- iPhone 14 dễ sửa chữa hơn thế hệ trước
Hai mẫu iPhone 14 và 14 Plus có thiết kế bên trong hoàn toàn khác so với trước, giúp giảm một nửa chi phí sửa chữa.
Nhìn từ bên ngoài, hai mẫu iPhone 14 bản thường không thay đổi so với thế hệ cũ, nhưng cấu trúc bên trong đã được điều chỉnh. Richard Dinh, Giám đốc cấp cao về thiết kế iPhone của Apple, cho biết cấu trúc mới giúp máy dễ sửa chữa hơn, đồng thời tăng khả năng tản nhiệt.
Apple sử dụng khung sườn để bố trí bảng mạch cùng các linh kiện khác, tách biệt với mặt lưng kính và màn hình. Điều này giúp việc tháo máy có thể thực hiện từ cả phía trước và sau. Nhờ đó, việc sửa chữa linh hoạt hơn, chi phí hạ từ 579 USD xuống còn 275 USD cho thay màn hình.
Ngoài ra, thiết kế giúp loại bỏ tấm tản nhiệt bằng đồng cùng một số linh kiện khác, nên iPhone 14 giảm 40 gram so với iPhone 13. Trước đây, Apple cũng từng áp dụng kiểu mở hai mặt kính trước và sau trên iPhone 4 và 4S. Thay đổi này không được triển khai cho hai phiên bản cao cấp 14 Pro và 14 Pro Max.
Chuyên gia Kyle Wiens của iFixit đánh giá iPhone 14 cho thấy sự thay đổi đáng kể trong thiết kế kể từ iPhone X và Apple nên quảng bá nhiều hơn. Trong khi đó, Richard Dinh cho biết hãng không có bất kỳ công thức nghiêm ngặt nào mà luôn bắt đầu từ trải nghiệm người dùng, hoặc từ phản hồi của các chuyên gia công nghệ.
- Điện thoại Trung Quốc âm thầm theo dõi người dùng
Nghiên cứu chỉ ra các smartphone từ Trung Quốc thường chứa rất nhiều phần mềm theo dõi, thu thập và rò rỉ trái phép thông tin người dùng.
Nhiều chuyên gia cho rằng người dùng nên cân nhắc kỹ lưỡng khi mua smartphone Trung Quốc vì tiềm ẩn nguy cơ bị theo dõi.
Mới đây, một nghiên cứu của Đại học Edinburgh và Trinity College Dublin đã chỉ ra những dòng điện thoại này thường thu thập trái phép thông tin danh tính của người dùng. Điều đáng sợ hơn cả là những spyware (phần mềm gián điệp) này đã được cài đặt mặc định khi người dùng mua điện thoại Trung Quốc.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã phân tích sâu các phiên bản Android 11 tùy biến chạy trên các flagship Xiaomi Redmi Note 11, Oppo Realme Q3 Pro và Oneplus 9R. Đây là 3 thương hiệu nổi bật nhất ở quốc gia tỷ dân.
Với những app đã cài đặt sẵn, đội nghiên cứu đã phân tích máy chủ mà các smartphone này kết nối. Kết quả cho thấy bảo mật người dùng không được bảo vệ đúng mức trên những thiết bị Trung Quốc này.
Theo nghiên cứu, nhiều dữ liệu cá nhân (personally identifiable information - PII) của người dùng đã bị gửi đến các nhà bán lẻ cũng như nhà mạng Trung Quốc như China Mobile mặc dù người dùng không hề sử dụng dịch vụ của các nhà mạng này.
PII bao gồm mã định danh liên tục (PID), địa điểm, hồ sơ người dùng và thông tin liên hệ của những người xung quanh. Cụ thể, những dữ liệu bị rò rỉ trái phép bao gồm thông tin hệ thống, các app đã cài đặt, vị trí GPS, tin nhắn, lịch sử cuộc gọi…
Các nhà nghiên cứu chỉ ra khi những thông tin này bị tiết lộ, người dùng sẽ không thể nào ẩn danh tính trên thế giới ảo và dễ dàng bị theo đuôi trong đời thực ngay cả khi thiết bị không nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.
- Tin tặc Nga đang cố đột nhập vào ChatGPT
Đây là một trong số hàng loạt những nỗ lực không ngừng nhằm lợi dụng khả năng của chatbot ChatGPT từ khắp nơi trên toàn thế giới. Những nỗ lực này có thể dẫn đến các cuộc tấn công lừa đảo nhắm mục tiêu cao.
Theo công ty an ninh mạng Check Point Software Technologies, hàng loạt tin tặc trên khắp thế giới đang tạo ra các cuộc tấn công, xâm phạm chương trình ChatGPT của OpenAI.
Pete Nicoletti, Giám đốc an ninh thông tin hiện trường của Check Point, cho biết: “Tại Check Point Research, chúng tôi có thể thấy người Nga đang cố gắng vượt qua các rào cản về khu vực địa lý được đặt ra xung quanh ChatGPT”.
"Rào cản" mà Nicoletti đề cập chính là khả năng giới hạn quyền truy cập vào giao diện lập trình ứng dụng (API) của ChatGPT, công cụ giúp chặn các truy vấn từ Nga hiện nay.
Check Point Research là một cơ sở phát hiện mối đe dọa giúp theo dõi các dạng phần mềm độc hại mới. Nicoletti cho biết việc tin tặc Nga tấn công chỉ là một trong số các bên đang cố gắng giành quyền truy cập vào công nghệ này.