Ngày 17/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục xét xử đại án "chuyến bay giải cứu".
Sau khi kết thúc phần xét hỏi vào chiều 14/7, sáng nay, đại diện Viện kiểm sát bắt đầu phần luận tội.
Đại diện Viện kiểm sát đánh giá hành vi phạm tội của Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, đã phạm vào tội Nhận hối lộ; cần phải xử lý nghiêm để răn đe các bị cáo khác, để giáo dục, phòng ngừa chung.
Theo đại diện Viện kiểm sát, thời điểm dịch Covid-19, các doanh nghiệp muốn xin cấp phép để tổ chức chuyến bay giải cứu phải chi tiền theo mức mà Phạm Trung Kiên yêu cầu.
Trong vụ án này, Kiên nhận hối lộ nhiều lần nhất, tổng số tiền nhiều nhất, thủ đoạn trắng trợn nhất.
Khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội của mình, Kiên đã chuyển khoản trả cho các doanh nghiệp 12 tỷ đồng, và nhờ các doanh nghiệp khai đây là tiền "trả nợ".
Tại phiên tòa, lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai nhận tội của nhiều bị cáo khác; phù hợp với các tài liệu có liên quan. Vì vậy hành vi phạm tội của Phạm Trung Kiên đã cấu thành tội Nhận hối lộ.
Theo cáo trạng, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình thứ trưởng duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Mặc dù không có chức năng, nhiệm vụ trong phê duyệt chuyến bay, nhưng ông Kiên lại là cán bộ nhận hối lộ nhiều nhất cả về số lần và số tiền trong vụ "chuyến bay giải cứu".
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cựu thư ký đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền 50-200 triệu đồng/chuyến bay; từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/khách đối với chuyến bay combo; 7-15 triệu đồng/khách lẻ.
Quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay, từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, Phạm Trung Kiên đã 253 lần nhận hối lộ của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và một số khách lẻ, tổng hơn 42 tỷ đồng.
Qua 4 ngày xét xử, bị cáo này thừa nhận cáo buộc, khai đã trả lại cho phía doanh nghiệp 12 tỷ đồng. Số tiền còn lại bị cáo sử dụng 20 tỷ đồng để mua đất ở nhiều nơi như Mũi Né (Bình Thuận), huyện Ba Vì và Hoài Đức (Hà Nội); ngoài ra cho vay hơn 10 tỷ đồng.
Trước câu hỏi có đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ tiền cho các chuyến bay combo hay không, bị cáo Kiên thừa nhận, trong số các doanh nghiệp có một số cá nhân tự đề xuất mức giá mỗi chuyến bay và bị cáo đồng ý.
"Khi các anh chị đề xuất mức cảm ơn là bao nhiêu, bị cáo không hiểu lĩnh vực lữ hành nên nói với họ các bộ, ngành bao nhiêu thì đưa cho bị cáo bấy nhiêu", bị cáo Kiên khai.
Bị cáo yêu cầu các doanh nghiệp chuyển tiền qua số tài khoản của mẹ vợ.