Cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đại diện cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và kỹ sư trẻ người Việt tại Ả-rập Xê-út là một cuộc gặp khá đặc biệt, khi diễn ra lúc hơn 22h và kéo dài trong gần 2 tiếng, tối 29/10 (giờ địa phương).
"Cảm ơn bà con đã kiên trì đợi đến giờ này, khi tôi kết thúc hoạt động cuối cùng trong ngày", Thủ tướng nói ông rất sốt ruột khi thấy bà con phải chờ đợi, nhưng cũng rất tự hào khi nghe mọi người nói những suy nghĩ chân thành, thể hiện lo toan, trăn trở về quê hương, đất nước.
Kỹ sư Việt có thu nhập 8.000-16.000 USD ở Ả-rập Xê-út
Báo cáo với Thủ tướng, Đại sứ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út Đặng Xuân Dũng thể hiện tự hào khi thế giới dù có nhiều bất ổn, Việt Nam vẫn luôn là điểm sáng được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Thông tin điểm đáng mừng so với cách đây một năm, Đại sứ Đặng Xuân Dũng cho biết các lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út trước đây chủ yếu làm giúp việc, thì nay ngày càng có nhiều lao động tay nghề cao.
Hiện có 45 kỹ sư Việt Nam tham gia vào tất cả các khâu sản xuất của Công ty Ceer - hãng xe điện đầu tiên của Ả-rập Xê-út, với mức thu nhập từ 8.000-16.000 USD mỗi tháng, theo lời Đại sứ.
Nữ kỹ sư Hoàng Thái Ngọc (làm việc tại Công ty Ceer) nêu nhiều kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ về việc thúc đẩy hợp tác song phương để người Việt có cơ hội việc làm tốt hơn, đưa nhiều người Việt có trình độ cao sang làm việc; có giải pháp đưa nông sản Việt và các sản phẩm bún, phở khô vào thị trường Ả-rập Xê-út; sớm công nhận bằng lái xe giữa hai nước…
Chị Thu (có chồng đang công tác tại Công ty Ceer) chia sẻ điều thú vị khi nhiều người Ả-rập Xê-út biết đến và rất yêu quý Việt Nam vì những đặc trưng về ẩm thực, cà phê.
Một người bạn của chị cho biết rất yêu cà phê Việt Nam và mong muốn kết nối với doanh nghiệp Việt xây dựng nhà máy rang xay cà phê ở Ả-rập Xê-út, cũng như phát triển chuỗi cà phê Việt Nam tại đây.
"Nghe vậy tôi rất vui và tự hào. Việt Nam được đánh giá là quốc gia phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, có nguồn nhân lực trẻ dồi dào và chất lượng cao, có nét đặc sắc về ẩm thực. Chúng tôi mong niềm tự hào này được lan tỏa nhiều hơn, mạnh mẽ hơn", chị Thu nói và kiến nghị sẽ có nhiều hoạt động quảng bá nét đẹp văn hóa Việt Nam ở Ả-rập Xê-út.
Kỹ sư Lê Vũ Tiến Hiếu (làm việc ở Công ty Ceer) cho biết ngay những người trong công ty và ở Thủ đô Riyadh đều rất quan tâm, yêu thích ẩm thực Việt Nam. Anh mong Thủ tướng có giải pháp giới thiệu văn hóa ẩm thực, du lịch Việt Nam tới Ả-rập Xê-út, để tạo điều kiện kết nối hai đất nước.
Nam kỹ sư cũng mong Thủ tướng thúc đẩy hợp tác song phương để mọi người có cơ hội làm việc lâu dài tại đây, nghiên cứu mở đường bay trực tiếp từ Việt Nam tới các nước Trung Đông để thuận tiện đi lại học tập, làm việc.
Chung đề xuất, chị Đào Thùy Linh (đại diện FPT Việt Nam ở khu vực Trung Đông) nêu thực tế việc đưa các kỹ sư Việt đến khu vực này là trở ngại lớn, vì đường bay ngắn nhất từ TPHCM hoặc Hà Nội đến đây phải quá cảnh ở Dubai hoặc Doha, mỗi chặng bay kéo dài 11-12 tiếng.
Chị cũng mong Chính phủ có giải pháp đưa Việt Nam sang vùng đất Trung Đông giàu tiềm năng thông qua quảng bá về văn hóa, ẩm thực, những lĩnh vực rất tiềm năng của Việt Nam.
Một nam kỹ sư khác chia sẻ luôn đau đáu nghĩ về đất nước khi làm việc xa quê. Anh mong Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi, nghiên cứu giảm giá nhà trong nước để khi trở về có thể mua được nhà, cống hiến cho đất nước.
Thúc đẩy mở đường bay thẳng, hợp tác về lao động
Xúc động trước những lời nói chân thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với bà con khi phải xa gia đình đến làm việc ở một đất nước xa xôi, có nền văn hóa khác biệt.
Thủ tướng cho biết trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo các nước, nhiều người nói "là fan của Việt Nam" nên ông rất tự hào về điều đó. Nhưng để kết nối nhanh nhất và thuận lợi nhất, theo Thủ tướng, phải thúc đẩy giao thông, đặc biệt hàng không.
Ông giao Bộ GTVT và các đơn vị liên quan tính toán mở đường bay thẳng đến địa bàn này.
Cho biết Ả-rập Xê-út dù có 33 triệu dân nhưng vẫn thiếu lao động, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ có giải pháp để đưa người lao động sang đây bởi nguồn nhân lực là thứ Ả-rập Xê-út cần và Việt Nam có thế mạnh.
Thông tin thêm về tình hình đất nước, Thủ tướng cho hay dù thế giới khó khăn nhưng Việt Nam dự báo tăng trưởng 7%, được ghi nhận trong nhóm có mức tăng trưởng cao nhất thế giới và khu vực.
Với nhận định không gian phát triển còn rộng lớn, Thủ tướng tin nếu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn, Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa. "Điều quan trọng là cần tiếp tục cải cách để có thể chế thông thoáng, phát huy mọi nguồn lực", Thủ tướng nói.
Với kiến nghị về giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao nghiên cứu hình thức để nhiều người biết đến Việt Nam hơn qua những nét đặc trưng này.
Ông gợi ý có thể đưa người Việt Nam được đào tạo bài bản ra hỗ trợ xây dựng nhà hàng, tham gia các tổ chức liên quan thương mại, dịch vụ… để phát triển nhà hàng Việt Nam ở khu vực Trung Đông, xây dựng các thương hiệu cà phê Việt, phở Việt ở đây để góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Về giá nhà, Thủ tướng nói đây cũng là một bài toán đặt ra. Khoảng 10 năm qua, thị trường bất động sản có một số vấn đề khi chưa đẩy mạnh nhà ở xã hội, chưa có chính sách mua và thuê mua để người thu nhập thấp và sinh viên mới ra trường có thể tiếp cận nhà ở.
Nhưng mới đây, Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua đã có chính sách này nên ông hy vọng thời gian tới, vấn đề nhà ở sẽ có những bước tiến triển tích cực.
Về phía Đại sứ quán, Thủ tướng yêu cầu phải luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của bà con; giải quyết công việc cho bà con như cho người trong gia đình với phương châm nhanh nhất, kịp thời và hiệu quả nhất.
Hoài Thu (Từ Riyadh, Ả-rập Xê-út)