết quả giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao.
Cụ thể, trong kịch bản đầu tiên là "hạ cánh mềm". Khi đó lãi suất thực tế toàn cầu sẽ quay trở lại mức trung bình trước năm 2000 nhưng cao hơn thời kỳ trì trệ sau GFC (khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008) sẽ khiến đồng USD giảm khoảng 12% và đẩy giá vàng lên khoảng 10%.
Nhưng nếu một cuộc suy thoái ảnh hưởng đến nền kinh tế với lãi suất thực tế toàn cầu quay trở lại mức trung bình giai đoạn 2014-2024, thị trường chứng khoán ổn định và đồng USD mất giá khoảng 8% thì khả năng tăng giá của vàng sẽ là 15%, đưa mặt hàng này lên vùng 2.500 USD/ounce.
“Rủi ro vàng giảm giá rất hạn chế. Nhiều khả năng vàng sẽ đạt mức 3.000 USD/ounce hơn là giảm trở lại mức 1.500 USD. Thêm rằng căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ càng đẩy giá vàng lên cao hơn”, Rosenberg nhận định.
- 3 tháng đầu năm, miễn, giảm hơn 18.000 tỷ đồng tiền thuế
Theo Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 18.012 tỷ đồng; trong đó giảm mức thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết của Quốc hội ước khoảng 9.812 tỷ đồng.
Thông tin công bố ngày 9/4 của Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước luỹ kế 3 tháng đầu năm 2024 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 490.196 tỷ, bằng 116,9% so với dự toán Quý I, bằng 33% so với dự toán năm 2024, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó thu nội địa ước đạt 474.460 tỷ đồng, bằng 116,4% so với dự toán Quý I, bằng 32,9% dự toán năm 2024, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Có 10/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so dự toán (trên 30%), còn 10/20 khoản thu đạt dưới 30% dự toán; 14/20 khoản thu, sắc thuế tăng trưởng so cùng kỳ năm 2023, còn 06/20 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ năm 2023.
Có 35/63 Cục Thuế tiến độ thực hiện đạt trên 30% dự toán; 10/63 Cục Thuế đạt từ 26% - 30%; còn lại 18/63 Cục Thuế đạt thấp (dưới 26% dự toán); 39/63 Cục Thuế địa phương đạt và vượt dự toán thu quý I Tổng cục Thuế giao; 24/63 Cục Thuế địa phương không hoàn thành dự toán thu quý I.
Bộ Tài chính cho biết, triển khai các chính sách về thuế nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 18.012 tỷ đồng. Trong đó, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Nghị định 44/2023 và Nghị định 94/2023 ước khoảng 8.200 tỷ đồng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết của Quốc hội ước khoảng 9.812 tỷ đồng.
- Viettel khai trương trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) khai trương Trung tâm dữ liệu Viettel Hoà Lạc với công suất 30MW, lớn nhất tại Việt Nam.
Đây là trung tâm dữ liệu đầu tiên của Việt Nam được thiết kế công suất cao, gấp 2 lần mức trung bình, nhằm đáp ứng xu thế phát triển của AI với yêu cầu về các con chip hiệu năng cao, gia tăng khả năng tính toán. Với 60.000 máy chủ; hơn 2.400 rack; 21.000m2 mặt sàn; tổng công suất điện 30MW, Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc cũng trở thành trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Trung tâm dữ liệu thứ 14 đã giúp Viettel nâng tổng số 230.000 máy chủ, 81.000 m2 mặt sàn, 11.500 rack; 87MW điện, tương đương một siêu DC của thế giới. Điều này tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Viettel về xây dựng hạ tầng số Việt Nam hiện đại.
Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc đang nắm giữ nhiều chứng chỉ xanh như tiêu chuẩn về quản lý năng lượng, tiêu chuẩn về quản lý tác động môi trường, tiêu chuẩn về quản lý vệ sinh lao động. Đây cũng là trung tâm dữ liệu đầu tiên cam kết hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng 30% lượng điện tiêu thụ.
Chỉ số hiệu quả năng lượng - COP đạt trên 6.0, cao hơn so với các Chiller (hệ thống làm mát) khác hơn 40%; chỉ số tiêu thụ điện cho thiết bị IT - PuE đạt 1.4 – 1.45, thấp hơn các DC hiện có ở VN là 12%. HSBC cũng đã chứng nhận Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc đủ điều kiện nhận tín dụng Xanh.
- Diễn biến mới trên thị trường lúa mỳ toàn cầu
Thị trường lúa mỳ toàn cầu đã bị ảnh hưởng khi các khách hàng Trung Quốc hủy các đơn đặt hàng lớn, trong nỗ lực tìm kiếm mức giá tốt hơn và củng cố tình hình an ninh lương thực đất nước.
Giá lúa mỳ kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago đang giao dịch ở mức khoảng 5,50 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ = 27,2 kg), tăng nhẹ so với mức thấp nhất trong ba năm rưỡi được ghi nhận hồi giữa tháng 3/2024, nhưng giảm khoảng 10% so với đầu năm nay.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong tháng 3/2024 thông báo 504.000 tấn lúa mỳ trong hợp đồng dự kiến bán cho Trung Quốc đã bị hủy. Con số này tương đương với khoảng 50% tổng số lúa mỳ của Mỹ xuất sang Trung Quốc trong năm 2022. Đây là lần hủy hợp đồng lớn nhất được ghi nhận kể từ năm 1999.
Hãng Reuters đưa tin khoảng 1 triệu tấn lúa mỳ Australia xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đã bị hủy hoặc hoãn.
Trung Quốc là nước nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Các khách hàng Trung Quốc vẫn chưa đưa ra lý do hủy các đơn đặt hàng lúa mỳ.
Mặc dù kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn nhưng giá thực phẩm nhìn chung ít chịu ảnh hưởng từ các biến động kinh tế hơn giá dầu thô, đồng và các nguyên liệu công nghiệp khác.
Chuyên gia Ruan Wei tại Viện nghiên cứu Norinchukin của Nhật Bản cho biết các khách hàng Trung Quốc có thể đang cố gắng tránh thực hiện các hợp đồng đắt tiền đã ký trước đây và đang mua lại với mức giá thấp hơn.