Điểm tin công nghệ 10/2: iPhone 14 tại Việt Nam tiếp tục lỗi màn hình

Việt Báo (Tổng hợp)| 10/02/2023 06:00

iPhone 14 tại Việt Nam tiếp tục lỗi màn hình; Điện thoại Trung Quốc bị tố chuyển dữ liệu cá nhân trái phép

- iPhone 14 tại Việt Nam tiếp tục lỗi màn hình

Nhiều mẫu iPhone 14 Pro/Pro Max tại Việt Nam đang gặp phải tình trạng lỗi sọc ngang màn hình hoặc trắng màn.

Đại diện một hệ thống bảo hành ủy quyền của Apple (AASP) tại Việt Nam tiết lộ những ngày gần đây hệ thống liên tục tiếp nhận các mẫu iPhone 14 Pro/Pro Max bị lỗi màn hình. Cụ thể, các mẫu máy này thường gặp phải tình trạng bị sọc màn hình hoặc trắng màn hình.

Theo đó, với những máy không thể khắc phục lỗi bằng cách khởi động lại sẽ được hệ thống chấp nhận bảo hành theo quy định của Apple.

Trước đó, vào đầu tháng 1, đại diện một AASP đã xác nhận trung tâm ghi nhận nhiều trường hợp iPhone 14 Pro Max bị lỗi sọc màn hình.

Apple đã siết chặt chính sách bảo hành tại Việt Nam từ 2021. Vì vậy, tất cả các mẫu iPhone bán ra tại Việt Nam cần phải có hóa đơn mới được bảo hành.

- 4 tuyến cáp quang gặp sự cố, kết nối Việt Nam với Internet toàn cầu chỉ còn một

4 trên 5 tuyến cáp quang biển Việt Nam đang khai thác gặp sự cố, kết nối giữa Việt Nam và mạng Internet toàn cầu chỉ còn dựa vào mỗi tuyến SMW3.

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ở Việt Nam đang khai thác 5 tuyến cáp quang biển gồm SMW3, AAG, IA, APG và AAE-1, nhưng từ cuối năm 2022 và đầu năm nay, ngoại trừ SMW3, các tuyến cáp còn lại đều gặp sự cố.

Như vậy đến nay SMW3 là tuyến cáp quang duy nhất lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế còn hoạt động. Đây lại là tuyến cáp cũ, đã hoạt động từ năm 1999, dung lượng thấp chuẩn bị ngừng khai thác.

Về thời gian sửa chữa các tuyến cáp quang biển gặp sự cố, ngày 7/2, Hệ thống NOC (Ban quản trị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế) thông báo kế hoạch sửa chữa 3 cáp quang biển APG (Asia Pacific Gateway), AAG (Asia, America Gateway) và IA (Intra Asia, còn gọi là Liên Á) phải đến giữa tháng 3 và đầu tháng 4 mới hoàn thành.

- Google bốc hơi 100 tỉ USD sau khi chatbot Bard trả lời sai ngay trong bài ra mắt

Mới đây, chatbot Bard của Google đã trả lời sai câu hỏi của CEO ngay trong bài đăng giới thiệu. Điều này đã khiến Alphabet bốc hơi ngay 100 tỉ USD vốn hóa thị trường.

Alphabet Inc đã "bốc hơi" 100 tỉ USD giá trị thị trường vào hôm 8/2 sau khi chatbot mới của họ có tên là Bard chia sẻ thông tin không chính xác ngay trong một video giới thiệu. Điều này làm nhiều nhà đầu tư nhận ra rằng Google đang thất thế trước Microsoft Corp trong cuộc đua AI.

Cổ phiếu của Alphabet đã giảm tới 9% với khối lượng gần gấp ba lần mức trung bình suốt 50 ngày qua. Được biết, gã khổng lồ tìm kiếm cũng đã mất tới 40% giá trị vào năm ngoái và hồi phục lại 15% từ đầu năm nay, chưa tính các khoản lỗ hôm thứ Tư.

Alphabet đã đăng một đoạn video GIF ngắn về khả năng của Bard qua Twitter, hứa hẹn rằng nó sẽ giúp đơn giản hóa các chủ đề phức tạp, nhưng trên thực tế, con bot này lại đưa ra một câu trả lời không chính xác.

- Sau Google, đến lượt Alibaba nhảy vào cuộc cạnh tranh với ChatGPT

Hôm 8/2, Tập đoàn công nghệ Alibaba của Trung Quốc thông báo đang phát triển một công cụ chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) để cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI (Mỹ). Đây là động thái mới trong cuộc chạy đua của các tập đoàn công nghệ lớn nhằm tận dụng cơn sốt chatbot AI.

Trong một diễn biến khác, Alphabet, công ty mẹ Google cũng đã ra mắt chatbot AI có tên gọi Bard nhưng gây thất vọng lớn vì Bard trả lời sai trong ngày ra mắt.

Theo hãng tin CNBC, người phát ngôn của Alibaba xác nhận, Alibaba đang phát triển công nghệ tương tự ChatGPT nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể về việc ra mắt phiên bản chatbot này mà chỉ cho biết đang thử nghiệm nội bộ. Alibaba cho biết thêm là đã nghiên cứu AI từ năm 2017.

Các tập đoàn công nghệ trên toàn cầu hiện đang tìm cách tận dụng cơn sốt ChatGPT. Đây là một chatbot AI đã thu hút 100 triệu ngươi dùng nhờ khả năng trả lời nhuần nhuyễn bằng ngôn ngữ tự nhiên về nhiều chủ đề khác nhau, thậm chí viết bài luận và viết ngôn ngữ lập trình (code).

ChatGPT vận hành dựa vào AI tạo sinh, sử dụng một lượng lớn dữ liệu để nắm bắt và trả lời trong cuộc hội thoại.

- Điện thoại Trung Quốc bị tố chuyển dữ liệu cá nhân trái phép

Nghiên cứu mới đây cáo buộc các ứng dụng trên một số điện thoại Android Trung Quốc đã chuyển dữ liệu cá nhân của người dùng trái phép.

Nhà nghiên cứu của các trường đại học Anh quốc đã kiểm tra phiên bản Android trên các thiết bị Xiaomi, Realme và OnePlus. Để nhìn vào dữ liệu mà các ứng dụng cài sẵn chuyển đi, họ sử dụng kỹ thuật phân tích mã tĩnh và động rồi tính toán lưu lượng mạng phát sinh trên thiết bị.

Nghiên cứu chỉ ra, một số ứng dụng cài sẵn và ứng dụng bên thứ ba mặc định được cấp quyền thời gian chạy (runtime) nguy hiểm mà người dùng không hề hay biết. Chúng chuyển đi các dữ liệu như vị trí địa lý, hồ sơ người dùng, quan hệ xã hội (thông tin có thể định danh cá nhân) đến tên miền của nhà sản xuất và bên thứ ba. Người dùng không được thông báo, cũng như không có lựa chọn thoát khỏi hành vi này.

Các gói dữ liệu chuyển đến tên miền bên thứ ba chứa thông tin nhạy cảm như tọa độ GPS, số nhận dạng liên quan đến mạng, số điện thoại, dữ liệu sử dụng ứng dụng và lịch sử cuộc gọi. Trong khi đó, phiên bản Android trên điện thoại của các nhà sản xuất khác chủ yếu chỉ gửi đi thông tin về thiết bị. Các nhà khoa học cho rằng nó phản ánh sự khác biệt về thi hành điều khoản quyền riêng tư giữa các khu vực khác nhau.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin công nghệ 10/2: iPhone 14 tại Việt Nam tiếp tục lỗi màn hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO