Một bộ phim về công tử Bạc Liêu? Đây là ý tưởng không tệ bởi trên thế giới, điện ảnh vẫn thoải mái làm phim về các nhân vật có thật mà hình ảnh gây tranh cãi, thậm chí tai tiếng. Điều quan trọng là bộ phim có cách phản ánh nghệ thuật và mang lại thông điệp gì.
Với phim điện ảnh Công tử Bạc Liêu, nhà làm phim chọn hướng đi an toàn là hài hước hóa nhân vật với màu sắc tươi sáng, lối diễn đùa giỡn cùng lời thoại tấu hài. Nhân vật chính được tôn vinh, yêu mến.
Hài hước hóa, tô hồng nhân vật
Nguyên mẫu của nhân vật là Trần Trinh Huy (cậu Ba Huy), tay chơi nổi tiếng số một ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940.
Phim Công tử Bạc Liêu chọn cách khắc họa nhân vật từ khía cạnh tích cực. Nhân vật trong phim có tên Ba Hơn (Song Luân đóng).
Phim hài hước hóa các thói xư tật xấu của nhân vật như: tiêu tiền như nước, chỉ lo ăn chơi, đi du học nhưng học toàn những thú chơi của giới nhà giàu, không coi trọng công việc kinh doanh của người cha mà chỉ chăm chăm xin tiền đi mua máy bay, cuộc thi thi đốt tiền nấu chè giữa Hắc công tử - Bạch công tử để lấy lòng người đẹp cải lương Bảy Loan (nhân vật lấy cảm hứng từ nghệ sĩ Phùng Há)...
Bên cạnh nhân vật chính, phim cũng tô hồng tất cả nhân vật xung quanh, đặc biệt là phản ứng của người dân.
Công tử Ba Hơn mắc rất nhiều sai lầm lớn trong kinh doanh nhưng hậu quả dường như không lấy gì làm nghiêm trọng. Nhà băng phá sản phải đóng cửa nhưng lại được khôi phục quá dễ dàng khiến khán giả cảm thấy khó hiểu.
Cảnh đốt tiền nấu chè trong phim như được minh họa một cách vui vui, thay vì tận dụng để khắc họa tâm lý nhân vật cùng thói tiêu tiền ngông ngạo.
Cách kể chuyện nặng tính minh họa cộng với cái kết tốt đẹp "rải tiền giúp dân nghèo" làm bộ phim trôi tuột.
Ai cũng hiểu mọi thứ trên đời không dễ dàng như vậy. Số tiền của người cha giàu có - ông Hội đồng Lịnh (nguyên mẫu ngoài đời là "vua lúa gạo Nam Kỳ" Trần Trinh Trạch) - dù rất lớn nhưng không phải vô đáy để con cái tiêu xài như thế.
Thông điệp được chính nhân vật nói ra "công tử Bạc Liêu đi đâu là niềm vui tới đó" cũng không sâu sắc, không để lại sự suy ngẫm gì về mặt trái của sự giàu sang và đồng tiền.
Có thể nhà làm phim không chọn chủ đề mặt trái, nhưng bất cứ thứ gì giúp làm điểm neo cảm nhận, cảm xúc cho khán giả đều tốt hơn cho phim, thay vì để họ xem xong mà không thấy lắng đọng điều gì.
Giá trị công tử Bạc Liêu để lại là niềm vui?
Nói với báo chí khi Công tử Bạc Liêu ra mắt, đạo diễn Lý Minh Thắng cho biết anh có dụng ý riêng về hành trình cậu Ba Hơn chứng tỏ giá trị cá nhân mình, có sự dõi theo, hỗ trợ và thúc đẩy của ông Hội đồng Lịnh.
Khi được hỏi về những thành công dễ dàng, đôi khi gây cảm giác khiên cưỡng của cậu Ba, đạo diễn nói phim có những khoảnh khắc "magical" như khi nhà băng đang cần tiền thì đột nhiên có một bà già đến gửi tiền, nhưng đằng sau đó có sự sắp đặt của ông Lịnh.
Đạo diễn tin rằng 100% những giai thoại về công tử Bạc Liêu là tam sao thất bản. Để làm phim, anh đã tìm gặp một nhà báo từng viết về công tử, một người làm lâu năm ở nhà công tử... để hỏi chuyện.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, đạo diễn nói về việc lựa chọn nhân vật này để làm phim: "Tại sao một người không có tài năng gì hết trơn, không có đóng góp gì cho xã hội hết trơn, mà đến giờ vẫn được mọi người nhắc đến như một thương hiệu rất lớn?
Nhắc tới Bạc Liêu là nhắc tới công tử Bạc Liêu, rõ ràng phải có giá trị gì đó.
Khi nói chuyện với những người đó, tôi nhận ra giá trị của công tử là niềm vui, là giá trị tinh thần.
Dân mình thời đó rất khổ cực, làm việc đầu tắt mặt tối, có công tử về mang đến sự vui vẻ, ổng không phân biệt giai cấp.
Tôi nhận ra đó là lý do người dân tối ngày nhắc đến ông công tử Bạc Liêu. Ổng duyên dáng lắm, vui vẻ lắm".
Đạo diễn cho rằng với những giai thoại tam sao thất bản, sẽ có những tranh cãi về góc nhìn của phim. Nhưng anh khẳng định: "Tôi tin góc nhìn của mình xứng đáng với sự vang vọng của danh xưng công tử Bạc Liêu từ bao nhiêu năm nay đến bây giờ".
LÊ GIANG