Không thể phủ nhận rằng IQ của một đứa trẻ được di truyền phần lớn từ cha mẹ, đó là những yếu tố bẩm sinh nhưng không vì thế bỏ qua yếu tố học tập và nuôi dưỡng của gia đình.
Đại học Harvard, Mỹ từng công bố kết quả nghiên cứu - khảo sát xã hội về quỹ đạo tăng trưởng của trẻ em, trình độ học vấn và so sánh trí thông minh thời thơ ấu. Kết quả cho thấy trí thông minh có sự thay đổi theo môi trường gia đình.
Trí thông minh có sự thay đổi theo môi trường gia đình. Ảnh minh họa
Theo công trình nghiên cứu "The Grant Study" kéo dài 75 năm của Đại học Harvard danh giá về sự phát triển IQ của trẻ đã đề cập, các thói quen nuôi dạy con tưởng chừng như vô hại mà cha mẹ ít để ý này, lại chính là "thủ phạm" âm thầm khiến cho con trẻ ngày càng trở nên kém thông minh, lâu dần có thể gây thui chột khả năng tư duy.
Nghiên cứu này dựa trên đối tượng cụ thể bao gồm 268 sinh viên tại Harvard. Sau khi phân tích, khảo sát, các chuyên gia đã cho kết quả đánh giá như sau:
Trí thông minh của trẻ ngoài yếu tố do gen di truyền ra, nó còn chịu tác động rất lớn bởi các yếu tố bên ngoài như môi trường sống của gia đình, cách nuôi dạy của cha mẹ, môi trường giáo dục,... Đặc biệt, những thói quen xấu cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, làm cho con ngày càng kém thông minh hơn.
Theo đó, nhà giáo dục, diễn giả người Mỹ nổi tiếng Julie Lythcott - Haims - tác giả của các tác phẩm nổi tiếng, như cuốn "Your Turn: How to Be an Adult" (Làm sao để con trưởng thành); "How to Raise an Adult, on parenting" (Cách nuôi dạy trẻ nên người),...đã chia sẻ trên chương trình TED Talks về nghiên cứu "The Grant Study" và chỉ ra rằng, những sai lầm trong cách dạy con sau đây có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ số IQ cũng như trí thông minh của trẻ:
1. Cha mẹ ép trẻ học "vượt cấp"
Nhiều cha mẹ mong muốn con chiến thắng từ vạch xuất phát đã ép trẻ học "vượt cấp". Họ cho rằng như thế giúp giảm bớt áp lực học tập trong tương lai và chống lại sự tự mãn.
Trình độ nhận thức có giới hạn, tạo áp lực quá lớn sẽ khiến trẻ lạc lối, thậm chí chán học, không tiếp thu được kiến thức.
Trình độ nhận thức có giới hạn, tạo áp lực quá lớn sẽ khiến trẻ lạc lối. Ảnh minh họa
2. Cha mẹ gắn nhãn tiêu cực cho con cái
Gần đây, có một bài phát biểu của một người cha làm xôn xao cư dân mạng. Người cha này nói: "Con trai của tôi đang là học sinh nhưng tôi tin rằng, nó hoàn toàn có thể trở thành trụ cột của đất nước".
Thoạt nghe câu nói này, nhiều người có thể nghĩ rằng người cha có phần hài hước và quá yêu thương con mình. Tuy nhiên, người cha phân tích một cách rõ ràng về những gì mình nói, không chỉ đơn giản là tự an ủi bản thân.
Người cha cho biết, con trai mình rất mạnh mẽ, có EQ cao, mặc dù thành tích học tập không tốt nhưng mọi thứ khác đều rất tuyệt vời. Bài phát hiểu của ông rất ấm áp, đầy sự tự hào về con mình.
Ông liên tục bảo vệ lòng tự trọng của con mình, cũng như thể hiện sự công nhận và động viên đối với con trai. Dù cho con trai có thành tích kém, ông không sử dụng những từ ngữ như "con học dốt" hay "con không thể" để gắn nhãn. Thay vào đó, ông nhìn thấy những ưu điểm của con mình, nhìn thấy con tiến bộ mỗi ngày mới là điều quan trọng nhất.
Trong thực tế, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn có một người cha như vậy.
Làm cho một đứa trẻ tự tin rất khó nhưng khiến nó trở nên tự ti lại dễ vô cùng. Khi cha mẹ gắn nhãn tiêu cực cho con mình, điều đó dần khiến trẻ trở nên tự ti. Dù có làm tốt tới đâu cũng không nhận được sự công nhận từ người thân, trẻ sẽ tuyệt vọng và buông xui tất cả.
3. Cha mẹ bận rộn, ít khi trò chuyện cùng con cái
Theo các chuyên gia, quá trình giao tiếp thường xuyên giữa cha mẹ - con cái không chỉ giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung và tăng độ "nhạy" cho khả năng phản xạ, mà còn giúp trẻ rèn luyện khả năng tư duy và logic.
Cha mẹ bận rộn, ít khi trò chuyện cùng con, lâu dần có thể gây ra hạn chế về kỹ năng diễn đạt, kỹ năng giao tiếp của trẻ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc xây dựng sự tự tin cho trẻ trước đám đông, mà còn làm cho khoảng cách của mối quan hệ cha mẹ - con cái ngày một xa hơn.
Cha mẹ bận rộn, ít khi trò chuyện cùng con, lâu dần có thể gây ra hạn chế về kỹ năng diễn đạt, kỹ năng giao tiếp của trẻ. Ảnh minh họa
4. Cha mẹ cho trẻ thức khuya
Sau khi trẻ kết thúc bài tập vào tối muộn, nhiều bố mẹ thưởng cho con sử dụng thiết bị điện tử để loại bỏ áp lực học tập mà quên rằng trẻ thức khuya kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và thể chất. Ngoài ra, các vấn đề như nội tiết mất cân bằng, chuyển hóa chất bị rối loạn, béo phì... cũng xuất hiện.
Khi trẻ ngủ muộn, cơ quan bên trong cơ thể không đủ thời gian hồi phục và sửa chữa các tổn thương, ảnh hưởng đến sức đề kháng ở trẻ. Nếu đi ngủ sớm hơn, cơ thể trẻ sẽ tiết ra protein cytokine giúp ngăn ngừa viêm nhiễm và bệnh tật.
5. Cha mẹ xem nhẹ bữa ăn sáng của con
"Hãy ăn sáng như một vị vua" là câu nói đề cao vai trò của bữa ăn sáng mà ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua. Sau một giấc ngủ 8 tiếng, cơ thể vào buổi sáng rất cần được nạp năng lượng cho một ngày dài học tập và làm việc. Vì vậy, bữa sáng đầy đủ chất dinh dưỡng là vô cùng cần thiết để giúp trẻ hoạt động hiệu quả.
Ông Liu Jian - chuyên gia tại Trung tâm Giám sát Chất lượng Giáo dục Trung Quốc, Viện trưởng Viện Đổi mới Giáo dục Trung Quốc tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết: "Dựa trên thống kê khảo sát về mối quan hệ giữa bữa ăn sáng và thành tích học tập của sinh viên, những sinh viên ăn sáng đầy đủ và đều đặn mỗi tuần có điểm số tốt hơn những sinh viên ăn sáng thất thường và thiếu chất".
Vì vậy, cha mẹ dù bận rộn đến mấy cũng nên coi trọng chất lượng bữa ăn sáng cho con mình, không nên tiếp tục thói quen xem nhẹ bữa ăn quan trọng này. Ăn bữa sáng một cách chỉn chu, chất lượng cũng là phương pháp để củng cố mối quan hệ cha mẹ - con cái.
Cha mẹ dù bận rộn đến mấy cũng nên coi trọng chất lượng bữa ăn sáng cho con mình. Ảnh minh họa
6. Cha mẹ liên tục gián đoạn con cái học và chơi
Có một người mẹ dạy đứa con trai 6 tuổi học, khuôn mặt rất nghiêm túc. Được biết, cậu bé thường bị cô giáo phàn nàn về tình trạng lơ đễnh, không tập trung trong lớp. Vì thế, mỗi ngày người mẹ luôn túc trực bên cạnh kèm con học bài. Dù bài tập chỉ mất 30 phút hoàn thành nhưng cậu bé mất tới 2 tiếng.
Điều đáng nói là trong quá trình học, người mẹ liên tục nhắc nhở "con ngẩng đầu cao lên", "con cầm bút kiểu gì che hết chữ rồi", "câu đó con chưa làm đúng, kiểm tra lại đi", "sao con viết chữ cẩu thả thế"...
Dù đứa trẻ có làm gì, người mẹ gần như cứ 5 phút lại làm gián đoạn việc học của con 1 lần. Điều này khiến cho cậu bé rất khó chịu và không thể tập trung làm bài tập.
Trên thực tế, muốn nuôi dưỡng khả năng tập trung của trẻ, hãy để chúng làm việc của mình. Khi trẻ học hoặc chơi, cha mẹ không nên can thiệp hay gián đoạn con thường xuyên. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến việc khám phá sự hứng thú của trẻ, mà còn phá hủy sự tập trung.
Khi chơi, cha mẹ đừng quan tâm đến việc trẻ "khát nước", "đói bụng" hay "lạnh không". Khi học, đừng nhắc nhở trẻ "làm sai bài" hoặc "viết sai chữ". Bảo vệ khả năng tập trung của trẻ, xây dựng một thói quen tốt, có thể mang lại lợi ích cho trẻ suốt đời.
7. Cha mẹ chỉ trích nỗ lực của con
Nhiều người dùng lời lẽ đanh thép, quát mắng con cái do thiếu kiên nhẫn khi nuôi dạy. Có một kiểu tấn công khác là thấy hành vi không tốt của con, thay vì dạy dỗ, cha mẹ sẽ chỉ trích hết lần này đến lần khác dù trẻ đã nỗ lực sửa chữa, thay đổi. Thay vì cảm giác sợ hãi ban đầu, dần dần trẻ sẽ lựa chọn im lặng vì yếu thế hơn cả về ngôn ngữ và quyền lực.
Nếu kéo dài cách dạy dỗ này, trẻ sẽ trở nên khép kín, hướng nội, không muốn tâm sự chia sẻ cùng ai, có thể rối loạn hành vi và ngôn ngữ, các vấn đề về thần kinh cũng xuất hiện. Lâu dần chỉ số thông minh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiều người dùng lời lẽ đanh thép, quát mắng con cái do thiếu kiên nhẫn khi nuôi dạy.Nếu kéo dài cách dạy dỗ này, trẻ sẽ trở nên khép kín. Ảnh minh họa
8. Cha mẹ ít cho con đọc sách thường xuyên
Theo nghiên cứu "Lý luận về các giai đoạn phát triển của kỹ năng đọc" do chuyên gia tâm lý học, nhà nghiên cứu về đọc viết trong hơn 50 năm của Trường Đại học Giáo dục Harvard - bà Jeanne Chall chỉ ra rằng, 9 tuổi là độ tuổi "bước ngoặt" để phát triển kỹ năng đọc ở trẻ. Nếu một đứa trẻ không hình thành thói quen đọc sách trước 9 tuổi, thì về sau kỹ năng đọc hiểu của nó sẽ rất yếu kém.
Đọc hiểu là một kỹ năng vô cùng quan trọng cần được cha mẹ thường xuyên trau dồi, rèn luyện cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, bởi vì quá trình đọc hiểu sẽ giúp kích thích khả năng tập trung thị giác, khả năng phân biệt và tư duy con chữ.
Cha mẹ ít khi có thói quen cho con đọc sách, thay vì đọc sách thì cho con chơi điện thoại, xem tivi,... là một trong những nguyên nhân tai hại "bào mòn" trí thông minh của trẻ. Việc ít đọc sẽ dẫn đến khả năng phối hợp giữa mắt, não và miệng ít "nhạy" hơn, từ đó kỹ năng đọc hiểu, đọc thầm, đọc thuộc lòng trong việc học sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.
9. Cha mẹ suy nghĩ hộ con
Vợ chồng hiện đại có ít con nên thường dồn hết tình cảm và bảo bọc, lo lắng thái quá cho con. Tâm lý bất an của bố mẹ làm những đứa con lo lắng và thiếu tự tin trong cuộc sống, không dám đưa ra những quyết định của riêng mình.
Nếu bố mẹ tước đi quyền được tự suy nghĩ, tự đưa ra quyết định bằng cách lo đường đi nước bước thì sức đề kháng, bản lĩnh, tự tin, kinh nghiệm, tầm nhìn của đứa trẻ sẽ bị hạn chế.
Theo GĐXH