Sáng 21/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm, làm việc tại tỉnh Prahova - một trung tâm công nghiệp, dầu khí, du lịch và văn hóa quan trọng hàng đầu của Romania.
Đây cũng là nơi có nhà máy lọc dầu đầu tiên của Romania, cùng trường Đại học Dầu khí Ploiesti có truyền thống hợp tác với Việt Nam, đóng góp quan trọng vào hợp tác dầu khí giữa hai nước.
Giai đoạn từ 1955-1985, có khoảng 253 kỹ sư Việt Nam đã tốt nghiệp từ Học viện Dầu khí và Địa chất Bucarest và Đại học Dầu khí Ploiesti. Việc hợp tác đào tạo kỹ sư dầu khí giữa hai nước được khôi phục từ năm 2002 và tới năm 2015, đã có trên 70 kỹ sư dầu khí của Việt Nam tốt nghiệp Đại học Dầu khí Ploiesti.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania Radu Stefan Oprea, Việt Nam phát triển "thần kỳ" với mức tăng trưởng nhanh trong những năm qua. Việt Nam cũng ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và tận dụng tốt cơ hội để phát triển kinh tế.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Prahova Aurelian Gogulescu cũng dự báo Việt Nam sẽ là "con hổ" tiếp theo của châu Á.
Bộ trưởng Kinh tế Romania kêu gọi doanh nghiệp Romania và tỉnh Prahova nắm bắt cơ hội hợp tác, đầu tư với Việt Nam. Ông khẳng định nước này có thể là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu 500 triệu dân.
Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ ấn tượng với sự phát triển của tỉnh, đặc biệt trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, quản lý dịch vụ công và bảo đảm an sinh xã hội.
Ông nhận định hợp tác địa phương còn tiềm năng lớn và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia. Nhân dịp chuyến thăm này, một số địa phương của hai nước cũng dự kiến sẽ ký biên bản ghi nhớ hợp tác.
Thủ tướng cho biết phía Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với Romania nói chung và tỉnh Prahova nói riêng, làm mới những động lực hợp tác cũ và thúc đẩy những động lực hợp tác mới, nhất là trong những lĩnh vực mới nổi, là xu thế lớn của thế giới và hai bên đều có mục tiêu phát triển như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
"Việt Nam diện tích khoảng 330.000km2, dân số khoảng 100 triệu dân, trong khi Romania có diện tích khoảng 237.000km2 với khoảng 23 triệu dân, nên hợp tác lao động hoàn toàn có thể là một động lực hợp tác mới", Thủ tướng gợi mở.
Cho biết tới đây Việt Nam sẽ mở rộng một số nhà máy lọc dầu như Nghi Sơn, Dung Quất, Thủ tướng nhận định đây là cơ hội lớn nên đề nghị đẩy mạnh hợp tác về đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực giữa Việt Nam, Romania.
Chia sẻ thêm trở ngại lớn nhất cho hợp tác giữa hai bên là khoảng cách địa lý, nhưng khó khăn, thách thức này có thể được tháo gỡ, hóa giải thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, theo lời Thủ tướng.
Ông cho biết trong chuyến thăm lần này sẽ hội đàm, gặp gỡ với các nhà lãnh đạo cao nhất của Romania, xác định những phương hướng, giải pháp thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian tới trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, địa phương tích cực hợp tác, đầu tư, chia sẻ, học hỏi để góp phần hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu của lãnh đạo hai nước.
"Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích trao đổi, liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương hai bên thông qua những dự án cụ thể", Thủ tướng cam kết.
Hoài Thu (Từ Prahova, Romania)