
Đầm Lập An nằm ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, thành phố Huế, có diện tích khoảng 800ha.
Nằm trong vịnh Lăng Cô, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, đầm Lập An là thắng cảnh nổi tiếng nhất nhì Cố đô Huế.

Đầm Lập An được bao quanh bởi dãy núi Bạch Mã ngút ngàn, hùng vĩ, được nhiều người ví von với biệt danh "tuyệt tình cốc" xứ Huế. Trong đầm có nguồn thủy sản vô cùng đa dạng, phong phú.

Bên cạnh phát triển du lịch, đầm Lập An từ xưa nổi tiếng với nghề khai thác hàu tự nhiên và vỏ của loài này để làm vôi.
Từ năm 2000 trở lại đây, khi nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao, người dân thị trấn Lăng Cô bắt đầu chuyển sang nuôi hàu bằng lốp cao su treo trên các cọc tre, gỗ.
Ngoài ra, một số hộ dân nuôi thêm hàu sữa với con giống được cấy ghép trên vỏ hàu khô, xâu thành từng chuỗi bằng dây cước.

Người dân Lăng Cô khai thác hàu tươi đem bán cho các thương lái. Tại khu vực tập kết có rất nhiều vỏ hàu cũ và lốp xe được người dân ngâm dưới nước, mỗi khi đi qua những địa điểm này, mùi hôi bốc lên nồng nặc.

Một người dân nuôi hàu lâu năm tại đầm Lập An cho biết, lốp cao su sẽ được tái sử dụng nhiều lần, 7-10 năm. Sau mỗi đợt thu hoạch, người dân sẽ làm sạch giá thể, phơi khô, chờ đến mùa vụ, mang ra thả xuống nước để hàu bám vào.
Theo UBND thị trấn Lăng Cô, hiện nay có khoảng 510 hộ dân ở 9 tổ dân phố của thị trấn tham gia nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, trong đó có 396ha nuôi hàu cọc, giá thể bằng lốp xe cũ, chiếm 90,34% diện tích nuôi trồng.

Người dân tập kết, phơi lốp xe cũ sau khi khai thác hàu dọc các tuyến đường phía Đông và Tây đầm Lập An.

Người dân địa phương tập kết lốp xe cũ ngay tại cồn cát nổi dọc phố đi bộ Nguyễn Văn, nơi hàng ngày thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chụp ảnh và ăn uống.

Nước trên đầm Lập An nhiều thời điểm chuyển màu nâu sẫm và bốc mùi khó chịu.

Mặt nước "tuyệt tình cốc" xứ Huế còn chịu tác động từ những công trình bằng bê tông, cốt thép xây dựng dang dở.
Trong ảnh là Khu du lịch Bến thuyền - Thể thao dưới nước Lăng Cô, được cấp phép từ năm 2007 do Công ty cổ phần Du lịch Đảo Ngọc (trụ sở tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm chủ đầu tư, có tổng vốn trên 80 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 12ha.
Tuy nhiên, dự án đã bị Ban Quản lý khu kinh tế và công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế chấm dứt đầu tư, thu hồi dự án từ năm 2018 do chậm tiến độ kéo dài.

Ngoài ra, đầm Lập An còn chịu nhiều tác động từ các hoạt động khai thác khoáng sản, vỏ hàu trái phép và nhiều mô hình kinh tế chưa thực sự thân thiện môi trường.

Vị trí Vịnh Lăng Cô (Ảnh: Google Maps).
Theo UBND thị trấn Lăng Cô, năm 2020, UBND huyện Phú Lộc đã phê duyệt đề án khai thác mặt đầm Lập An, với tổng diện tích 1.630ha. Đề án hướng đến sắp xếp, quản lý việc khai thác và nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch sinh thái, bảo tồn đầm Lập An giai đoạn 2020-2030.
Trong giai đoạn 1 (2020-2025), huyện Phú Lộc chỉ đạo thị trấn Lăng Cô tổ chức bố trí, sắp xếp lại nghề nuôi hàu truyền thống theo hướng giảm số lượng cọc và chia sẻ hợp lý diện tích mặt nước giữa các hộ nuôi.
Giai đoạn 2 (2025-2030), chuyển đổi dần theo lộ trình thích hợp từ nghề nuôi hàu truyền thống sang nuôi công nghiệp (nuôi treo giá thể trong lồng bè di động).
Tuy nhiên đến nay, việc sắp xếp gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt đây là mô hình sinh kế chính, bảo đảm đời sống của rất nhiều hộ dân.