Để cán bộ không phải 'đem cả sinh mệnh chính trị thực thi nhiệm vụ'

Hoài Thu| 01/11/2023 18:08

Theo ĐBQH Trần Hữu Hậu, cần xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo hướng "xé rào". "Thể chế hóa việc bảo vệ cán bộ và dám nghĩ, dám làm nên có cách làm khác", theo ông Hậu.

Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 1/11, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Trần Hữu Hậu dùng quyền tranh luận để thể hiện quan điểm về cải cách thể chế, đặc biệt trong việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Để thể chế hóa việc bảo vệ cán bộ và doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, đại biểu Hậu cho rằng cần xem xét kỹ và nên có cách làm khác.

Ghi nhận việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ông Hậu nhấn mạnh tính thượng tôn pháp luật và lưu ý không thể ban hành một văn bản quy phạm pháp luật cấp nghị định để khuyến khích, bảo vệ những người thực thi pháp luật.

"Tôi từng phát biểu, chúng ta phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo hướng xé rào, để cán bộ không phải đem cả sinh mệnh chính trị của mình thực thi chức trách, nhiệm vụ", theo lời ông Hậu.

Để cán bộ không phải đem cả sinh mệnh chính trị thực thi nhiệm vụ - 1

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông nhất trí việc quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập nhằm sửa đổi, xử lý những vướng mắc tồn tại từ nhiều năm.

Việc này, theo đại biểu Hậu, sẽ tạo hành lang pháp lý cho cán bộ an tâm hơn, chủ động hơn trong thực thi công vụ; giảm bớt căn bệnh "không dám làm những việc cần phải làm do vi phạm các quy định hiện hành".

Tuy nhiên, đại biểu Hậu lưu ý, thực tiễn luôn biến động, chất lượng xây dựng pháp luật lúc này, lúc khác chưa cao nên cần tìm thêm những phương thức xây dựng pháp luật phù hợp.

Ông đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình Quốc hội thông qua một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật với chỉ một hoặc một vài nội dung cụ thể, theo quy trình, thủ tục ngắn gọn trong một kỳ họp.

"Luật phải xây dựng từ thực tiễn, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn để phát huy cao nhất các tiềm lực phát triển đất nước. Luật gây vướng mắc, tạo sức ỳ cho hệ thống công quyền mà không sửa kịp thời là có lỗi với dân, với nước", đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh.

Trước đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cũng nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Để cán bộ không phải đem cả sinh mệnh chính trị thực thi nhiệm vụ - 2

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Ảnh: Phạm Thắng).

Đặc biệt, phải khắc phục những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập; gỡ bỏ được tâm lý sợ sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và doanh nghiệp.

"Cần triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, trong đó yêu cầu phải luật hóa các quy định về vấn đề này", ông Lộc đề xuất.

Liên quan đến phản ánh hệ thống pháp luật còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, đại biểu Đỗ Đức Hiển (TPHCM) trong phần tranh luận cho biết qua rà soát hệ thống pháp luật theo yêu cầu của Quốc hội, chưa phát hiện thấy nội dung trái chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và điều ước quốc tế.

"Những nội dung được phát hiện là mâu thuẫn, chồng chéo tuy có, nhưng không nhiều, và chủ yếu do bất cập, lạc hậu với thực tiễn", ông Hiển nói và cho biết, từng nội dung được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo đều đã có hướng xử lý khá cụ thể cả về nội dung, tiến độ và cách thức thực hiện.

Để cán bộ không phải đem cả sinh mệnh chính trị thực thi nhiệm vụ - 3

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long (Ảnh: Phạm Thắng).

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho hay, Tổ công tác của Chính phủ thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101 của Quốc hội đã cố gắng, nỗ lực rất lớn, chủ động tiếp cận các nguồn thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như: báo cáo của các bộ, ngành, địa phương; tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc của Thủ tướng…

"Qua rà soát thấy hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội", ông Long cho hay số lượng các vấn đề vướng mắc, bất cập là có và đã được nêu trong báo cáo.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/de-can-bo-khong-phai-dem-ca-sinh-menh-chinh-tri-thuc-thi-nhiem-vu-20231101162956210.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/de-can-bo-khong-phai-dem-ca-sinh-menh-chinh-tri-thuc-thi-nhiem-vu-20231101162956210.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Để cán bộ không phải 'đem cả sinh mệnh chính trị thực thi nhiệm vụ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO