Điểm tin Công nghệ 15/7: Apple sẽ trang bị công nghệ sạc nhanh cho iPhone 16 Pro?

Việt Báo (Tổng hợp)| 15/07/2024 06:00

Thách thức khi công nghệ AI ngày càng tiêu tốn nhiều năng lượng; Mỹ: Đề xuất dự luật bảo vệ tác phẩm của nhà báo và nghệ sĩ trước làn sóng AI

cap-nhat-moi-ve-kich-thuoc-iphone-16-pro-va-iphone-16-pro-max-techtimes-1-.jpg

- Apple sẽ trang bị công nghệ sạc nhanh cho iPhone 16 Pro?

Apple được cho là sẽ trang bị công nghệ sạc nhanh có dây với công suất 40W trên iPhone 16 Pro, cao hơn mức 27W hiện nay của dòng iPhone 15.

Theo nguồn tin từ IT Home (Trung Quốc), Apple sẽ trang bị cho bộ đôi iPhone 16 Pro và 16 Pro Max công nghệ sạc nhanh hơn so với các phiên bản trước, với công suất lần lượt là 20W (sạc MagSafe) và 40W (sạc có dây).

Hiện tại, thế hệ iPhone 15 chỉ hỗ trợ sạc nhanh có dây với công suất 27 W khi sử dụng củ sạc tương thích, cho phép nạp đầy 50% pin trong 30 phút. Công suất sạc MagSafe trên dòng iPhone 15 đạt tối đa là 15 W.

Nếu như tin đồn này chính xác, dòng iPhone 16 Pro sẽ đạt tốc độ sạc nhanh đáng kể, đặc biệt khi sử dụng sạc có dây. Tuy nhiên, nguồn tin này cũng lưu ý rằng việc tăng tốc độ sạc còn đến từ dung lượng pin lớn hơn.

Nhà phân tích Ming-Chi Kuo của TF International Securities tiết lộ Apple đang điều chỉnh viên pin trên thế hệ iPhone 16 nhằm tăng mật độ năng lượng. Điều này có nghĩa là thiết bị sẽ có dung lượng pin lớn hơn với cùng kích thước, hoặc thu nhỏ viên pin nhưng dung lượng không đổi so với thế hệ iPhone 15.

Để khắc phục tình trạng quá nhiệt, Kuo cũng cho biết Apple sẽ sử dụng chất liệu thép không gỉ cho vỏ pin. Theo nhà phân tích, thép không gỉ cho hiệu quả tản nhiệt kém hơn nhôm, nhưng vật liệu này lại bền, ít bị hao mòn cũng như dễ tháo lắp hơn.

Sự thay đổi cơ chế thay thế pin iPhone cũng đến từ quy định bền vững của Liên minh châu Âu (EU). Vào năm 2024, Ủy ban châu Âu yêu cầu những công ty sản xuất phải chịu trách nhiệm hơn với rác thải điện tử.

- Quân đội Indonesia muốn sớm tuyển dụng các binh sĩ an ninh mạng

Trong bối cảnh Indonesia đối mặt với ngày càng nhiều nguy cơ trên không gian mạng, quân đội nước này (TNI) đang lên kế hoạch tuyển dụng các binh sĩ chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng.

Người đứng đầu trung tâm thông tin của TNI, tướng Nugraha Gumilar, cho biết việc tuyển dụng binh sĩ an ninh mạng đang trong giai đoạn lập kế hoạch và sẽ triển khai trong tương lai gần. Kế hoạch được Tư lệnh TNI, tướng Agus Subiyanto chỉ đạo thực hiện sau vụ việc dữ liệu của Cơ quan Tình báo Chiến lược thuộc TNI được xem là đã bị tin tặc xâm nhập, rao bán vào cuối tháng 6/2024.

Theo tướng Nugraha, TNI tiếp tục cải thiện năng lực mạng và có chương trình đào tạo công nghệ thông tin, an ninh mạng riêng cho binh sĩ muốn phát triển chuyên môn trong lĩnh vực mạng. Hiện TNI có chương trình nghiên cứu khoa học về an ninh mạng tại Trường Bách khoa Kỹ thuật quân sự. Khóa học đầu tiên của chương trình này sẽ kết thúc vào niên học 2025 – 2026 với quân số mỗi lớp học khoảng 20 người. Số học viên tốt nghiệp sẽ được TNI tuyển dụng vào lĩnh vực mạng.

- Thách thức khi công nghệ AI ngày càng tiêu tốn nhiều năng lượng

Công nghệ AI tiêu thụ nhiều năng lượng trên toàn cầu và khiến lượng carbon phát thải nhiều hơn. Điều này đặt ra thách thức về việc thực hiện cam kết bền vững của các công ty công nghệ.

Theo Tạp chí The Conversation, kể từ khi ChatGPT được công bố vào tháng 11/2022, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng đáng kinh ngạc về đầu tư, phát triển và ứng dụng AI. Theo một ước tính gần đây, năng lượng tiêu thụ cho sức mạnh tính toán được sử dụng trong AI đang tăng gấp đôi cứ mỗi 100 ngày trôi qua.

Tác động kinh tế và xã hội của sự bùng nổ AI đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải hành động. Các cơ quan quản lý châu Âu gần đây đã hối thúc Meta (công ty sở hữu Facebook) tạm dừng kế hoạch đào tạo các mô hình AI trên dữ liệu Facebook và Instagram của người dùng. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) - cơ quan điều phối các ngân hàng trung ương trên thế giới - đã cảnh báo về việc ứng dụng AI có thể thay đổi “cách thức vận hành” của lạm phát.

anh-1-anh-thumb.png

- Mỹ: Đề xuất dự luật bảo vệ tác phẩm của nhà báo và nghệ sĩ trước làn sóng AI

Các nghị sĩ Mỹ đã đề xuất dự luật mới nhằm kiềm chế sự gia tăng và sử dụng nội dung do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra và các nội dung giả mạo sâu (deepfake) nhằm bảo vệ tác phẩm của các nghệ sĩ, nhạc sĩ và nhà báo.

Dự luật có tên "Đạo luật Bảo vệ và Toàn vẹn nội dung nguyên bản từ nội dung đã chỉnh sửa và giả mạo sâu" (viết tắt là COPIED) đã được trình lên Thượng viện Mỹ trong ngày 13-7 (giờ Việt Nam).

Theo Engadget, dự luật là một nỗ lực lưỡng đảng được ủy quyền bởi Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn, Thượng nghị sĩ Maria Cantwell và Thượng nghị sĩ Martin Heinrich.

Dự luật COPIED, nếu được ban hành, sẽ mở đường cho Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ (NIST) soạn thảo bộ tiêu chuẩn minh bạch, qua đó thiết lập các hướng dẫn nhận biết "thông tin xuất xứ nội dung, dấu watermark, nội dung tổng hợp".

COPIED cũng cấm sử dụng trái phép nội dung sáng tạo hoặc nội dung báo chí để đào tạo các mô hình AI hoặc tạo ra nội dung AI.

- Metfone tiên phong phổ cập hạ tầng số, biểu tượng hợp tác Việt Nam-Campuchia

Sau 15 năm kinh doanh, Metfone - thương hiệu Viettel ở Campuchia - đưa sóng di động và Internet đến tất cả các tỉnh thành và đưa Campuchia thành nước có vùng phủ sóng 4G thuộc loại tốt trong khu vực.

Chiều 13/7, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại Metfone - thương hiệu Viettel tại Campuchia - trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia.

Metfone tiên phong về hạ tầng số, chuyển đổi số, đồng thời là doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất cho Chính phủ Hoàng gia Campuchia.

Báo cáo với Chủ tịch nước về tình hình hoạt động của công ty, Tổng Giám đốc Metfone Cao Mạnh Đức cho biết Viettel đầu tư vào Campuchia từ năm 2006 với thương hiệu Metfone.

Sau 15 năm kinh doanh, Metfone đưa sóng di động và Internet đến tất cả các tỉnh thành và đưa Campuchia thành nước có vùng phủ sóng 4G thuộc loại tốt trong khu vực.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin Công nghệ 15/7: Apple sẽ trang bị công nghệ sạc nhanh cho iPhone 16 Pro?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO