Nổi bật nhất ở tỉnh Đồng Tháp là mô hình du lịch nông nghiệp. Với những lợi thế sẵn có, tỉnh xác định du lịch nông nghiệp là loại hình mang lại nhiều lợi ích phát triển cho người dân. Mô hình này không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường mà còn phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Sự phát triển du lịch nông nghiệp còn giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.
Khi nhắc đến du lịch nông nghiệp, không thể không kể đến làng hoa Sa Đéc. Để tạo sức hút với du khách, thành phố Sa Đéc đang tích cực vận động các hộ dân trên tuyến đường hoa cùng tham gia xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng; vận động các hộ kinh doanh hoa kiểng nâng cấp cơ sở; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư khai thác dịch vụ kết hợp tham quan du lịch như: xây dựng đài quan sát làng hoa, cánh đồng hoa, cầu cảnh với không gian độc đáo, mới lạ thu hút nhiều lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh.
Đáng chú ý còn phải kể đến khung cảnh trên con đường hoa Cai Dao - Sa Nhiên, những khu vườn hoa kiểng Happy Land Hùng Thy, Ngọc Lan, cánh đồng hoa hồng rộng 2,5 ha, vườn hồng Tư Thắng... Đây được xem là những vườn hoa kiểu mẫu đón du khách. Sa Đéc còn được biết đến với những khu du lịch kiểu homestay như Ngôi nhà Hoa Ếch, Ngôi nhà tre Phong Le Vent.
Thành phố Sa Đéc duy trì thường xuyên việc chỉnh trang các bồn hoa, trồng bổ sung cây xanh, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, lát gạch vỉa hè, thiết kế và xây dựng các mô hình hàng rào cây xanh, tạo mỹ quan đô thị phục vụ khách du lịch. Hằng năm, lượng khách du lịch đến thành phố Sa Đéc đạt 1 triệu du khách, trong đó khách quốc tế trên 40.000 lượt.
Tại Khu du lịch Cánh đồng Hoa Hồng ở thành phố Sa Đéc, ông Nguyễn Phước Siêng chủ khu du lịch cho biết, Khu du lịch đầu tư các sản phẩm như: dòng sông hoa, trồng 5.000 m2 giàn mướp để khách bơi xuồng ngắm hoa quả, nhằm tạo không gian trong lành, thoáng đãng để du khách nghỉ ngơi sau những ngày dài mệt mỏi.
Để thu hút khách, anh Phạm Thanh Tâm, Chủ Khu du lịch Cánh đồng hoa hồng ở khóm Tân Hiệp, phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc chia sẻ, ngoài khu 2,5 ha trồng hoa, làm tiểu cảnh, anh đã đầu tư mở rộng thêm gần 5.000 m2 để trồng bầu, bí. Khu vườn được thiết kế 2 giàn trên bờ và một giàn dưới nước phục vụ khách tham quan bơi xuồng chụp ảnh. Ngoài thu hoạch trái để bán, anh Tâm trồng bổ sung để duy trì lượng trái phục vụ cho khách tham quan. Không gian mát mẻ đưa du khách trở về với khung cảnh thôn quê miền sông nước và mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến tham quan, chụp ảnh.
Nói đến mô hình du lịch từ vườn cây ăn trái phải kể đến mô hình của ông Nguyễn Văn Triển - chủ Vườn dâu Tân Thuận ở ấp Tân Dân, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh. Vườn dâu Tân Thuận có tổng diện tích gần 4.000m2, với 70 gốc dâu gần 10 năm tuổi và nhiều loại cây ăn trái khác như: xoài, mận... Vào dịp tháng 4 và tháng 5 dâu chín, mỗi ngày, vườn dâu đón gần 1.000 lượt khách đến tham quan, chụp ảnh.
Huyện Lai Vung có mô hình tham quan vườn cam, vườn quýt. Là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, huyện Lai Vung có hệ thống vườn quýt hồng, cam xoàn trĩu quả, cho trái quanh năm. Giờ đây, nông dân ở Lai Vung không chỉ sản xuất cam, quýt mà còn mạnh dạn mở ra các khu, điểm du lịch nông nghiệp thu hút du khách đến tham quan ngày một tăng. Hiện có 9 điểm tham quan vườn quýt hồng, cam xoàn đang khai thác phục vụ khách tham quan du lịch. Từ khi khai trương hoạt động đến nay, các điểm tham quan vườn cam, quýt trên địa bàn đã đón tiếp và phục vụ hơn 75.000 lượt khách, tổng thu đạt khoảng 24 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng gấp 2 lần so với mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống. Điển hình các vườn quýt hồng làm du lịch như: Vườn quýt hồng Ba Liên, Hai Kiệt, Út Hớn, Lan Anh, Hồng Danh và Hưng Phát mở cửa đón khách du lịch trong dịp Tết và mỗi điểm, mỗi ngày có hàng ngàn khách đến tham quan.
Mô hình cộng đồng “Đồng sen Tháp Mười” có 7 hộ dân đang khai thác loại hình du lịch trải nghiệm như chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen. Đây là điểm thu hút đông đảo khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ. Trung bình một tháng các điểm tham quan đồng sen đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách, vào những dịp cao điểm lễ, Tết trung bình một ngày có trên 1.000 lượt khách đến đây tham quan và trải nghiệm.
Tỉnh Đồng Tháp đã định vị được sản phẩm du lịch đặc trưng riêng; từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, thay mới các trang thiết bị tiện nghi khang trang, chất lượng, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Các địa điểm du lịch xây dựng mở tuyến tham quan mới theo mùa như: mùa nở hoa Nhĩ cán tím, hoa Hoàng đầu ấn tại điểm dừng chân khu C4 Vườn Quốc gia Tràm Chim; vận chuyển khách tham quan bằng xe bò, tổ chức show dạy nấu ăn cuối tuần cho khách trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng; tổ chức dịch vụ xe điện vận chuyển khách tham quan làng hoa kiểng Sa Đéc…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, tỉnh đã thành công bước đầu khi đưa du lịch từ không thành có, xác định được vị thế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, hình ảnh du lịch Đồng Tháp “Thuần khiết như hồn Sen” tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Xác định du lịch tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khuyến khích người dân khởi nghiệp du lịch với gắn với chuyển đổi số; tập trung khai thác du lịch sông nước, du lịch xanh; chú ý sự trải nghiệm đa dạng của du khách, phân khúc khách hàng tạo khác biệt; khai thác du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên…
Nguyễn Văn Trí