Cơ hội nào cho dược liệu và thuốc cổ truyền Việt Nam?

Thùy Linh| 06/11/2024 21:44

Dược liệu dễ có nguy cơ làm giả, vì vậy vấn đề an toàn chất lượng dược liệu cũng được đặt lên hàng đầu.

Cơ hội nào cho dược liệu và thuốc cổ truyền Việt Nam?
Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) nói về cơ hội phát triển dược liệu trong nước. Ảnh: Thùy Linh

Chiều 6.11, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Hội chợ Dược liệu, Y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ 2 năm 2024.

Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết: Việt Nam có nguồn dược liệu lớn với khoảng 5.000 loài cây quý có công dụng trong việc chăm sóc bảo vệ sức khoẻ. Cả nước đã hình thành các vùng trồng dược liệu lớn, với những cây thuốc quý như: Sâm Ngọc Linh, quế, hồi, sa nhân... đang được tiêu thụ mạnh.

"Dược liệu không giống với thuốc tân dược, có loại không thể thay thế, vì vậy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều loại từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ" - ông Thịnh nói.

Theo Ban tổ chức, dược liệu dễ có nguy cơ làm giả, vì vậy, vấn đề an toàn chất lượng dược liệu cũng được đặt lên hàng đầu và cũng là một trong những nội dung của Hội chợ năm nay, nhằm cung cấp kiến thức giúp người tiêu dùng cách phân biệt các loại dược liệu, thuốc cổ truyền thật – giả.

Hội chợ Dược liệu, Y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ 2 quy tụ 425 gian hàng của hơn 300 tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, cơ sở nuôi trồng dược liệu, y tế thông minh, các Bệnh viện Y học cổ truyền, Hội Đông y trong nước và quốc tế...

Điểm mới trong hội chợ năm nay là kêu gọi được doanh nghiệp nuôi trồng dược liệu, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia triển lãm, nhằm quảng bá y học cổ truyền cũng như phương pháp chữa bệnh y học cổ truyền hiệu quả của Việt Nam với thế giới.

Để dược liệu an toàn về chất lượng được đưa ra thị trường, theo ông Thịnh cần phải kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ.

Hiện nay, tình trạng tẩm ướp, phun các chất bảo quản vào dược liệu, thuốc đông y bán ra thị trường khiến nhiều người sử dụng bị suy gan, suy thận phải nhập viện cấp cứu đang gây bức xúc trong xã hội.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Thịnh khẳng định: "Các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận GDP (thực hành tốt phân phối thuốc) và các bệnh viện chính thống không bao giờ phun, tẩm ướp, sử dụng chất bảo quản trong dược liệu, thuốc đông y. Chỉ có các sản phẩm không chính thống, hoặc một số "ông lang, bà mế" nào đó có thể sử dụng chất bảo quản, người bệnh mua về sử dụng, gặp phải những bệnh lý đáng tiếc".

Theo ông Thịnh, Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định về điều kiện sơ chế, chế biến dược liệu; Cục Quản lý Y Dược cổ truyền thường xuyên có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương đề nghị tăng cường kiểm tra các phòng khám, cơ sở hành nghề gia truyền, khi phát hiện những trường hợp dược liệu, thuốc đông y không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì có chế tài để xử phạt nghiêm, nhằm kiểm soát tình trạng này.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/co-hoi-nao-cho-duoc-lieu-va-thuoc-co-truyen-viet-nam-1418063.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/co-hoi-nao-cho-duoc-lieu-va-thuoc-co-truyen-viet-nam-1418063.ldo
    Nổi bật
        Mới nhất
        Cơ hội nào cho dược liệu và thuốc cổ truyền Việt Nam?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO