Thủ khoa toàn quốc vẫn trượt
Sau khi ĐH Bách khoa Hà Nội công bố điểm chuẩn, ngành Khoa học máy tính đã giữ vị trí điểm chuẩn cao nhất toàn quốc ở tổ hợp A00 với 29,42 điểm. Nhưng 2 thủ khoa toàn quốc tổ hợp A00 năm nay đã trượt nguyện vọng 1 khi đăng ký ngành này. Điểm trúng tuyển cao hơn điểm 2 thủ khoa đạt được 0,07 điểm.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tuyển sinh tháng 3 vừa qua. Ảnh: Nghiêm Huê |
PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết 2 thủ khoa này không trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng đã trúng tuyển nguyện vọng 2, ngành Kỹ thuật máy tính của ĐH Bách khoa Hà Nội. “Sự công nhận của xã hội đối với 2 thủ khoa khối A00 là trên cơ sở tính điểm thô. Nhưng nếu tính điểm xét tuyển theo công thức của ĐH Bách khoa Hà Nội thì điểm xét tuyển của 2 thí sinh này xếp sau rất nhiều bạn. Trong đó, công thức tính điểm của ĐH này có môn Toán nhân đôi, 2 môn còn lại hệ số 1 rồi mới quy về thang điểm 30.
Trong một nhóm thí sinh điểm cao ngang ngửa nhau, rõ ràng với những thí sinh có mức điểm 9,6 môn Toán sẽ khó cạnh tranh với những thí sinh đạt 9,8 - 10 điểm. Vì điểm Toán nhân đôi nên đây là một khoảng cách rất lớn”, ông Điền nói.
Do đó, nếu áp dụng theo công thức của ĐH Bách khoa Hà Nội thì một thủ khoa được 29,24 điểm, thủ khoa còn lại đạt 29,26 điểm (hai thí sinh có điểm cộng ưu tiên khác nhau). Ông Điền thông tin thêm, thủ khoa phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của ĐH Bách khoa Hà Nội là em Đặng Quốc Vinh, cựu học sinh Trường THPT Ninh Giang (Hải Dương), với điểm tổ hợp A01 là 29,65 điểm (Toán 10, Lý 9,5, tiếng Anh 9,2); A00 là 29,47 điểm (Toán 10, Lý 9,5, Hóa 9,75). Em Vinh cũng là thí sinh có điểm thi đánh giá tư duy rất cao, 96/100 điểm.
Ngoài ngành Khoa học máy tính, các ngành công nghệ thông tin còn lại điểm chuẩn cũng từ 27,64 trở lên, cao hơn rất nhiều so với những ngành ở nhóm điểm thấp của ĐH Bách khoa Hà nội.
Mối quan hệ giữa điểm chuẩn cao và cơ hội việc làm
Ghi nhận cho thấy, ngoài nhóm ngành Công nghệ thông tin, còn có nhóm ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Truyền thông - Báo chí, Sư phạm điểm chuẩn năm nay cũng thuộc tốp đầu ở các trường đào tạo. Nhưng điểm chuẩn cao chưa chắc sau khi tốt nghiệp đã có vị trí việc làm tốt, thu nhập cao.
Về điểm chuẩn năm nay, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM, nhận định, mối quan hệ giữa điểm chuẩn cao và cơ hội việc làm, thu nhập sau tốt nghiệp là một hàm đa biến. Ông Lý phân tích, đầu tiên là nhóm ngành Sư phạm. Mấy năm trở lại đây, điểm chuẩn nhóm ngành này thuộc tốp đầu trong tuyển sinh. Nhưng đời sống giáo viên vẫn khó khăn. Nếu không tâm, huyết yêu nghề, yêu ngành, yêu học trò và cả lương tâm trách nhiệm của nhà giáo thì họ khó lòng trụ vững.
Điểm tích cực được ông Lý khẳng định là điểm chuẩn cao chứng tỏ ngành học đó có sức hút. Ông Lý phân tích đến nhóm ngành thứ hai là Nông lâm, năm nay điểm chuẩn nhóm ngành này trải đều 3 mức: cao - trung bình - thấp. Ngành Thú y là ngành thu hút sự quan tâm nhất của thí sinh và điểm chuẩn vẫn luôn cao ngất ngưởng, có năm lên đến 27,7 (học bạ) và 26,5 (tốt nghiệp).
Lý do xuất phát từ đam mê của người học; thu nhập trong ngành này tương đối cao và cơ hội việc làm rộng mở ở các các khu vực nhà nước, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cả việc làm chủ phòng khám thú y. Nhưng bên cạnh đó, nhóm ngành lâm nghiệp - lâm sinh rất đáng bàn vì đang tạo thành một sự mất cân đối cung cầu.
“Các doanh nghiệp về lâm nghiệp luôn trăn trở thiếu trầm trọng nguồn nhân lực, tuy thu nhập không thấp. Nhắc đến ngành này, người học mặc định sẽ phải lên rừng hay xuống biển. Tuy nhiên thực tế có nhiều vị trí việc làm tại thành phố lớn như công nghệ chế biến gỗ, cây xanh đô thị”, ông Lý nói. Đồng thời cho biết, có nhiều đại gia trong lĩnh vực trồng rừng, chế biến gỗ vì lĩnh vực này xuất khẩu đứng thứ 5-6 tại Việt Nam và cần nhiều lao động, lại cho thu nhập cao. Đặc biệt, lao động trong lĩnh vực này đã có công nghệ hỗ trợ nên không vất vả như trong suy nghĩ của nhiều thí sinh và phụ huynh. Nhưng rõ ràng là sức thu hút người học chưa tương xứng với tiềm năng.
TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhìn nhận, trước đây, khi chỉ có 1 phương thức xét tuyển thì điểm chuẩn cao tương đương với cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao. Nhưng hiện nay, có tới hơn 200 tổ hợp, 20 phương thức xét tuyển, một phương thức có tới 4 tổ hợp thì điểm xét đầu vào giữa các phương thức không còn bình đẳng, tổ hợp lựa chọn bị xé nhỏ thì hoàn toàn không có gì chứng minh điểm chuẩn đó phản ánh đúng năng lực người học.
TS Trần Đình Lý nhận định, hiệu ứng đám đông đang thể hiện rõ trong chọn ngành của thí sinh. Nếu không có sự tư vấn, chuẩn bị kỹ sẽ dẫn đến tình trạng nghẽn nhân lực như với ngành Ngân hàng, Chứng khoán vừa qua. Thí sinh, phụ huynh cần cân nhắc, tìm hiểu ngành nào có tỷ trọng và giá trị tuyệt đối lâu dài, ngành nào giải quyết vấn đề trước mắt, ngắn hạn, có tâm lý đám đông.