Ảnh minh họa |
Có một bà mẹ rất sung sướng khi huấn luyện được cho cậu con trai vào mùa hè năm lên lớp 9 biết nấu nồi canh và chiên trứng. Theo ý bà, như vậy là tốt rồi, từ từ sẽ khá hơn, tập nấu thêm vài món đơn giản nữa là ổn, khi đi công tác bà cũng đỡ lo con... không sống được.
Thế nhưng, một ngày đi làm về, bà phát hiện nước trong bồn cầu đang chảy một cách ào ạt (có vẻ như rất lâu rồi) và cậu con trai cao 1,7m lúng túng không biết cách nào cho nó ngưng chảy. Bà mẹ chợt hiểu ra một điều: bà chưa bao giờ dạy cho con ứng phó sự cố.
Trường hợp này, con có thể mở nắp bồn nước ra và chỉnh lại hệ thống truyền động trong đó. Nếu không được có thể đóng van nước trong nhà tắm, hay bất quá thì đóng van ngay đồng hồ nước. Bà mẹ giật mình vì bấy lâu nay, những tình huống tương tự xảy ra, bà (và chồng) chỉ lẳng lặng làm mà không bày hay giải thích cho cậu con trai hiểu.
Nhiều phụ huynh lo lắng và đặt vấn đề rèn luyện kỹ năng sống cho con cái. Thế nhưng, khi nói đến kỹ năng sống, nhiều người chỉ nghĩ làm sao cho con cái… sống được khi không có cha mẹ bên cạnh, còn sống như thế nào thì chưa bàn đến.
Có nhiều định nghĩa và quan niệm khác nhau khi nói về kỹ năng sống. Đơn giản nhất, đó là những phản ứng trong cuộc sống mà con người cần phải có để tạo được sự an toàn cho bản thân, rộng hơn một chút, đó là chất lượng cuộc sống. Từ đó, theo ý kiến của nhiều cha mẹ, trước tiên là rèn luyện cho con cái biết tự lập. Từ việc nấu nồi cơm cho đến việc giặt quần áo. Đừng tưởng những việc này đơn giản. Rất nhiều em học đến lớp 12 rồi mà vẫn chưa biết làm.
Trong quá trình rèn luyện tính tự lập cho con cái, cha mẹ ít chú trọng đến vấn đề tinh thần. Nói khác hơn là trang bị cho con cái những kinh nghiệm ứng phó những sự cố xảy ra trong cuộc đời. Từ đó, những cú sốc đầu đời rất dễ khiến các em hụt hẫng, nhiều khi nặng hơn dẫn đến trầm cảm, tiêu cực…
Nhiều người cho rằng, các nước tiên tiến trên thế giới người ta dạy kỹ năng sống cho trẻ khi còn rất nhỏ, trong khi đó ở Việt Nam chưa hề có trường lớp nào đào tạo. Nhưng, chính ông bà xưa đã dạy về kỹ năng sống rất thực tế qua các câu ca dao, tục ngữ như: “Lạt mềm buộc chặt”, “Chồng giận thì vợ bớt lời”, “Cây ngay chẳng sợ gì gió”, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; hay “Gần mực thì đen”, “Chọn bạn mà chơi”, “Thất bại là mẹ thành công”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, “Cười người chớ dễ cười lâu…”, “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”…
Mới thấy rằng, nếu các bà mẹ chịu khó giảng giải cho con hiểu hết ý nghĩa của những câu ca dao tục ngữ liên quan đến cuộc sống, thì chính mẹ đã dạy cho con kỹ năng sống rồi.
Kỹ năng sống có thể hiểu bao quát cả về quy tắc xử sự, hay ứng phó với những biến động khác thường của cuộc sống. Trong trận sóng thần ở Thái Lan cách đây không lâu, khi một em nhỏ thấy những hiện tượng xảy ra giống bài học về sóng thần mà em vừa học, em nhanh chóng báo cho mọi người biết có sóng thần. Lời cảnh báo của em đã cứu biết bao người.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kỹ năng sống là những kỹ năng tâm lý xã hội và giao tiếp mà mỗi cá nhân có thể có để tương tác với những người khác một cách hiệu quả và có giải pháp tích cực hoặc ứng phó với những vấn đề hay những thách thức của cuộc sống hàng ngày.
Như vậy, kỹ năng sống là tập hợp nhiều vấn đề từ thực hành đến tâm lý, giao tiếp, ứng phó tình huống. Thực tế cho thấy ngay cả những người lớn cũng chưa chắc đã có kỹ năng sống tốt, chính những tiêu cực nảy sinh trong quá trình làm việc khi gặp thất bại khiến con người buông xuôi, thậm chí dẫn đến cái chết hay tội phạm.
Đã có nhiều em vì không chịu nổi cú sốc đầu đời mà dẫn đến những kết quả xấu, và thực tế cũng đã cho như các em tìm đến cái chết, sa vào cám dỗ, không làm chủ được bản thân…
Ở mỗi nước khác nhau, khái niệm kỹ năng sống cũng được hiểu rất khác nhau. Một số nước, đào tạo kỹ năng sống chính là giáo dục cách vệ sinh, dinh dưỡng và phòng chống bệnh tật. Ở những nước khác, kỹ năng sống đào tạo tập trung vào giáo dục hành vi, an toàn trên đường phố, bảo vệ môi trường hoặc giáo dục hòa bình.
Cần nhấn mạnh thêm ý nghĩa của kỹ năng sống rất rộng, ai cũng cần phải rèn luyện. Chú ý, đã là kỹ năng thì quan trọng là rèn luyện chứ không phải học tập suông. Rèn luyện thái độ, tư tưởng, tinh thần. Biết suy xét việc nào đúng việc nào sai, biết ứng phó sự cố…
Là người đi trước cha mẹ lường được ít nhiều những tình huống sẽ xảy ra. Nói với con, phòng bị cho con cái cách xử lý tình huống, khi gặp thất bại, không buông xuôi, gặp hoạn nạn phải vững tay chèo… Và như thế, từ câu chuyện đầu bài, điều quan trọng mà cha mẹ cần chú ý trong vấn đề rèn luyện kỹ năng sống cho con cái là phải có kế hoạch ứng phó sự cố.
Kim Duy