Đề xuất người mua nhà ở xã hội tự chịu trách nhiệm với lời khai ‘chưa có nhà ở’

16/11/2023 13:35

Những bất cập về thủ tục xác nhận thực trạng nhà ở và cách xác định thành viên hộ gia đình đang gây khó khăn cho cả người mua nhà ở xã hội lẫn chính quyền địa phương.

'Đùn đẩy' khi xác nhận thực trạng nhà ở 

UBND TP.HCM vừa báo cáo Bộ Xây dựng những vướng mắc liên quan đến thủ tục xác nhận thực trạng nhà ở và cách xác định thành viên hộ gia đình đối với hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội (NƠXH).

Thời gian qua, UBND TP.HCM cho biết đã nhận được nhiều kiến nghị, phản ánh của các chủ đầu tư lẫn người thuê, mua, thuê mua NƠXH về thủ tục xác nhận thực trạng nhà ở.

thuthiemgroup.png
Một dự án nhà ở xã hội tại TP.Thủ Đức đang xây dựng. (Ảnh: Q.H )

Cụ thể, khi người dân làm hồ sơ đăng ký mua NƠXH, UBND xã/phường nơi đăng ký thường trú/tạm trú từ 1 năm trở lên sẽ thực hiện xác nhận “thực trạng nhà ở” và “chưa được hỗ trợ nhà ở, đất ở” cho đương đơn.

Theo Thông tư số 09/2021 của Bộ Xây dựng, để được xác nhận thực trạng nhà ở, đương đơn phải thuộc 1 trong 7 trường hợp theo quy định. Trong đó, hầu hết đương đơn đều khai “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình”.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp UBND xã/phường không xác nhận theo mẫu vì cho rằng địa phương chỉ xác nhận đương sự có sở hữu nhà hay không tại nơi thường trú/tạm trú hoặc có trường hợp chỉ xác nhận chữ ký hoặc chỉ xác nhận đương sự tự cam kết và tự chịu trách nhiệm.

Theo UBND TP.HCM, xác nhận trên của UBND xã/phường không đúng theo quy định của Thông tư số 09/2021 của Bộ Xây dựng. Nhưng nếu yêu cầu phải xác nhận đúng theo mẫu sẽ gây khó khăn cho UBND xã/phường và ách tắc trong việc giải quyết hồ sơ xét duyệt đối tượng được hưởng chính sách NƠXH.

Từ những vướng mắc trên, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn việc xác nhận thực trạng nhà ở hoặc chấp nhận xác nhận của UBND xã/phường theo hướng đương sự tự chịu trách nhiệm về các thông tin cung cấp, trường hợp khai không đúng sự thật thì sẽ bị thu hồi nhà ở.

Quy định ‘hộ gia đình’ làm hạn chế khả năng tiếp cận nhà xã hội

Một bất cập khác đó là hướng dẫn “xác định thành viên của hộ gia đình” để xét duyệt đối tượng được hưởng chính sách NƠXH.

Theo Nghị định số 104/2022 của Chính phủ, “hộ gia đình, cá nhân là người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú”.

UBND TP.HCM cho rằng thực tế hộ gia đình có thể gồm nhiều gia đình nhỏ hoặc trong hộ gia đình chỉ có vợ, chồng và con đăng ký thường trú hoặc người ở nhờ cũng đăng ký cư trú.

Do đó, việc quy định “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình” sẽ dẫn đến việc hộ gia đình có nhiều người, nhiều thế hệ cùng đăng ký thường trú khó được hưởng chính sách về NƠXH.

Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn theo hướng xác định hộ gia đình, chỉ bao gồm cha, mẹ và con chưa thành niên, để tạo điều kiện cho các trường hợp có khó khăn về chỗ ở được hưởng chính sách NƠXH.

Vào tháng 5/2023, UBND TP.HCM đã có văn bản đề xuất Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn, trong đó có vấn đề này.

Cuối tháng 6/2023, Bộ Xây dựng có văn bản trả lời nhưng lại không phúc đáp nội dung “hướng dẫn xác định thành viên của hộ gia đình để xét đối tượng được hưởng chính sách NƠXH”.

Liên quan đến các kiến nghị trên, cuối tháng 10/2023, VietNamNetđã có bài viết “Nhận nhà ở xã hội 2 năm vẫn chưa xong thủ tục xác nhận thực trạng nhà ở”. Nội dung phản ánh một số trường hợp mua NƠXH tại TP.HCM mất nhiều năm vẫn chưa hoàn thành thủ tục xác nhận thực trạng nhà ở.

Ngoài ra, quy định “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình” làm mất đi cơ hội tiếp cận NƠXH khi có trường hợp người thân trong gia đình đã mua NƠXH thì những người khác không được thụ hưởng chính sách nhà ở này.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất người mua nhà ở xã hội tự chịu trách nhiệm với lời khai ‘chưa có nhà ở’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO