"Em muốn mua mô hình nhà búp bê Barbie, đồ chơi trang điểm với slime. Mẹ mua cho em cả 3 thứ luôn nha. Sinh nhật em mà mẹ" - bé Sushi (4 tuổi) vừa lắc tay mẹ vừa nài nỉ.
Buộc phải lựa chọn
Đứng giữa quầy đồ chơi phong phú, đẹp mắt, người lớn còn choáng ngợp huống gì trẻ con.
Thế nhưng, chị Mai Thúy (ngụ quận 3, TP HCM) phải dằn lòng nói với bé Sushi: "Dù là sinh nhật con, mẹ cũng chỉ có thể mua một món đồ chơi vì không đủ tiền. Con phải chọn một. Hai món còn lại, phải chờ ngày Quốc tế Thiếu nhi và mừng ngày khai giảng".
Mặt Sushi thoáng một chút buồn và tiếc nuối, sau một lúc nhấc lên đặt xuống, cô bé chọn hộp slime.
Có lần, tôi đến chơi nhà một người bạn, bé Anh Quân (9 tuổi; ngụ quận 7, TP HCM) đang say sưa bên bộ đồ chơi lego xếp hình chiến giáp tiến hóa của Lloyd (hãng Mykingdom).
Thấy tôi, bé khoe: "Lego này con mua bằng tiền của con đó, lúc trước hơn 600.000 đồng lận, con chờ giảm giá mới mua, giờ chỉ còn 430.000 đồng thôi".
Theo anh Minh Hải, cha bé Quân, mỗi ngày vợ chồng anh cho con 10.000 đồng tiền tiết kiệm, cũng là số tiền trả công cho bé tự lau dọn phòng ngủ, bàn học, xếp quần áo của con. Ngày nào không làm tốt sẽ không được trả tiền. Cuối học kỳ, con nằm trong tốp 5 của lớp thì được thưởng 100.000 đồng.
Tất cả số tiền đó và tiền lì xì Tết được cho vào hộp tiền tiết kiệm, con muốn mua đồ chơi hoặc những món đồ "ngoài chỉ tiêu được cấp" thì lấy từ đó, ba mẹ không cho thêm, trừ quà sinh nhật.
Với Vy An (sinh viên năm 3 Đại học Kinh tế TP HCM), do phải học xa nhà, mỗi tháng tiền chi tiêu mà ba mẹ từ Cà Mau gửi lên cộng với đi dạy kèm tiếng Anh được Vy An sử dụng ứng dụng quản lý chi tiêu trên điện thoại thông minh để theo dõi ngân sách cá nhân.
"Đầu tháng có tiền, em chỉ để một ít chi tiêu, còn lại cho vào tài khoản tiết kiệm online - vừa sinh lời vừa hạn chế chi tiêu quá tay.
Em học cách quản lý chi tiêu của mẹ, chỉ khác là mẹ ghi ra sổ chi tiêu mỗi ngày, em thì quản lý trên điện thoại - vừa tiện lợi, hiện đại vừa giúp chi tiêu có trách nhiệm hơn, không bị cảnh đầu tháng mua sắm đủ thứ, cuối tháng ăn mì tôm hay mượn nợ bạn bè" - Vy An nói.
Minh họa: KHỀU
Hình thành nhận thức đúng, thói quen tốt
Theo anh Minh Hải, vợ chồng anh thay đổi cách gọi "tiền tiêu vặt" hằng ngày thành "tiền công" để con trai hiểu kiếm được tiền không dễ mà phải lao động mới có, từ đó con biết quý trọng đồng tiền, biết tiết kiệm và tiêu đúng nơi, đúng chỗ, đúng mục đích.
"Tôi từng chứng kiến, nghe nhiều lời than của bậc làm cha mẹ khi con đua đòi, nợ nần dù không làm ra tiền. Nguyên nhân thì nhiều nhưng trước tiên là do từ nhỏ, con đòi gì cha mẹ cũng chiều mà không dạy con biết tiết kiệm, cân nhắc, lựa chọn để mua sắm trong giới hạn và khả năng tài chính.
Việc chúng tôi trả "tiền công" cho con không chỉ giáo dục con biết tự lập mà còn biết cách quản lý tiền, giúp con hình thành thói quen tốt, nhận thức đúng đắn về giá trị lao động và tiết kiệm từ nhỏ. Đây là những bài học quý giá, là "tài sản" mà chúng tôi nghĩ rằng sẽ theo con suốt cuộc đời" - anh Minh Hải chia sẻ.
Với chị Mai Thúy, dạy con cách quản lý tiền ngay từ khi con còn nhỏ sẽ giúp con hình thành thói quen biết cân nhắc, lựa chọn điều cần thiết nhất cho mình, cũng như biết tiết kiệm, chi tiêu hợp lý.
"Trong cuộc sống, chúng ta thích rất nhiều thứ nhưng đâu phải cứ thích là có được tất cả. Cuộc sống luôn buộc chúng ta phải lựa chọn và đưa ra quyết định.
Vậy nên, dù muốn cho con rất nhiều thứ và có khả năng làm điều đó, tôi vẫn phải cho bé lựa chọn. Điều này giúp bé phát triển kỹ năng phán đoán, tự quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình; biết tiết kiệm, quý trọng tài sản và tự tin trong quản lý tài chính trong tương lai.
Dĩ nhiên, nói thì dễ nhưng để trở nên "sắt đá" trước sự vòi vĩnh đáng yêu của con thì cần sự quyết tâm rất lớn, nếu mềm lòng dù chỉ một lần sẽ khó dạy con những lần sau" - chị Mai Thúy phân tích.
Giáo dục từ nhà trường
Theo anh Minh Hải, trong thời đại mà khả năng quản lý tài chính là chìa khóa để thành công và độc lập, ngoài trách nhiệm của gia đình, ngành giáo dục cũng nên có các chương trình về kỹ năng quản lý tài chính, qua đó giúp học sinh hiểu về giá trị của tiền bạc, cách quản lý tiền một cách thông minh.
Đặc biệt, có các hoạt động thực tế như mô phỏng quản lý ngân sách cá nhân, giúp học sinh áp dụng kiến thức vào thực tế.
Theo NLĐ