Theo thông tin trên mạng, hơn 10 năm qua, tại Tây Ninh có một phiên chợ lấy lá thay tiền. Mỗi năm chợ chỉ mở một lần vào Tết Nguyên tiêu. Giữa thời buổi kinh tế thị trường, chuyện phiên chợ lấy lá thay tiền nghe có vẻ hoang đường. Chuyện lại xảy ra ở tỉnh Tây Ninh có núi Bà Đen linh thiêng huyền bí nên càng tăng sắc màu hư thực.
Trí tò mò bị thách thức, cha con tôi quyết định đi tìm chợ lá…
Chợ lưu động làm sao tìm?
Con gái tôi bận đi làm, chỉ xin nghỉ được sáng ngày 15.1 âm lịch nên mãi 11 giờ đêm 14.1 chúng tôi mới đến thị xã Hòa Thành và may mắn được tham dự Lễ Đại đàn Thượng ngươn ở Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh. Không gian thật hoành tráng với hàng trăm chức sắc phẩm phục ba màu xanh, vàng, đỏ cùng trên dưới 1.000 đạo hữu đồng phục trắng nghiêm cẩn thực hành đại lễ trong tiếng đại hồng chung vang vọng, ngân nga.
Dù rất đông người nhưng tất cả diễn ra trong trật tự, im lặng. Đã quá nửa đêm nhưng vẫn còn từng nhóm đạo hữu đổ dồn về dự lễ. Phải chăng niềm tin về nhân quả, phước đức của người dân địa phương, vốn đa số là đạo hữu Cao Đài, đã là nguồn lực tinh thần để nuôi dưỡng, duy trì, phát triển những phiên chợ lá suốt hơn 10 năm qua?
Chỉ đường mỗi người một phách
Điều oái oăm là thông tin trên mạng về vị trí ngôi chợ rất mơ hồ, không cố định mà thay đổi từng năm trong địa bàn thị xã Hòa Thành. Về đến khách sạn, làm thủ tục xong, tôi chưa kịp hỏi thì một du khách khác đã hỏi nhân viên tiếp tân về điều quan trọng đó. Cậu ta trả lời không tự tin lắm: “Cháu nghe nói chợ mở vào 3 giờ chiều mai tại Điện thờ Thánh Mẫu”. Cha con tôi bị choáng vì chúng tôi không thể chờ đến buổi chiều.
Năm giờ sáng chúng tôi xuống đường dò hỏi thông tin, bác bán vé số dạo cho biết hai ngày qua chợ họp ở đường Nguyễn Quốc Gia, hôm nay họp sáng ở Trí Huệ Cung. Le lói hy vọng, chúng tôi kiểm chứng thêm thông tin ở một cây xăng thì được biết chợ họp sáng ở Thánh Thất Long Hải. Tá hỏa, chúng tôi quay về khu vực Tòa Thánh, một bác xe ôm chỉ vẽ tận tình đến cây số 8 chợ Long Hoa. Lòng đầy bối rối, chúng tôi đi vào khuôn viên nội ô Tòa Thánh hỏi thăm một vị đạo hữu đang làm công quả thì lại được chỉ dẫn đến Thánh Thất Long Hải!
Chúng tôi quyết định đi theo hướng có được hai nguồn tin xác định này. Trên đường đi thấy một quán cà phê sung túc, đông người, chúng tôi ghé vào hỏi đường và được giải đáp chi tiết hơn. Thánh Thất Long Hải có chợ lá, nhưng trên đường Nguyễn Quốc Gia gần đó cũng có. Chỉ cần qua hai ngã tư đèn xanh đỏ là tới. Một bác lớn tuổi còn cầm điện thoại chỉ đường bằng Google Map. Từ chỉ dẫn này, chúng tôi đến nơi lúc chợ khá đông người.
Biết nhưng vẫn bất ngờ
Không khí tươi vui của ngôi chợ lá đúng như mô tả trên mạng và còn thân thiện bất ngờ hơn nữa. Khách đi chợ không cần mang theo lá bởi ngay đầu chợ, một nhóm thanh niên vừa giữ trật tự hướng dẫn khách đậu xe vừa cấp ngay “tín dụng” là một nắm lá cho khách tha hồ mua hàng. Ngân hàng độc đáo này không cần két sắt mà chỉ có một thùng carton chứa lá. Thủ tục cực kỳ đơn giản, không cần khai báo điều gì ngoài nụ cười.
Với lá trong tay khách có thể mua hàng thỏa thích, mỗi chiếc lá là một phần hàng. Những quầy sạp hàng dọc theo hai bên đường Nguyễn Quốc Gia thật đa dạng các mặt hàng và đa dạng cả cách bày hàng.
Hầu hết là hàng thực phẩm từ bánh kẹo, nước uống đóng chai đến các loại rau quả, bầu bí, mướp, khoai lang, khoai mì. Nhiều nhất là những món chay ăn liền như cháo, bánh mì kẹp chả, bánh hỏi, bánh tiêu, bánh ướt, mì xào, hủ tíu xào… Cũng có những món dân gian được chế biến công phu như bánh ít, bánh ú, bánh lá gai, cà na ngâm muối...
“Hàng quán, sạp” của chợ cũng rất phong phú, có những sạp gỗ thông chuyên nghiệp, có những cái bàn bốn chân đơn giản, những sạp gỗ… Vui nhất là các đôi thúng gánh bằng tre. Chính những đôi thúng gánh này tạo ra không khí chợ vừa tân thời vừa cổ kính; nửa thành, nửa quê rất dễ thương.
Đặc biệt là cả người mua và người bán đều ăn mặc thật đẹp, thật trang trọng. Nhiều phụ nữ mặc áo dài vấn khăn theo kiểu Bắc, nhiều nam giới mặc áo dài khăn đóng long trọng như đang dự hội làng, dự lễ cưới hỏi truyền thống, dù đang đứng bán bánh hỏi, khoai mì hay bầu bí.
Đầu chợ, tôi gặp một nhóm 5 phụ nữ trung niên cùng mặc áo bà ba vàng, quần đen, che nón lá. Ở giữa chợ một phụ nữ diện áo dài cam đang hồn nhiên thưởng thức dưa hấu. Bất ngờ tôi gặp đồng hương là các cựu học sinh trung học Tân An đánh xe hàng trăm cây số lên đây mua hàng chợ lá, họ cũng mặc những bộ đồ rất đẹp.
Chợ lá chất lượng vàng
Chợ đông người mua, dãy hàng bán lại bố trí san sát nhau nhưng hoàn toàn không có cảnh chen lấn, không có tiếng gây cãi mà chỉ có những nụ cười vui vẻ. Bán hàng chỉ lấy lá nhưng người bán cũng sôi nổi rao hàng. Đặc biệt, đầu chợ đã có ngân hàng phát tiền, cuối chợ lại có sẵn một thùng ATM “tái cấp vốn” cho khách đi chợ hết lá. Lá của cây ATM là lá bán hàng được gom về quay vòng tái sử dụng. Nhờ vậy, hoạt động của chợ gọn gàng không ảnh hưởng đến cây trái chung quanh.
Chụp được một số hình ảnh, tôi cũng thử mua một lá cà phê sữa nhấm nháp, hóa ra cà phê rất ngon. Con tôi là tín đồ cà phê Ban Mê Thuột pha tại nhà, cũng phải tấm tắc khen!
Được đà tôi mua thêm đĩa bánh hỏi và thật bất ngờ, đó là thứ bánh hỏi ngon nhất từ trước đến giờ tôi được ăn. Chỉ là bánh hỏi, vài lát chả chiên và nước dùng nhưng ngon kỳ lạ từ bột đến nước chan. Khoai mì chợ lá không nấu nước dừa như khoai mì khu du lịch địa đạo Củ Chi nhưng cũng đặc biệt ngon. Người bán đã chăm chút cho món hàng chợ lá không chỉ về thẩm mỹ mà còn về khẩu vị.
Vui là chính
Rõ ràng đây không phải người bán phát tâm từ thiện bố thí cho người nghèo để hưởng phước theo cách hiểu thông thường. Người mua có khi khệ nệ mang hàng về nhưng đa số hớn hở ăn tại chỗ và hầu hết đều cầm điện thoại, máy ảnh trên tay để “seo phì” hay chụp lẫn nhau. Phải chăng điểm giao thoa của người mua, kẻ bán ở đây là những giây phút thăng hoa của niềm vui thoát khỏi áp lực của đồng tiền? Người ta sống, giao tiếp với nhau trong sự thân thiện hồn nhiên giữa người và người. Hầu hết những người tôi hỏi đều trả lời đã tham gia chợ rất nhiều lần. Đã đi một lần thì phải đi nữa và sẽ còn đi nữa.
Về nguồn gốc chợ, nhiều người cho rằng bắt nguồn từ ý tưởng của bác sĩ Bùi Quốc Thái, một lương y nổi tiếng muốn tổ chức tiệc buffet chay để đền ơn cộng sự, được nhiều người hưởng ứng và phát triển thành phiên chợ lá hàng năm. Thế nhưng tôi nghĩ đằng sau đó là suối nguồn những tấm lòng thân thiện của cư dân bản địa tiếp sức và nhân lên.
Hàng năm chợ chỉ có một phiên ở một chỗ nhưng năm nay có ba chợ lá ở ba điểm khác nhau. Đây chỉ là tình cờ hay là dấu mốc bước phát triển của chợ lá Tây Ninh? Thời gian sẽ trả lời. Nhưng dù sao thì chợ lá vẫn là một nét son về tình người độc đáo có một không hai…