Ngày 4/10, Bộ TT&TT đã có công điện yêu cầu Sở TT&TT tỉnh Hà Giang, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở tại Hà Giang và ứng phó với nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Cụ thể, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ TT&TT đề nghị các đơn vị khẩn trương khắc phục sự cố thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành khắc phục hậu quả và ứng phó nguy cơ sạt lở đất.
Đồng thời, theo dõi sát tình hình diễn biến sạt lở, lũ ống, lũ quét có nguy cơ xảy ra; báo cáo kịp thời tình hình hoạt động của mạng lưới và thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy, điều hành công tác ứng phó với thiên tai và công tác tìm kiếm cứu nạn về Ban chỉ huy.
Cục Viễn thông là đầu mối tiếp nhận thông tin, tổng hợp tình hình diễn biến của mưa, lũ, sạt lở đất có nguy cơ xảy ra; kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ các phương án chỉ đạo ứng phó.
Cục Báo chí và PTTH&TTĐT chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo diễn biến của mưa lũ, sạt lở đất, các nội dung chỉ đạo ứng phó với sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Cục Bưu điện Trung ương đáp ứng thông tin liên lạc bằng xe cơ động cho đoàn công tác của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia đi chỉ đạo ứng phó với sạt lở, lũ ống, lũ quét khi có yêu cầu.
Vụ Bưu chính chỉ đạo các doanh nghiệp Bưu chính rà soát hệ thống đường thư bưu chính, lên phương án đảm bảo an toàn thông tin bưu chính phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Với Sở TT&TT Hà Giang, các nhiệm vụ cần tập trung gồm: Làm đầu mối chỉ đạo doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn phối hợp triển khai đồng bộ các phương án ứng phó kịp thời và đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành ứng phó với sạt lở, lũ ống, lũ quét; xác định các khu vực bị mất liên lạc do ảnh hưởng của sạt lở, lũ ống, lũ quét để phối hợp với Cục Viễn thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai roaming giữa các mạng nhằm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ điều hành, ứng phó với lũ và sạt lở đất...
Bên cạnh việc triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó sạt lở và lũ, các doanh nghiệp viễn thông cũng được yêu cầu tập trung gia cố nhà trạm, cột cao, cột ăng ten thuộc các hệ thống đài phát, đài thu vô tuyến, các hệ thống truyền dẫn và mạng ngoại vi có khả năng bị ảnh hưởng bởi sạt lở, lũ ống, lũ quét; tăng cường dự phòng các tuyến truyền dẫn viba để khôi phục thông tin nhanh nhất khi các tuyến truyền dẫn cáp quang bị sự cố.
Đồng thời, sẵn sàng tổ chức nhắn tin cảnh báo các thuê bao, sẵn sàng roaming giữa các mạng di động khi có yêu cầu; hướng dẫn người dân cách cài đặt để máy điện thoại có thể tự động chuyển vùng dịch vụ giữa các mạng viễn thông di động.
Bộ TT&TT yêu cầu Bưu điện Việt Nam và các doanh nghiệp bưu chính chủ động nắm bắt tình hình giao thông trên địa bàn, các đoạn tuyến giao thông có nguy cơ sạt lở; phương án phân luồng giao thông để chủ động lên phương án vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện.
“Các đơn vị bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng cho cán bộ, công nhân viên, người lao động tham gia công tác phòng chống thiên tai. Trang bị đầy đủ bảo hộ an toàn lao động cho cán bộ, nhân viên đi làm nhiệm vụ ứng cứu thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc ngoài hiện trường”, công điện của Bộ TT&TT nêu rõ.