Ngay từ những năm học cấp 2, Ngọc Quỳnh (26 tuổi, quê Yên Thành, Nghệ An) đã loáng thoáng nhận ra cách bố mẹ thương yêu các con dường như không đồng đều.
Bên trọng, bên khinh
Theo Quỳnh kể, người anh cả luôn được ưu ái nhất vì học giỏi. "Mọi việc trong nhà anh không hề động tay đến, chỉ lo học. Bố mẹ cũng thương em gái tôi thật nhiều do bé nhất nhà. Còn tôi, dường như không có lý do gì để được yêu thương" - Quỳnh ấm ức nói.
Học hết THPT, Quỳnh đi làm công nhân, lương tháng bao nhiêu, cô chỉ giữ một ít để tiêu xài, còn lại gửi hết cho bố mẹ. Trong khi đó, người anh cả đi lao động hợp tác rồi lập gia đình không hề đếm xỉa đến món nợ chất chồng mà cả nhà vay để anh xuất ngoại. Vậy mà mỗi lúc nhắc đến, bố mẹ không chỉ hết lòng bênh vực người anh mà còn quay sang trách móc Quỳnh.
Đó cũng là nỗi lòng của anh Minh Trí (32 tuổi, ngụ Tân Hiệp, Kiên Giang). Anh tâm sự: "Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình do tôi gánh vác. Giỗ quảy, tiệc tùng trong nhà đều do tôi bỏ tiền túi ra lo. Từ xây nhà cho ba má đến nuôi các em ăn học cũng do một tay tôi.
Vậy mà từ trước đến giờ dường như ít khi nào ba má nghĩ đến tôi. Thời sinh viên, tôi phải tự bươn chải bằng đủ thứ nghề để có tiền đóng học phí. Đi làm, tôi tự vay mượn khắp nơi để mua nhà, cưới vợ.
Tới bây giờ nợ nần vẫn chưa trả hết". Cũng theo anh Trí, ba má anh vừa chia đất cho các con nhưng anh không có phần vì… đã có nhà ở thành phố.
Trên đây chỉ là hai trong vô số câu chuyện "bên trọng, bên khinh" mà nhiều gia đình, cá nhân gặp phải. Hầu hết cha mẹ khi được hỏi đều khẳng định luôn san sẻ đều tình yêu thương cho các con nhưng thực tế trong cách ứng xử thường ngày, họ lại không cho con thấy được điều đó.
Giãi bày cho sự thiên vị này, cha mẹ thường vin vào nhiều lý do để biện hộ. Đó có thể là đứa con đầu lòng, cũng có thể là đứa con bé bỏng ra đời muộn.
Đó cũng có thể là đứa con xinh đẹp hay thông minh, giỏi giang hơn; cũng có thể là đứa chịu nhiều thiệt thòi do bệnh tật hoặc nghèo khó.
Ngoài ra, còn một số lý do cá nhân như đứa trẻ đó giống ngoại hình hay tính cách của cha hoặc mẹ.
Ảnh minh họa AI: Vy Thư
Thấu hiểu cảm xúc của con
Có 3 con với độ tuổi từ 10-18, anh Ngọc Thịnh (46 tuổi, quận Bình Tân) và chị Minh Thi (44 tuổi) luôn cố gắng yêu thương, chăm sóc các con một cách công bằng.
Không bao giờ so sánh thành tích học tập giữa các con, thay vào đó, họ tập trung vào những nỗ lực và sự cố gắng của từng đứa trẻ.
"Chúng tôi thường lắng nghe ý kiến và cảm xúc của các con, từ đó hiểu rõ hơn những mong muốn và nhu cầu riêng của mỗi đứa. Nếu một trong số các con đạt thành tích cao trong học tập, chúng tôi không chỉ khen ngợi cháu đó mà còn khuyến khích và động viên các cháu còn lại.
Vợ chồng tôi luôn nhắc nhở các con rằng mọi người đều có những thế mạnh riêng và quan trọng là mỗi người đã nỗ lực hết mình" - anh Thịnh chia sẻ.
Vợ chồng anh Thịnh cũng phân chia thời gian một cách hợp lý để dành sự quan tâm cho từng đứa trẻ. Nếu con út cần được chăm sóc nhiều hơn do tuổi còn nhỏ, họ sẽ giải thích cho các con lớn hiểu và tạo điều kiện để các con cũng tham gia vào việc chăm sóc em, tạo sự gắn kết giữa anh chị em trong gia đình.
"Việc đối xử công bằng giúp các con cảm thấy được yêu thương và tôn trọng. Các con lớn lên trong một môi trường gia đình hạnh phúc, nơi mà mọi người đều quan tâm và hỗ trợ lẫn nhau sẽ giúp các con phát triển tốt về mặt tâm lý; xây dựng mối quan hệ bền vững giữa các thành viên trong gia đình; học được sự tôn trọng, lòng biết ơn và khả năng đồng cảm với người khác" - anh Thịnh nói.
Trò chuyện với một số cá nhân bị đối xử bất bình đẳng trong tình yêu thương của cha mẹ, họ thừa nhận có xu hướng tự ti, thiếu tự tin, cảm thấy mình không có giá trị.
Sự thiên vị của cha mẹ đôi khi khiến họ có tâm lý bất an, ganh tị, thậm chí có người còn cảm thấy "ghét" anh, chị, em mình. Đặc biệt để phản ứng lại, có người đã cãi lại cha mẹ, nổi loạn...
"Từ câu chuyện của gia đình mình, tôi nhận thấy nếu một đứa trẻ được yêu thương quá mức, vượt qua những đứa khác trong nhà chúng sẽ nảy sinh cảm giác về sự "ưu việt" của mình, trở nên ích kỷ, khó tự lập khi bước vào đời" - Ngọc Quỳnh nhận xét.
Theo Ngọc Quỳnh, mỗi đứa trẻ cần được yêu thương và công nhận một cách bình đẳng. Cha mẹ cần khích lệ, động viên và công nhận những nỗ lực của các con. "Sau này có con, tôi sẽ cố gắng để các con hiểu rằng tình yêu thương của cha mẹ là vô điều kiện, công bằng, không phụ thuộc vào bất cứ điều gì" - Ngọc Quỳnh chia sẻ.
Bằng cách thể hiện tình yêu thương một cách công bằng, giao tiếp mở và tạo môi trường gia đình tích cực, cha mẹ có thể giúp các con phát triển một cách toàn diện và hạnh phúc hơn. |
Theo NLĐ