Ngày 16.9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh số bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ đang có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê mới nhất, số ca mắc bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhiều nhất là tại 2 huyện Tuyên Hóa và Bố Trạch.
Tại huyện Bố Trạch có gần 1.000 ca, tập trung chủ yếu ở xã Liên Trạch (hơn 500 ca), xã Hưng Trạch (hơn 159 ca)….
Tại huyện Tuyên Hoá có gần 2.500 ca, tập trung nhiều ở thị trấn Đồng Lê (668 ca), xã Tiến Hóa (282 ca); đối tượng mắc chủ yếu là học sinh mầm non và tiểu học.
Trước tình hình trên, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình đã đưa ra các biện pháp như tăng cường công tác truyền thông cho người dân hiểu biết về dịch bệnh này, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh lây lan trong trường học nếu như xuất hiện các trường hợp trẻ bị đau mắt đỏ, chỉ đạo Trung tâm Mắt - Nội tiết phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tìm nguyên nhân và hỗ trợ tuyến y tế cơ sở để phòng chống bệnh đau mắt đỏ.
Theo các bác sĩ, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt, bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu là một mắt và sau lan ra mắt còn lại. Bệnh dễ lây lan trong cộng đồng và thường gây thành dịch. Để chủ động phòng dịch bệnh đau mắt đỏ, chúng ta cần thực hiện đúng các khuyến cáo của ngành Y tế.
* Ngày 16.9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trong trường học.
Từ đầu tháng 9.2023 đến nay, bệnh đau mắt đỏ đang lây lan nhanh tại nhiều địa phương của tỉnh Khánh Hòa như thành phố Nha Trang, các huyện Cam Lâm, Diên Khánh… Chưa hết, số bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa mắt trên địa bàn tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang, tháng 8.2023, bệnh viện ghi nhận 1.472 ca mắc, trong đó, trẻ dưới 15 tuổi chiếm 411 ca. Từ ngày 1-10.9, bệnh viện tiếp nhận 825 ca, trong đó, có 456 trẻ dưới 15 tuổi, chiếm 55%.
Riêng tại Phòng khám mắt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, mỗi ngày trung bình tiếp nhận từ 120-140 bệnh nhân đến khám, trong đó có 10% là bệnh nhân bị đau mắt đỏ và con số ngày càng tăng lên. So với năm trước, tình hình bệnh nhân đau mắt đỏ năm nay tăng nhanh.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo, thời gian ủ bệnh đau mắt đỏ từ 5-10 ngày, sau đó sẽ khởi phát bệnh.Trong quá trình khởi phát, bệnh nặng dần lên sau 5-7 ngày rồi giảm dần, sẽ kết thúc sau 10-12 ngày. Trong trường hợp như cộm, đau nhức mắt, nhìn mờ, cảm giác có dị vật trong mắt… bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Đặc biệt, không tự ý sử dụng đơn thuốc của một bệnh nhân khác để điều trị cho bản thân.