Đi dạy mấy chục năm, không biết... kiểm định chất lượng là gì
Tại buổi tọa đàm "Thực tiễn quá trình đo lường kết quả đạt được của chương trình đào tạo từ góc nhìn của các bên liên quan" do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT khẳng định, đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra ở bậc đại học đều quan trọng.
Nếu đầu vào không chất lượng thì sẽ không đạt được những tiêu chí trong quá trình dạy học, sau đó mới đến đầu ra là ở thị trường việc làm.
Đầu vào được đảm bảo qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, một số của một số trường. Bộ GD&ĐT cũng đang tập trung rà soát lại chương trình đào tạo để có thể đưa ra một chuẩn chương trình.
Nhà quản lý này cho hay, chuẩn đầu ra rất quan trọng vì nó tác động trực tiếp đến thị trường việc làm. Vì thế, các trường phải thực hiện nghiêm điều đã cam kết với xã hội về tuyên bố chuẩn đầu ra.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia Đổi mới dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021 chia sẻ, làm giảng viên mấy chục năm nhưng ông không hề biết gì về kiểm định chất lượng. Kiểm định chất lượng ở Việt Nam còn rất mới mẻ, 5 năm trước nếu nói về đánh giá chuẩn đầu ra không ai hiểu.
Ông cho rằng cần có giải thích cụ thể chuẩn đầu ra sẽ cần đạt những yếu tố nào. Nếu chỉ nói "nên này nên kia", "cần phải cố lên" thì không khác nào... "giết" thầy cô và các trường.
"Cần cụ thể về chuẩn đầu ra, phải làm sao để hiểu 10 nói 1. Cùng phát động học thật nhiều, nói thật ít, làm thật đơn giản thì sẽ đánh giá được", GS.TS Nguyễn Hữu Đức bày tỏ.
Ông Đức cho rằng đầu vào, đoạn giữa đến đầu ra đều quan trọng. Nhưng chỉ mang tính gia tăng giá trị, đầu giữa và đầu ra là yếu tố quyết định.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức cũng nêu quan điểm đại học mà không có xếp hạng thì giống như không tồn tại. Chỉ có xếp hạng thì mới được tìm thấy trên bản đồ ĐH khu vực và thế giới…
Kiểm định chất lượng chỉ đánh giá được chất lượng tối thiểu của trường đại học trong một quốc gia, trong khi xếp hạng lại thiên về nghiên cứu và có tính cạnh tranh khốc liệt. Để giải quyết được hạn chế đó, có một xu hướng đang diễn ra tại các quốc gia, đó là tích hợp giữa kiểm định chất lượng với xếp hạng, mở ra bảng xếp hạng đối sánh.
Doanh nghiệp nói gì về đầu vào của người lao động?
Ông Bùi Tiến Đạt (Giám đốc nhân sự Dong Phuong group), đại diện doanh nghiệp sử dụng lao động, cho hay, đầu ra của nhà trường là sản phẩm đầu vào của doanh nghiệp. Khi sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp hoặc tham gia thị trường lao động là giai đoạn đầu vào cực kỳ quan trọng của doanh nghiệp.
Ông Đạt bày tỏ, đầu vào của các trường đại học chỉ 4 - 6 năm, còn đầu vào của doanh nghiệp có thể kéo dài đến 40 năm, thậm chí đến lúc họ về hưu.
Trong lĩnh vực nhà hàng, du lịch, ông Đạt cho biết chuẩn đào vào của người lao động dựa vào một số yếu tố sau:
Thứ nhất là diện mạo, tác phong, đồng phục, phong cách, tóc tai... Nếu quy định của nhà trường về trang phục, tác phong, thái độ không tốt thì đây chính là yếu điểm của sinh viên, của nhà trường.
Tiếp đó là bạn có đam mê học, đam mê làm nghề và đặc biệt có tính tuân thủ kỷ luật thì mới có thể trở thành người lao động chuyên nghiệp. Rồi đến các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ, biến kiến thức trở thành kỹ năng.
Theo ông Đạt, chuẩn đầu ra thế nào đi nữa buộc người lao động phải có năng lực cốt lõi thì mới có hiệu suất công việc.
Đại diện một số doanh nghiệp nêu ý kiến chuẩn đầu ra của các trường đại học cần phải gắn chặt với nhu cầu của doanh nghiệp.
TS Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng cần làm sao để việc đo lường chuẩn đầu ra một cách đơn giản nhất. Hiện chuẩn đầu ra mang định tính nhiều hơn, rất khó để đo lường.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức thông tin, ông đã gửi kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong đánh giá chuẩn đầu ra đến khoảng 15 trường đại học trong cả nước với những câu hỏi rất đơn giản, rõ ràng.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, giáo dục mang tính nhân văn, cần đào tạo theo sự tiến bộ của người học. Ngay trong chương trình mới là đánh giá chất lượng giáo dục, chứ không phải là đánh giá chất lượng đầu ra theo kết quả học tập.
"Đừng chăm chăm tất cả phải đặt chuẩn đầu ra như nhau. Sự tiến bộ của người học quan trọng hơn là bắt tất cả mọi thứ giống nhau. Một em sống ở thành phố sẽ khác với em ở nơi khác về thành phố học cùng một trường", ông Chương dẫn chứng.
Người này cho rằng không thể lấy chuẩn của doanh nghiệp để áp cho trường.