Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự: Coi công dân bị mắc kẹt, gặp khó khăn như người thân

18/07/2023 19:30

Tự bào chữa, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết coi công dân bị mắc kẹt, gặp khó khăn như người thân của gia đình và phải đưa họ về nước sớm nhất.

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan tự bào chữa.

Chiều 18/7, trong phần tự bào chữa tại phiên toà xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu", bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), mong HĐXX xem xét về tinh thần, thái độ, trách nhiệm đối với công việc của mình.

Bị cáo Lan khẳng định, trong quá trình làm việc, bản thân đã luôn đặt công tác bảo hộ công dân lên hàng đầu, đặt lợi ích của công dân lên trên tất cả.

"Bị cáo luôn coi công dân bị mắc kẹt, gặp khó khăn ở nước ngoài như người thân của gia đình mình, cần phải hỗ trợ để đưa người dân về nước trong thời gian sớm nhất và hiệu quả nhất", bị cáo Lan nói.

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).

Dẫn chứng cho quan điểm của mình, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự nêu rõ, trong năm 2021, một số doanh nghiệp đã đề xuất các chuyến bay combo đưa công dân về đều cách ly ở các cơ sở của quân đội để tăng số lượng các chuyến bay.

Tuy nhiên, bà Lan cho rằng, công dân mắc kẹt ở nước ngoài có nhiều thành phần, trong đó có người không đủ điều kiện kinh tế để tham gia chuyến bay combo của doanh nghiệp, do đó vẫn phải duy trì các "chuyến bay giải cứu" đưa công dân về cách ly tại các cơ sở quân đội, song song với các chuyến bay combo.

Bên cạnh đó, bị cáo cho biết khi tiếp nhận thông tin nhiều công dân phản ánh về việc giá vé của các chuyến bay ở mức cao, bị cáo đã đề nghị Phòng Bảo hộ công dân can thiệp và trực tiếp đề nghị với các doanh nghiệp kiểm soát giá vé, đảm bảo quyền lợi cho công dân.

"Thêm vào đó, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bị cáo cũng như các cán bộ của Cục Lãnh sự luôn cố gắng để thông báo cho doanh nghiệp sớm nhất những chủ trương, kèm ý kiến đồng ý của tổ công tác 5 bộ để doanh nghiệp chuẩn bị các thủ tục, thời gian triển khai", bị cáo Lan nói, và giải thích do công việc nhiều, có lúc phải làm thay việc của cấp dưới nên mong HĐXX cho mình và các bị cáo tại Cục Lãnh sự được giảm hình phạt so với đề nghị của viện kiểm sát.

Cho rằng việc tổ chức các chuyến bay giải cứu đã từng có những tiền lệ trước đó, bị cáo Lan dẫn chứng, năm 2021 đã tổ chức nhiều chuyến bay đưa hơn 10.000 công dân bị mắc kẹt ở Libya. Hay năm 2019, Bộ Ngoại giao phối hợp kiến nghị đưa khẩn cấp thi thể 39 nạn nhân tử vong trong container đông lạnh ở Anh về.

Từ đó, bà Lan khẳng địch việc kiến nghị tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước khi đại dịch diễn ra là đúng với thẩm quyền và nhiệm vụ của công tác bảo hộ công dân mà Bộ Ngoại giao, trực tiếp là Cục Lãnh sự được giao, hoàn toàn không có chuyện lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội.

Về vấn đề xem xét các tài sản của bị cáo hiện đang bị kê biên, phong tỏa, bà Lan bày tỏ mong muốn HĐXX cho giải tỏa kê biên căn chung cư tại quận Nam Từ Liêm để gia đình bị cáo có nơi sinh sống và bị cáo "có nơi để quay về sau khi đã hoàn thành án".

Các phần tài sản còn lại, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan cũng xin được giải tỏa kê biên để gia đình xử lý, lấy tiền nộp khắc phục hậu quả vụ án cho bị cáo.

Anh Văn - Đắc Huy

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự: Coi công dân bị mắc kẹt, gặp khó khăn như người thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO