Cụ thể, UBND quận Sơn Trà đã quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính trước đó của Chủ tịch UBND quận đối với 5 trường hợp.
Các trường hợp này đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất rừng sản xuất.
Các trường hợp vi phạm bị phạt từ 5 triệu đến 12,5 triệu đồng, buộc tháo dỡ các công trình vi phạm trên đất, khắc phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Tuy nhiên các hộ dân vẫn chưa chấp hành nên bị cưỡng chế theo quy định pháp luật.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, các công trình bị cưỡng chế là nhà hàng, quán nhậu phục vụ du khách. Sau khi công bố quyết định cưỡng chế, nhằm đảm bảo an toàn quá trình tháo dỡ, lực lượng chức năng cắt hệ thống điện cung cấp cho các cơ sở này.
Tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống Tuân Núi, lực lượng cưỡng chế huy động 2 máy múc cùng khoảng 50 người thuộc lực lượng phối hợp tháo dỡ hệ thống nhà, sạp cũng như vận chuyển đồ đạc.
Ông Hoàng Công Thanh - Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà - cho biết: "Có 2 phương án được triển khai để thực hiện cưỡng chế, thứ nhất là đảm bảo công tác tháo dỡ cưỡng chế và bảo vệ, di dời tài sản đảm bảo an toàn; thứ hai là công an quận đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông tại khu vực cưỡng chế".
Được biết, từ năm 1997 đến 2010, có 68 công trình xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà buộc phải tháo dỡ, hoàn trả hiện trạng ban đầu theo kết luận của Thanh tra thành phố.
Việc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (cũ) giao khoán đất rừng đặc dụng có rừng tự nhiên cho các hộ gia đình để thực hiện trồng rừng và phát triển kinh tế vườn là trái quy định của Chính phủ.
Theo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, quận Sơn Trà phải hoàn thành xử lý các công trình trái phép ở bán đảo Sơn Trà trong năm 2022.
Tuy nhiên đến nay chỉ mới có 10/68 trường hợp được xử lý. UBND quận Sơn Trà đề ra lộ trình đến năm 2025 sẽ xử lý dứt điểm toàn bộ 58 công trình xây dựng trái phép còn lại ở bán đảo Sơn Trà.