- Vàng nhẫn, SJC đảo chiều tăng vọt trở lại
Giá vàng hôm 31/5 tăng cả ở SJC và vàng nhẫn do giá thế giới tăng vọt.
Giá vàng hôm 31/5 tăng mạnh theo đà đi lên của giá vàng thế giới. Lúc 8 giờ 45, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 66,55 triệu đồng/lượng, bán ra 67,15 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua. Như vậy, giá vàng SJC đã nhanh chóng vượt mốc 67 triệu đồng sau khi trượt khỏi giá này vào ngày hôm qua.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại cũng được điều chỉnh tăng lên 55,7 triệu đồng/lượng mua vào, 56,65 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng mỗi lượng.
Trước đó, tại Việt Nam, trong ngày 30/5 giá vàng SJC tăng 50.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 67 triệu đồng/lượng.
Lúc 9h26' hôm ngày 31/5, giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.953,7 USD/ounce, giảm 3,3 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.973,2 USD/ounce.
Đêm 30/5 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay tăng nhanh từ ngưỡng 1.930 USD/ounce lên quanh mức 1.957 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.959 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 30/5 cao hơn khoảng 8,7% (159 USD/ounce) so với đầu năm 2023. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 56,3 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 10,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 30/5.
- Giá xăng hôm nay có thể tăng tới 900 đồng/lít
Giá dầu thô tiếp tục tăng nên dự báo giá xăng dầu trong nước có thể quay đầu tăng khoảng 500-900 đồng/lít trong kỳ điều hành hôm nay.
Giá dầu thô thế giới biến động khó lường, tăng ở 2 tuần liên tiếp và chỉ giảm ở phiên chiều qua và sáng nay, dầu thô WTI giảm 2,46 USD, xuống mức 69,87 USD/thùng, dầu Brent giảm 2,2 USD, xuống mức 74,19 USD/thùng.
Dự báo vào kỳ điều hành xăng dầu ngày 1/6 sẽ được cơ quan chức năng điều chỉnh tăng từ 500 - 900 đồng/lít dầu và 200- 300 đồng/lít dầu.
Trước biến động giá xăng dầu trên thế giới, lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho hay, giá xăng dầu thế giới tuy có xu hướng suy giảm nhưng trước đó đã tăng khá mạnh. Thêm nữa, giá xăng nhập tại thị trường Singapore ở kỳ điều hành này cũng tăng. Do đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày 1/6 được dự báo tăng theo giá xăng dầu thế giới.
“Nếu cơ quan quản lý không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng E5 RON 92 có thể tăng 500-800 đồng/lít, giá RON 95 có khả năng tăng 600-900 đồng/lít. Còn giá dầu có thể tăng từ 200-300 đồng/lít. Còn trong trường hợp liên Bộ Công Thương - Tài chính chi Quỹ bình ổn, giá xăng, dầu có thể tăng ít hơn", đại diện doanh nghiệp nhận định.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng ngày 31/5 được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 22/5 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Cụ thể, giá xăng E5 RON92 tăng 357 đồng/lít, giá mới là 20.488 đồng mỗi lít; xăng RON95-III tăng 499 đồng mỗi lít, lên 21.499 đồng/lít; dầu diesel tăng 301 đồng, lên mức 17.954 đồng/lít; dầu mazut tăng 296 đồng, giá mới là 15.158 đồng/kg. Tuy nhiên, dầu hỏa giảm 3 đồng/lít, giá mới là 17.969 đồng/lít.
- Bán lẻ có mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ trong 8 năm qua
Theo Tổng cục thống kê, 5 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ của các giai đoạn từ năm 2015 đến nay.
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, riêng trong tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, con số này tăng trưởng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, so với cùng kỳ của giai đoạn từ 2015 đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của 5 tháng đầu năm đang ở mức tăng trưởng cao nhất.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng qua ước đạt 1.993 ngàn tỉ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; may mặc tăng 11,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,8%; phương tiện đi lại (trừ ôtô) tăng 4,2%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng trưởng hai con số như Bắc Ninh tăng 19,6%; Bình Định tăng 14,8%; Bình Dương tăng 13,8%; Thanh Hóa tăng 12,1%; Hải Phòng tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo TTXVN, ngành bán lẻ Việt Nam đang có quy mô thị trường là 142 tỉ đô la Mỹ. Dự báo, đến năm 2025, quy mô sẽ tăng lên thành 350 tỉ đô la. Nhiều doanh nghiệp quốc tế đến tìm hiểu, đầu tư vào thị trường bán lẻ ở Việt Nam. Gần đây nhất là chuyến thăm, làm việc của phái đoàn của Israel và Brazil.
- HSBC: Việt Nam vẫn còn chặng đường dài để tìm lại sự phục hồi
Mặc dù dữ liệu thương mại tháng 5 của Việt Nam không suy giảm thêm nhưng vẫn còn một chặng đường dài trước khi thấy được sự phục hồi đáng kể trong chu kỳ thương mại.
Mặc dù dữ liệu hoạt động kinh tế tháng 5 không xấu đi, HSBC cho rằng, Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu "chạm đáy" để bật trở lại trong bối cảnh nhiều khó khăn gia tăng cản trở tăng trưởng. Trong đó, dữ liệu lĩnh vực bên ngoài chậm lại vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng.
Trong khi xuất khẩu giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước, một mức giảm nhẹ hơn hẳn so với mức giảm hai con số tháng trước. Sự suy yếu trên diện rộng của xuất khẩu tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam khi không có ngành hàng nào trong số các ngành hàng chính như điện tử, máy móc, dệt may/da giày và đồ nội thất gỗ cho thấy dấu hiệu phục hồi đáng kể.
Theo Báo cáo, mặc dù dữ liệu xuất khẩu chính thức của Việt Nam chưa được công bố trong tháng 5, dữ liệu tính đến tháng 4/2023 cho thấy đơn hàng sụt giảm mạnh ở ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam: Mỹ, Trung Quốc và EU. Cụ thể, với thị phần lớn lên tới 30%, Việt Nam chắc chắn dễ bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế chậm lại ở Mỹ.
HSBC cho biết, xuất khẩu giảm xuống một con số, nhập khẩu giảm nhanh hơn nhiều, với tốc độ giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Có ý kiến cho rằng điều đó có lợi cho thặng dư thương mại của Việt Nam, ghi nhận ở mức 2,2 tỷ USD, gấp đôi mức bình quân tháng của năm 2022. Thật vậy, cán cân thương mại được cải thiện phần nào chính là lý do đồng VND duy trì tương đối ổn định trong bối cảnh đồng USD mạnh lên suốt hai tuần trước, vượt qua các đồng tiền khác như KRW và MYR, vốn cũng liên quan mật thiết đến đồng RMB.
"Tuy nhiên, với ngành sản xuất có bản chất thiên về nhập khẩu, sự suy yếu lớn trong nhập khẩu của Việt Nam cũng là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi chậm chạm của xuất khẩu trong tương lai", Báo cáo nhận định.
Theo HSBC, ngành dịch vụ của Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng, phần nào bù đắp cho những suy yếu ở lĩnh vực bên ngoài. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa những mặt hàng giá trị cao, ví dụ như ô tô, và dịch vụ liên quan đến du lịch – một xu hướng cũng đang diễn ra ở các nước khác trong khu vực. Điểm tích cực là lượng khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam có chiều hướng tăng.
- Gấp rút xây dựng tuyến liên vận phục vụ xuất khẩu hàng hóa từ phía nam
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang gấp rút xây dựng 2 tuyến liên vận quốc tế từ ga Sóng Thần (Bình Dương) - ga đầu mối hàng hóa lớn nhất của đường sắt khu vực phía nam - đi Trung Quốc và các nước thứ ba.
Tuyến thứ nhất xuất phát từ ga Sóng Thần đi ga Kép (Bắc Giang) rồi đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) trước khi sang ga Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).
Từ đây, tàu sẽ tiếp tục vào sâu nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc sang các nước Trung Á, Nga, EU...
Tuyến thứ 2 từ ga Sóng Thần đi ga Lào Cai, tới ga Sơn Yêu (Hà Khẩu Bắc, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) sau đó sẽ chuyển đổi phương tiện vào sâu nội địa Trung Quốc.
Mỗi đoàn tàu dự kiến sẽ vận chuyển 20 - 25 container. Thời gian chạy tàu từ ga Sóng Thần đến ga biên giới Bằng Tường (Quảng Tây) khoảng 5 ngày; đến ga Sơn Yêu (Vân Nam) mất 6 ngày.