Để lạm thu không ‘đến hẹn lại lên’

23/08/2023 09:30

Chuẩn bị năm học mới, các bậc phụ huynh thường nhận được danh sách dài các khoản đóng góp, trong đó, đa phần là chính đáng, nhưng cũng có một số khoản “trời ơi”.

Chú thích ảnh
Các cô giáo Trường mầm non Thúy Sơn, huyện miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa chuẩn bị đồ dùng dạy học và trang thiết bị chuẩn bị đón khai giảng. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Ngày 9/8 vừa qua, một phụ huynh có con học lớp 1 trường tiểu học Hữu Hoà (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đăng lên mạng xã hội nội dung phản ánh việc giáo viên chủ nhiệm lớp yêu cầu cha mẹ học sinh đóng góp lắp điều hoà và máy chiếu phục vụ việc học tập cho các con.

Kết quả xác minh trực tiếp với phụ huynh sau đó cho thấy nhà trường và giáo viên chủ nhiệm lớp không nêu các vấn đề liên quan đến lắp đặt điều hòa. Việc này do một số phụ huynh lập nhóm Zalo trao đổi với nhau, không có sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm. Tới đây, câu chuyện lắng xuống với trường tiểu học Hữu Hoà, nhưng lại làm nóng vấn đề lạm thu đầu năm học.

Điểm đáng chú ý đầu tiên là tình trạng lạm thu xảy ra khi mà gần như năm nào, ngành giáo dục và chính quyền các tỉnh, thành đều ban hành văn bản quy định các khoản được phép thu; yêu cầu các cơ sở giáo dục phải tăng cường quản lý thu - chi với các hoạt động hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo; không được điều chuyển từ khoản thu này sang khoản thu khác...

Nhưng những khoản thu ngoài quy định vẫn xuất hiện và được thực hiện trong bối cảnh kinh phí nhà nước cấp về hằng năm cho nhà trường (công lập) cơ bản đã bao gồm các khoản chi cần thiết, kể cả các khoản chi không thường xuyên như mua sắm trang thiết bị dạy học; đầu tư sửa chữa nhỏ; chi cho khen thưởng giáo viên, học sinh, hội họp, văn nghệ, thể thao…

Bên cạnh đó, những khoản thu “trời ơi” như tiền lắp đặt, duy tu, sửa chữa điều hoà; sửa sang, trang trí lớp họp, thậm chí là “chăm thầy cô”… cơ bản được thực hiện trực tiếp bởi ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc do ban đại diện cha mẹ học sinh “nhờ” nhà trường thu hộ. Trong khi đó, ngay từ năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 55/2011/TT-BGĐT quy định ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Thông tư cũng quy định Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường (khoản 4, điều 10).

Điều 4 của Thông tư còn chỉ rõ ban đại diện cha mẹ học sinh “tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác”. Tuy nhiên, các khoản thu theo kiểu “tự nguyện”, mang tính chất “cào bằng” nêu trên không phải là điều tốt đẹp để giáo dục đạo đức cho học sinh. Không chỉ có vậy, nó còn ươm mầm cho các bức xúc ngầm và thêm gánh nặng cho các gia đình khó khăn.

Chú thích ảnh
Các thầy, cô giáo Trường tiểu học Quang Trung, huyện miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa dọn dẹp vệ sinh, tỉa cây để chuẩn bị đón năm học mới. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Như vậy, câu chuyện ở đây là chỉ thị có, hướng dẫn có, tuy nhiên, tình trạng lạm thu vẫn xảy ra. Hơn nữa, nó được gắn mác “tự nguyện” bởi khi họp phụ huynh, chủ trương sẽ được “chim mồi” bởi ai đó cùng tiếng nói phụ hoạ và gần như không ai dám đứng lên phản đối.

Bố mẹ nào cũng muốn con cái có điều kiện học tập tốt nhất, không muốn con mình đến trường gặp phải cái gì không thuận lợi, cho nên, dù biết khoản thu đó không đúng quy định, họ vẫn im lặng để biên bản cuộc họp được thông qua với 100% đồng ý. Và dù mỗi khi bàn tới các khoản thu ngoài quy định, giáo viên chủ nhiệm thường ra ngoài để ban đại diện cha mẹ học sinh chủ động bàn bạc với các phụ huynh, nhưng rốt cuộc, nó vẫn diễn ra trong môi trường giáo dục.

Khi phụ huynh “im lặng”, “khó nói”, để chống lạm thu, giữ gìn môi trường trong sáng trong trường học cần quyết liệt và bắt đầu từ lãnh đạo mỗi nhà trường. Nếu hiệu trưởng sát sao hơn trong giám sát, ban đại diện cha mẹ học sinh khó lòng làm sai quy định được. Nếu nhà trường để xảy ra tình trạng lạm thu, hiệu trưởng sẽ bị xử lý nghiêm như thuyên chuyển công tác, thậm chí là cách chức, liệu rằng vị lãnh đạo đó còn dám “làm ngơ”?

Ngoài ra, khi họp phụ huynh đầu năm (thường kèm theo việc bầu ban đại diện cha mẹ học sinh), nếu các trường đều phổ biến Thông tư số 55/2011/TT-BGĐT cùng chỉ đạo liên quan của chính quyền, ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ biết rõ cái gì được làm, nên làm, cái gì trái quy định và như vậy, hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ được căn chỉnh về đúng khuôn khổ.

Xã hội hóa giáo dục là cần thiết trong bối cảnh ngân sách nhà nước chi cho giáo dục còn hạn chế. Phụ huynh ai cũng muốn con em mình được học tập trong một môi trường tốt, đủ đầy cơ sở vật chất, tiện nghi và tham gia các hoạt động ngoại khóa nhiều, cho nên, luôn sẵn sàng chung tay với nhà trường.

Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần có chính kiến còn hiệu trưởng cần chịu trách nhiệm về các khoản thu trong nhà trường, kể cả các khoản thu của ban đại diện cha mẹ học sinh. Các khoản thu này ban đại diện cha mẹ học sinh tự thu nhưng phải báo cáo với ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm lớp nhằm đảm bảo đúng quy định. Có như vậy mới góp phần xây dựng môi trường giáo dục tốt đẹp cho thế hệ tương lai của đất nước.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Để lạm thu không ‘đến hẹn lại lên’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO