Đoạn video ghi lại cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con mới đây đã thu hút sự chú ý trên mạng. Được biết, đây là một gia đình bình thường đến từ Trương Gia Cảng, Giang Tô (Trung Quốc). Trong đoạn video, cậu con trai đang học cấp hai nói: "Mẹ ơi, con thấy các bạn cùng lớp đều giàu có. Con là gia đình bình thường nhất lớp…".
Người mẹ trả lời: "Con ơi, bố mẹ con là ai và họ làm gì thì cũng không quá quan trọng. Tất cả mọi người đều đến trường để học kiến thức.
Đừng so sánh với người khác, họ thực sự giàu có nhưng của cải chỉ là "thiết bị phần cứng" của chúng ta. Có tiền nhiều không quan trọng hơn việc chúng ta khỏe mạnh và được cùng nhau là một gia đình. Nếu con cố gắng học hành, đạt điểm số tốt hơn những người bạn đó, mẹ tin rằng con vẫn sẽ có cuộc sống như mong muốn dù bố mẹ con không quá giàu có đi nữa".
Cậu bé đặt câu hỏi với mẹ
Câu trả lời của người mẹ đã nhận được sự tán dương của rất nhiều cư dân mạng. Họ khen ngợi lời nói hay và quan điểm sống đúng đắn của mẹ. Nhưng một số cư dân mạng đặt câu hỏi ngược lại rằng: Bà mẹ không yêu cầu con so sánh địa vị gia đình với người khác mà lại yêu cầu con so sánh điểm số của mình với bạn bè, đây là tiêu chuẩn kép. Những gì bà nói hoàn toàn chỉ là lý thuyết suông.
Bên cạnh đó, việc đánh giá thấp giá trị của đồng tiền không hẳn là điều tốt. Hầu hết tất cả các triệu phú tự thân, hoặc bất kỳ ai đã đạt được thành công về tài chính, họ đều tin rằng, tiền rất quan trọng. Cha mẹ giàu thường cho con cái họ biết được tiền quan trọng như thế nào, bất kể là nó mang lại hạnh phúc hay là chất lượng cuộc sống cao hơn...
Trong khi đó, người nghèo hiếm khi nói về tiền bạc, thậm chí còn có người nói rằng, tiền bạc không quan trọng. Điều này ảnh hưởng đến con cái họ về lâu dài, khiến chúng không có định hướng về tài chính đúng đắn.
Khi con hỏi chuyện giàu - nghèo, hãy quan tâm đến cảm xúc đứa trẻ để có ứng xử phù hợp
Sự phát triển của trẻ có nhiều giai đoạn. Khi còn nhỏ, mỗi đứa trẻ tập trung vào cách mọi người có thể chơi cùng nhau. Ở trường tiểu học, phần lớn sự chú ý tập trung vào việc học. Vào cấp hai, trẻ chú ý nhiều hơn, sẽ quan sát và so sánh để xem mình khác biệt như thế nào với các bạn xung quanh. Những khác biệt này bao gồm tính cách, sở thích, hoàn cảnh gia đình... và từ đó nảy sinh nhiều cảm xúc.
Cậu bé trong video ngay từ đầu đã nói với mẹ rằng cậu phát hiện ra rằng gia đình của các bạn cùng lớp rất giàu có. Cậu nói rất cụ thể: Gia đình họ sở hữu một cửa hàng tên là... Khi người mẹ nói rằng sự giàu có chỉ là "phần cứng" và giá trị bản thân quan trọng hơn, đứa trẻ vặn lại: "Nhưng quả thực họ rất giỏi. Họ nói tiếng Anh giỏi đến mức con không hiểu họ đang nói về cái gì".
Trong gia đình, việc con cái chủ động trò chuyện với cha mẹ, kể những chuyện ở trường là điều tốt. Điều đó cho thấy cha mẹ và con cái có mối quan hệ gắn kết. Nhưng làm thế nào để cuộc trò chuyện, trao đổi này kéo dài được lâu thì các bậc phụ huynh thực sự phải quan tâm.
Khi trẻ nói những điều này, chúng thực sự đang đưa ra những nhận định khách quan. Nhưng dù có khách quan đến đâu thì trẻ đang bày tỏ những cảm xúc đằng sau nó.
Chúng ta có thể đoán được đứa trẻ cảm thấy thế nào không? Có phải là ghen tị? Có phải ngạc nhiên? Có phải đó là sự bất mãn với gia đình?... tất cả đều có thể. Đánh giá từ giọng điệu và biểu cảm của đứa trẻ trong video, cậu bé hơi bất ngờ và ngạc nhiên trước phát hiện của mình.
Đồng thời, cậu có phần ghen tị với hoàn cảnh gia đình và thành tích xuất sắc của các bạn cùng lớp, vì tin rằng tiếng Anh của mình không ngang bằng với họ. Nhưng mẹ của đứa trẻ dường như không quan tâm đến cảm xúc của con mình, bà chỉ muốn giải thích lý lẽ.
Con người là sinh vật sống trên trần thế, có nhiều nhu cầu khác nhau. Ngoài nhu cầu vật chất còn có nhu cầu tinh thần và tâm lý, cần được tự do lựa chọn, cần được yêu thương và tôn trọng, cần có sự phụ thuộc lẫn nhau, cần được tự nhận thức... Khi nhu cầu được đáp ứng thì tâm trạng dễ chịu, khi nhu cầu không được đáp ứng thì tâm trạng u ám, chán nản.
Nếu đứa trẻ này đang cảm thấy ngạc nhiên và ghen tị thì nhu cầu của nó là gì? Kinh ngạc có nghĩa là tầm nhìn ban đầu đã được mở ra, nhận thức ban đầu đã bị phá vỡ. Cậu bé có thể tò mò hoặc bất ngờ, cần một lời giải thích, muốn biết và hiểu.
Đố kỵ là nhìn thấy điểm mạnh, lợi ích hoặc lợi thế của người khác và mong muốn bạn cũng có được chúng. Vậy làm thế nào có thể sở hữu nó cho riêng mình? Cậu bé cần một câu trả lời.
Cha mẹ nên trả lời thế nào?
Trên thực tế, cha mẹ không khó để ứng xử sau khi hiểu được nhu cầu của con. Họ có thể trả lời các câu hỏi của con một cách bình tĩnh và trung thực.
Thật đáng tiếc khi người mẹ trong video đã không làm điều này. Thay vào đó, đầu tiên bà phủ nhận một số quan điểm mà đứa trẻ bày tỏ trước đó, sau đó đưa ra một sự thật chung chung để con không nên so sánh. Đứa trẻ có vẻ đồng tình với câu nói của mẹ, nhưng vẻ mặt rõ ràng không còn sôi nổi như lúc đầu. Trẻ có thể họ sẽ không phản bác hay cãi lại bố mẹ, nhưng trong lòng có thể không vui hoặc có thể vẫn còn nhiều băn khoăn.
Những gì người mẹ trong video nói là đúng nhưng lại không công bằng với đứa trẻ. Bởi vì hoàn cảnh gia đình liên quan đến cha mẹ, thành tích học tập liên quan đến con cái. Con cái không thể so sánh những phần cha mẹ chịu trách nhiệm.
Một chuyên gia nhận định: "Nếu tôi là cha mẹ của đứa trẻ này, tôi sẽ hỏi đứa trẻ cảm thấy thế nào. Và nếu thực sự chỉ ngạc nhiên và ghen tị thì tôi sẽ đáp ứng theo nhu cầu. Tôi sẽ nói với các con rằng việc các gia đình có sự chênh lệch về thu nhập và tài sản là điều bình thường. Một số là do sự khác biệt về nỗ lực, một số là do sự khác biệt về nguồn lực và một số cũng phản ánh sự bất công. Cha mẹ quả thực là những người bình thường, khả năng có hạn và cha mẹ đã cố gắng hết sức vì hoàn cảnh gia đình hiện tại.
Nếu con là một đứa trẻ có năng lực mạnh mẽ và mong muốn có một cuộc sống giàu có hơn trong tương lai, con có thể dựa vào nỗ lực của chính mình để tạo ra. Hoặc con có thể nỗ lực để thay đổi một số bất công và thu hẹp khoảng cách xã hội. Nếu chỉ là một người bình thường thì phải giữ tinh thần vững vàng và chấp nhận thực tế. Hơn nữa hạnh phúc trong cuộc sống không phải lúc nào cũng được quyết định bởi sự giàu có mà chúng ta có thể tự tạo ra và tận hưởng hạnh phúc của riêng mình".
Chuyên gia cho rằng, câu trả lời của mình không phải là chuẩn mực, nhưng nó có nghĩa là cha mẹ phải chú ý đến cảm xúc, nhu cầu trong lời nói cũng như những mong muốn bên trong của con. Chỉ khi hiểu được những điều này thì chúng ta mới có thể giao tiếp với con tốt hơn.
Theo Phụ nữ mới