Đề xuất này được Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, nêu ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (Ban Chỉ đạo), ngày 3/1.
Nhấn mạnh nguy cơ mất an toàn thực phẩm đang diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc kiến nghị phải khắc phục tình trạng phân công trách nhiệm chưa rõ ràng trong quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, nhất là cấp xã, phường.
Ngay tại thời điểm bắt đầu các lễ hội lớn, ông Ngọc cho rằng cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, ông đề xuất xây dựng ngay cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, làm cơ sở để xử lý hình sự đối với các trường hợp tái phạm…
Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng kiến nghị cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng bản đồ về an toàn thực phẩm liên thông trên toàn quốc, có sự tham gia, phản ánh trực tiếp của người dân kết hợp với cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, một số thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phải chú trọng nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm, nhất là việc nhận biết, ứng xử đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Đưa ra đánh giá chung, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định tình hình an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, đáng báo động. Nhiều hình thức sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, quảng cáo thực phẩm mới xuất hiện đa dạng, đặt ra yêu cầu mới đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm của các bộ, ngành, địa phương.
"Công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được tiếp cận liên ngành, từ sớm từ xa, trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh", theo lời Phó Thủ tướng.
Phó Thủ tướng chỉ đạo bám sát thực tế để cập nhật phương pháp, mô hình quản lý an toàn thực phẩm hiện đại, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Cùng với đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, đi đôi với tăng cường bảo đảm điều kiện, nguồn lực thực thi.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cho rằng cần có hình thức để người dân tham gia giám sát, đánh giá mức độ tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh. Từ đó, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả.
Theo tinh thần chung, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi trong việc tiếp nhận thông tin phản ánh từ sự giám sát của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội và người dân đối với việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm.
Theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan cần nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm toàn quốc, liên thông với các bộ ngành, liên địa phương;…
Năm 2023, toàn ngành y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34.500 cơ sở vi phạm, trong đó, hơn 12.000 cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỷ đồng.
Lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn 7.100 vụ với hơn 7.000 đối tượng vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 31 tỷ đồng…
Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm cũng được triển khai quyết liệt và đồng bộ. Toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, đáng chú ý đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum (độc tố rất hiếm gặp).