Con bị bắt nạt ở trường, ông bố chỉ nhắn vài dòng, phụ huynh kia lập tức xin lỗi

06/06/2023 14:38

Cách xử lý của ông bố được nhiều người đồng tình nhưng cũng gây ra tranh cãi.

Một người cha ở Trung Quốc mới đây chia sẻ câu chuyện bị bắt nạt của con trai mình: Một ngày nọ, cậu con trai về nhà và giận dữ nói với cha rằng cậu đã vô tình làm xước quần áo của bạn cùng bàn rồi bị bạn đá nhiều lần, đến nỗi bắp chân tím tái.

Người cha nghe xong có phần mất bình tĩnh. Nhưng sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ông quyết định nhắn một tin trong nhóm chung của lớp:

"Thưa thầy, hôm nay con tôi rất tức giận. Cháu bị bạn học tên K. bạo lực, nên khi về thì gọi điện cho rất nhiều bạn chơi cùng dọa ngày mai quay lại trường 'trả thù'. Tôi can ngăn các cháu. Dù sao chúng ta cũng là bạn cùng lớp. Đánh nhau là sai, nên giữ hòa khí thì lớp học mới ổn định. Thầy thấy tôi xử lý ổn thỏa không?".

Giáo viên chủ nhiệm nhận tin, nhanh chóng phản hồi trong nhóm, cảm ơn cách xử lý của người cha, đồng thời hứa sẽ giải quyết triệt để. Phụ huynh của em trai kia cũng lập tức nhận ra con mình đã làm sai nên gọi điện xin lỗi. Sự việc được giải quyết ổn thỏa.


Con bị bắt nạt ở trường, ông bố chỉ nhắn vài dòng, phụ huynh kia lập tức xin lỗi-1

Nhiều người đồng tình với ông bố, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, phụ huynh nên nói chuyện riêng với cha mẹ học sinh kia hoặc với giáo viên trước khi "tung hê" mọi chuyện lên nhóm chat. Làm như vậy vừa mang tính chất "giương oai", vừa khiến giáo viên khó xử, chưa kể làm phiền đến tất cả phụ huynh khác.

Con cái là bảo bối của cha mẹ, khi nhìn thấy con bị bắt nạt, cha mẹ sẽ không tránh khỏi sự tức giận. Nhưng thay vì làm ầm trong nhóm lớp, vẫn có những cách giải quyết khác.

Tình huống 1: Chỉ là mâu thuẫn nhất thời, không phải bắt nạt 

Một người mẹ từng chia sẻ, sau khi con đi học về, chị phát hiện trên tay con có vết đỏ, gặng hỏi thì mới biết cháu đánh nhau với bạn cùng bàn. Chị có chút lo lắng, lập tức nhấc máy, định gọi ngay cho phụ huynh kia hỏi cho ra lẽ.

Nhưng cậu con trai nói: "Không sao đâu, chúng con chỉ đánh nhau hai lần vì bất đồng ý kiến, và đã làm hòa với nhau". Quả nhiên, ngày hôm sau, cậu bé và bạn cùng bàn lại chơi với nhau như trước.

Trong quá trình chơi, trẻ thỉnh thoảng có một số mâu thuẫn nhỏ, xích mích nhỏ, có thể xảy ra các tình huống như trầy xước, ngã, thực ra đó là điều bình thường. Chỉ cần con không thường xuyên bị bắt nạt, quan hệ với các bạn trong lớp không nảy sinh mâu thuẫn lớn hơn thì cha mẹ không cần quá lo lắng.

Trong nhiều trường hợp, để con cái tự giải quyết những xích mích còn hơn là bố mẹ can thiệp. Bởi trong cơn nóng giận, những cuộc đấu khẩu không hồi kết có thể biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn.

Tình huống 2: Bị cố tình làm xấu mặt và bắt nạt

Nếu trẻ bị bắt nạt ở trường, cha mẹ không nên ép trẻ nhượng bộ mà cần lên tiếng. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý đến phương pháp và cách thức phản ứng, nếu chỉ vì nổi nóng mà thiếu sáng suốt thì sẽ không giải quyết được vấn đề, sự việc vượt quá tầm kiểm soát sẽ gây bất lợi cho trẻ.

1. Giữ bình tĩnh 

Khi bị bắt nạt, trẻ thấy oan ức và tức giận, lúc này điều trẻ cần là sự tư vấn tình cảm nhẹ nhàng từ cha mẹ hơn là tiếp tục nung nấu lửa giận. Vì vậy, sự ổn định về tình cảm của cha mẹ là đặc biệt quan trọng.

Lúc này, đừng để tình cảm lấn át vì thương con mà hãy bình tĩnh, trước tiên hãy giúp trẻ ổn định cảm xúc, đồng cảm để trẻ cảm thấy mình được thấu hiểu và dựa dẫm. Giải tỏa hợp lý những cảm xúc tiêu cực sẽ giúp ích rất nhiều cho việc giải quyết vấn đề một cách đúng đắn.

2. Hỏi tại sao

Sau khi bình tĩnh lại, điều đầu tiên cần làm là hỏi đứa trẻ tại sao lại bị bắt nạt và tìm hiểu toàn bộ câu chuyện. Đôi khi, việc trẻ bắt nạt không nhất thiết phải do đối phương mà cũng có thể là do con mình, vì vậy, điều quan trọng là phải hỏi rõ ràng nguyên nhân.

Nếu chính con bạn mắc lỗi, bạn không nên nuông chiều con mà nên giúp con nhận ra lỗi lầm của mình, chủ động xin lỗi đối phương; nếu đó là vấn đề của bên kia, hãy cố gắng áp dụng các biện pháp nhẹ nhàng để giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Nhẹ nhàng nhưng không nhân nhượng. Đây cũng là cơ hội dạy trẻ cách xử lý vấn đề một cách hợp lý.

Hãy trực tiếp đến gặp giáo viên chủ nhiệm để cùng trao đổi. Đây được xem là hướng giải quyết tối ưu nhất để cùng thầy cô trực tiếp hướng dẫn lớp của các con nắm bắt vấn đề được rõ ràng, cụ thể hơn. Hãy đề nghị thầy cô cùng hỗ trợ để nhanh chóng giải quyết những khúc mắc của con với bạn bè chúng.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự việc, cha mẹ cũng có thể cân nhắc liên hệ với phụ huynh các bạn học của con để trao đổi về phương án dạy dỗ, tránh dẫn đến những tình huống xấu hơn.

3. Nâng cao ý thức tự bảo vệ của trẻ

Ở trường, học sinh có tính cách rất khác nhau, và xung đột là không thể tránh khỏi. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ vận động nhiều hơn, củng cố sức mạnh để nâng cao ý thức và khả năng tự bảo vệ. Các môn thể thao tiếp xúc, chẳng hạn võ thuật, bóng đá, có thể giúp các bé trai thực hành tiếp xúc cơ thể trong giới hạn được xác định rõ ràng. Điều này giúp các em xây dựng sự tự tin trong việc phản ứng một cách bình tĩnh trước những tình huống đụng chạm thân thể.

Cha mẹ cũng nên chú ý đến việc rèn luyện tính cách của con cái, dạy con bao dung, hòa thuận với mọi người, giảm xung đột và xích mích với các bạn cùng lớp. Đừng chủ động gây sự, nhưng nếu bị bắt nạt, dặn con đừng im lặng chịu đựng được.

Ngoài ra, còn có một số điều học sinh và cha mẹ có thể làm để ngăn chặn bắt nạt:

Nghiên cứu cho thấy rằng việc phụ huynh quan tâm, chia sẻ và sẵn sàng lắng nghe những vấn đề của con sẽ làm giảm nguy cơ trẻ bị bạn bè bắt nạt ở trường.

Cha mẹ có thể đặt ra tình huống, tập cho con phản ứng bình tĩnh và quyết đoán trước hành vi tiêu cực/gây hấn nhỏ từ học sinh khác.

Có những người bạn tốt cũng bảo vệ học sinh khỏi bị bắt nạt.

Phụ huynh, giáo viên cần giúp học sinh học cách nhận biết, tránh xa những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra và rèn luyện kỹ năng xoa dịu các tình huống có nguy cơ bùng phát thành bạo lực bằng ngôn ngữ cơ thể, lời nói bình tĩnh.

Trường học là một xã hội thu nhỏ, cha mẹ không thể lúc nào cũng quan tâm đến con cái, chúng phải học cách trưởng thành và tự lập đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Cách cha mẹ giải quyết vấn đề sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của trẻ. Vì vậy khi con bị bắt nạt ở trường, cha mẹ phải xử lý khôn khéo, không nên chỉ làm ầm ĩ trong nhóm lớp chỉ để bảo vệ con.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Theo tintuconline.com.vn
https://tintuconline.com.vn/lam-me/con-bi-bat-nat-o-truong-ong-bo-chi-nhan-vai-dong-phu-huynh-kia-lap-tuc-xin-loi-n-563682.html
Copy Link
https://tintuconline.com.vn/lam-me/con-bi-bat-nat-o-truong-ong-bo-chi-nhan-vai-dong-phu-huynh-kia-lap-tuc-xin-loi-n-563682.html
Bài liên quan
  • Thai phụ ăn uống tốt, con sẽ tăng IQ
    Chế độ ăn uống tốt của người mẹ trong thời gian mang thai có thể giúp não bộ của trẻ phát triển tốt hơn về mặt cấu trúc
  • Cảnh giác khi trẻ kêu đau đầu
    Chứng bệnh đau đầu hay gặp ở người lớn nhưng trẻ em cũng có thể gặp phải tình trạng này. Khi trẻ kêu đau đầu, cha mẹ không nên xem thường bởi đó cũng có thể là triệu chứng của những bệnh lý đáng ngại.
  • Chế độ dinh dưỡng cho trẻ gái dậy thì sớm
    Tuy không phải là yếu tố quyết định nhưng dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến quá trình dậy thì ở nữ giới. Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu dinh dưỡng, hạn chế các thực phẩm không lành mạnh sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện và giảm thiểu các nguy cơ liên quan đến dậy thì sớm.
  • Các phương pháp can thiệp sớm dành cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ
    Có nhiều phương pháp can thiệp ra đời để hỗ trợ trẻ có rối loạn phổ tự kỷ hay trẻ đặc biệt có thể học tập những kỹ năng mới và vượt qua vô vàn thách thức ở từng giai đoạn phát triển. 
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Con bị bắt nạt ở trường, ông bố chỉ nhắn vài dòng, phụ huynh kia lập tức xin lỗi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO