Thuốc Tamiflu khan hàng, tăng giá
Sau khi thử que test dương tính với cúm A, anh Nguyễn Hải Quân (30 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến nhiều nhà thuốc gần khu vực anh ở, nhưng không có Tamiflu. Sau cùng, anh tìm mua được loại thuốc này tại nhà thuốc ở phố Quang Tiến (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với giá 75.000 đồng/viên.
"Một hộp Tamiflu có 10 viên, tôi mua hết 750.000 đồng. Biết là đắt, nhưng không còn cách nào nên tôi cũng cố gắng để mua. Uống hết liệu trình này mà không đỡ, tôi sẽ đến bệnh viện để thăm khám, điều trị", anh Quân cho hay.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, nhiều nhà thuốc trên phố Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), đường Trung Kính, Duy Tân (quận Cầu Giấy)... đều "khan" thuốc Tamiflu để bán. Khách hàng muốn mua phải đặt tiền trước, để chủ hiệu thuốc đặt hàng, kèm theo đó là lời cảnh báo “thuốc rất đắt”, “không có để mua” của nhân viên bán thuốc.

Chị Nguyễn Hương (tên nhân vật đã được thay đổi) là nhân viên nhà thuốc trên phố Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, dịch cúm mùa, đặc biệt là cúm A đang bùng phát, nhu cầu mua thuốc Tamiflu của người dân tăng cao. Cho nên muốn mua thuốc rất khó khăn, phải đợi 2-3 ngày mới có thuốc
"Nhà em bán 1 viên Tamiflu giá 50.000 đồng, thuốc nhập từ Nga. Giá cao, nhưng nhập cũng khó vì tổng đại lý cũng "ém" hàng. Hiệu thuốc nhà em còn mấy viên Tamiflu bán nốt tối hôm qua, nay chưa nhập được hàng", chị Hương cho hay.
Cũng trên phố Đại Mỗ, một hiệu thuốc tân dược bán Tamiflu với giá 75.000 đồng. Nữ nhân viên hiệu thuốc cho rằng, thuốc được nhập từ Pháp, giá "hơi cao so với thời gian trước" nhưng hàng không có để bán.
"Có những bệnh nhân cúm thông thường cũng mua Tamiflu về sử dụng, cho nên khi xảy ra dịch cúm A, thuốc này trở nên khan hiếm, giá đắt. Đáng chú ý bên phân phối thuốc cũng đẩy giá lên, không phải quầy thuốc đẩy giá lên”, nữ nhân viên bán thuốc này khẳng định.

Bệnh viện ở Hà Nội tiếp nhận hơn 500 ca cúm từ đầu năm
Trao đổi với Báo Lao Động ngày 7.2, TS.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, từ tháng 1.2025, bệnh viện tiếp nhận hơn 500 ca mắc bệnh cúm A, còn bệnh nhân có tình trạng sốt, viêm đường hô hấp khá nhiều. Trung bình mỗi tuần có vài chục ca mắc cúm A.
"Từ đầu tháng 2.2025 đến giờ, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận gần một trăm ca cúm A. Số lượng này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái", TS.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng cho hay.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng, trong đợt Tết vừa rồi, những người mắc cúm A chủ yếu là trẻ em và người cao tuổi. Những bệnh nhân cúm A phải nhập viện thường có biểu hiện bệnh nặng, biến chứng viêm phổi, đặc biệt là viêm phổi thùy.
"Thời gian vừa rồi, chúng tôi cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị viêm phổi thùy do cúm A gây ra. Với những trường hợp này, chúng tôi phải tiêm kháng sinh cho người bệnh. Biến chứng viêm phổi nếu không được phát hiện sớm sẽ gây ra biến chứng như xơ phổi, tổn thương phổi, việc điều trị rất khó khăn và lâu dài", Trưởng khoa Khám bệnh nói.
TS.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng cũng khuyến cáo người dân khi có các triệu chứng về sốt, viêm đường hô hấp, hay các triệu chứng bất thường không hạ sốt được cần phải tới các cơ sở y tế để thăm khám để sàng lọc cúm A hoặc sởi, rubella để bệnh viện phân luồng khám riêng nhằm tránh lây lan."Tại Bệnh viện Xanh Pôn, chúng tôi có phân luồng khám riêng cho những bệnh nhân mắc cúm, để tránh lây lan sang các bệnh nhân khác. Chúng tôi cũng có những khu khám riêng cho bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt", TS Hằng cho hay.
Để chủ động phòng, chống cúm mùa hiệu quả, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Người dân nên đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.Cùng với đó, người dân nên tiêm vắc xin cúm mùa để phòng bệnh. Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.