Điểm tin Công nghệ 24/7: iPhone màn hình gập sẽ sớm ra mắt

Việt Báo (Tổng hợp)| 24/07/2024 06:00

Startup an ninh mạng từ chối đề nghị mua lại trị giá 23 tỷ USD của Google; Hơn 90.000 lỗ hổng, điểm yếu của các hệ thống tại Việt Nam được phát hiện

iphone_fold_concept_1.jpg

- iPhone màn hình gập sẽ sớm ra mắt

Có nguồn tin cho biết, Apple sẽ sớm cho ra mắt iPhone màn hình gập của mình.

Được biết, thiết bị sẽ sử dụng màn hình do Samsung sản xuất. Samsung hiện đang cung cấp tấm nền màn hình chính cho các thiết bị Apple và có nguồn tin cho biết Samsung sẽ tiếp tục cung cấp màn hình cho thiết bị gập của Apple. Tuy nhiên, do màn hình gập của Samsung chưa đủ bền khiến kế hoạch ra mắt sản phẩm phải tạm hoãn.

Mới đây, bằng dáng chế "Thiết bị điện tử có màn hình gập bền" đã mô tả cách giải quyết vấn đề về độ bền màn hình gập, giúp iPhone Fold có thể sớm ra mắt.

Theo mô tả, màn hình gập tăng độ bền bằng cách làm kính mỏng hơn ở phần gập và dày hơn ở các phần khác nhằm bảo vệ màn hình khỏi các va đập.

Màn hình sẽ gồm hai phần gồm: lớp phủ bảo vệ và tấm nền màn hình linh hoạt. Tấm nền có thể uốn cong quanh trục, còn lớp phủ được tạo từ một lớp kính với phần gập vát mỏng thành một rãnh kéo dài theo trục uốn cong.

Được biết, hai nguyên mẫu iPhone màn hình gập có kích thước màn hình bên trong 7,9 và 8,3 inch, do đó kích thước máy sẽ lớn hơn Galaxy Z Fold5 với màn hình 7,6 inch. Với kích thước này, iPhone sẽ có thiết kế đóng mở dạng cuốn sách thay vì gập vỏ sò như tin đồn trước đây.

Trước đó, Apple đã được cấp bằng sáng chế với tên gọi "Các thiết bị điện tử với lớp vỏ màn hình linh hoạt" khẳng định hãng đã tìm ra phương pháp trộn các khu vực cứng và linh hoạt cho màn hình để nó có thể tự phục hồi.

- Ứng dụng AI giám sát giao thông, an ninh… trên khắp cả nước

VNPT SmartVision được phát triển từ năm 2018, đến nay đã hoàn thiện và là nền tảng nhận diện hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo với hơn 40 loại model AI xử lý hình ảnh khác nhau đáp ứng nhiều lĩnh vực như giám sát an ninh, giao thông, y tế, giáo dục, định danh và xác thực điện tử,…

Tới nay, VNPT SmartVision triển khai thực tế cho hơn 100 tổ chức, doanh nghiệp, tập trung vào 4 lĩnh vực xử lý hình ảnh chính gồm giám sát giao thông, giám sát an ninh, số hóa văn bản, và nhận diện, tìm kiếm khuôn mặt.

Riêng về giao thông và giám sát an ninh, giải pháp đã được triển khai tại nhiều tỉnh thành như Bình Phước, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Tây Ninh, Bắc Giang, và Ninh Bình, giúp các lực lượng chức năng quản lý, phát hiện kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, đi ngược chiều, dừng đỗ xe sai quy định, phát hiện tai nạn giao thông...

“Nhờ vào tập dữ liệu lớn, cùng kinh nghiệm triển khai thực tế, chúng tôi liên tục nâng cấp các mô hình AI, đồng thời tối ưu hóa chúng để có tính tương thích cao với hình ảnh tại Việt Nam. Hiện nay, độ chính xác trung bình của các model AI là hơn 95%. Một số model như nhận diện khuôn mặt đạt độ chính xác lên tới 99,99%”, đại diện nhóm phát triển VNPT SmartVision cho hay.

VNPT cũng khẳng định hiện nền tảng công nghệ sẵn sàng tích hợp vào hệ thống camera giám sát ở khu vực giao thông phức tạp nhất tại các thành phố lớn ở Việt Nam.

- Ứng dụng công nghệ giúp người dân giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Sáng sớm 23/7, tâm bão số 2 đã vào bờ tại tỉnh Quảng Ninh và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, trước đó, cơn bão có gió giật cấp 13 và liên tục mạnh lên theo từng giờ, loạt công văn và cảnh báo khẩn được gửi trực tiếp đến người dân qua Zalo.

Trước ảnh hưởng của bão cũng như hoàn lưu bão, BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai (BCĐ) đã gửi cảnh báo khẩn đến 16 tỉnh và thành phố thuộc khu vực miền Bắc thông qua Zalo Official Account (OA).

Thông qua Zalo, đã có gần 11 triệu người dân nhận được cảnh báo khẩn của BCĐ. Theo cảnh báo, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin cập nhật về diễn biến của bão, chủ động sơ tán để đảm bảo an toàn, hạn chế di chuyển trong tình hình thời tiết bất lợi hoặc đến các khu vực có nguy cơ xảy ra các tình huống thiên tai bất ngờ, tích trữ lương thực và các trang thiết bị thiết yếu để sử dụng khi cần thiết và sẵn sàng các phương án kêu gọi cứu trợ trong trường hợp khẩn cấp.

Trước đó, khi cơn bão số 2 vừa hình thành trên Biển Đông, OA 1022 Quảng Nam (Tài khoản chính thức của Sở Thông tin & Truyền thông Quảng Nam) cùng nhiều tỉnh thành khác cũng đã cập nhật thông tin về cơn bão số 2 qua Zalo cho người dân trong tỉnh và ngư dân biết, theo dõi và có phương án xử lý cũng như phòng tránh kịp thời khi đang hoạt động trên biển.

Từ đây cho thấy Zalo chính là cầu nối quan trọng trong các tình huống khẩn cấp ở mọi lúc, mọi nơi, không chỉ hỗ trợ chuyển đổi số trong dịch vụ hành chính công, tiện ích công mà còn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức phòng chống thiên tai, hỗ trợ người dân trong các tình huống cấp thiết.

galaxy_buds_3_pro_xuan_sang.jpg

- Startup an ninh mạng từ chối đề nghị mua lại trị giá 23 tỷ USD của Google

Công ty khởi nghiệp an ninh mạng Wiz Inc. đã từ chối lời đề nghị mua lại trị giá lên tới 23 tỷ USD từ Alphabet - công ty mẹ của Google, thay vào đó họ tiếp tục kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Việc Wiz từ chối thỏa thuận mua lại đã dội gáo nước lạnh vào Alphabet trong bối cảnh "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ đang cố gắng bắt kịp hai đối thủ Microsoft và Amazon trên thị trường dịch vụ đám mây đầy cạnh tranh.

Hai năm trước, Alphabet đã mua công ty an ninh mạng Mandiant trong thương vụ mua lại lớn thứ hai của mình với giá 5,4 tỷ USD. Hãng này nhăm nhe mua lại Wiz để hoàn thiện các dịch vụ bảo mật của mình.

Mặc dù mới khởi nghiệp, nhưng Wiz đã thiết lập nền móng hợp tác được với các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây hàng đầu như Amazon Web Services và Microsoft Azure, đồng thời quét dữ liệu được lưu trữ tại đó để tìm rủi ro bảo mật.

- Hơn 90.000 lỗ hổng, điểm yếu của các hệ thống tại Việt Nam được phát hiện

Trong tháng 6, hệ thống giám sát kỹ thuật của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ghi nhận 90.033 điểm yếu, lỗ hổng an toàn thông tin tại các máy chủ, máy trạm, hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam.

Số liệu thống kê nêu trên là một nội dung trong báo cáo an toàn thông tin mạng Việt Nam tháng 6/2024, mới được Cục An toàn thông tin thực hiện và công bố.

So với 3 tháng trước đó, số lượng điểm yếu, lỗ hổng an toàn thông tin tại các máy chủ, máy trạm, hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức nhà nước tại Việt Nam được hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin ghi nhận trong tháng 6 có tăng nhẹ. Con số này ở các tháng 3, 4 và 5 lần lượt là 88.990, 89.351 và gần 89.400.

So với các tháng 3, 4 và 5 năm nay, số lượng điểm yếu, lỗ hổng tồn tại trong hệ thống của các cơ quan, tổ chức nhà nước tại Việt Nam được ghi nhận trong tháng 6 có tăng nhẹ. Ảnh minh họa: Internet

Cũng trong tháng 6 vừa qua, hệ thống giám sát, rà quét từ xa của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC thuộc Cục An toàn thông tin đã phát hiện hơn 1.600 lỗ hổng an toàn thông tin trên 5.000 hệ thống đang mở công khai trên Internet. Đáng chú ý, trong các lỗ hổng an toàn thông tin được ghi nhận, có 12 lỗ hổng mới được công bố, với mức độ ảnh hưởng cao và nghiêm trọng.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin Công nghệ 24/7: iPhone màn hình gập sẽ sớm ra mắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO