Một câu chuyện mới đây đang gây tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Theo đó, có một học sinh không chú ý nghe giảng trên lớp, không làm bài đúng hạn nên học lực môn Toán sa sút hẳn. Nhắc nhở không được, cô giáo đành liên hệ với phụ huynh.
Cô nhắn: "Tình hình học tập của cháu gần đây không tốt. Tôi hy vọng phụ huynh và cháu có thể trò chuyện, động viên cháu chăm chỉ học tập để có một tương lai tốt hơn trong tương lai".
Tuy nhiên, câu trả lời của người bố khiến cô giáo vô cùng bất ngờ: "Thưa cô, lương tháng của cô được bao nhiêu? Nhà chúng tôi có 6 căn, tiền gửi 40 triệu NDT (hơn 130 tỷ đồng), cô phải lo gì cho tương lai con tôi?". Sau đó, người này còn khẳng định, việc dạy học là của giáo viên, đừng ỷ lại vào phụ huynh.
Những hình ảnh trò chuyện của cô giáo và vị phụ huynh sau đó lan truyền trên mạng xã hội khiến dân tình tranh cãi dữ dội. Hầu hết đều chỉ trích người bố của em học sinh quá tự cao tự đại. Với sự xem thường giáo viên như vậy, làm sao đứa trẻ có thể có sự tôn trọng thầy cô của mình để chuyên tâm học hành?
Một khi mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh không hòa hợp, chính con cái chúng ta sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. (Ảnh minh họa)
Mục tiêu của cha mẹ và thầy cô là giống nhau, đều mong con cái có tư cách đạo đức tốt, học lực xuất sắc, vậy nên quan hệ giữa hai bên đáng ra phải là hợp tác tương trợ. Nhưng trên thực tế, nhiều người mâu thuẫn với thầy cô giáo của con mình, xuất phát từ quan điểm giáo dục khác nhau.
Giáo viên chịu trách nhiệm về việc học tập và cuộc sống của trẻ ở trường, tuy nhiên, hàng loạt hành vi của trẻ ở trường không thể tách rời sự giáo dục của gia đình.
Một số phụ huynh không hài lòng vì giáo viên quá nghiêm khắc, cố tình đẩy việc dạy dỗ học sinh cho gia đình. Ngược lại, một số giáo viên rất tức giận vì phụ huynh quá cưng chiều con cái họ. Có phụ huynh tức giận chuyển con sang trường khác mong gặp được người thầy lý tưởng, cũng có giáo viên dần chán nản và mặc kệ học sinh. Dù kết quả có ra sao thì người tổn thương nhất vẫn là con cái mình.
Xây dựng lại mối liên kết giữa phụ huynh và giáo viên
Sự hợp tác giữa nhà trường và gia đình là rất quan trọng, và sự giao tiếp giữa giáo viên và phụ huynh càng quan trọng hơn. Vì thế, cần lưu ý một số điều sau đây:
Thứ nhất, cha mẹ nên tôn trọng của giáo viên
Khi cha mẹ tỏ thái độ thiếu tôn trọng giáo viên thì ngay lập tức con trẻ cũng sẽ học được điều đó. Từ đó, trẻ sẽ suy nghĩ và hành động ngang ngược. Nói xấu, xem thường giáo viên đều là làm gương xấu cho con mình.
Hoặc tranh cãi với giáo viên ngay trước mặt con của họ khiến mọi người đều khó xử. Cách giải quyết vấn đề thông minh và tinh tế hơn là đề nghị gặp riêng giáo viên của con, tham gia cộng đồng trao đổi giữa giáo viên - phụ huynh.
Thứ hai, phụ huynh hiểu được sự vất vả của giáo viên
Một số phụ huynh quy kết oán trách thầy cô giáo của con mình vì những hành vi nho nhỏ của thầy cô mà cha mẹ không ưa. Những hành vi đó chính cha mẹ ở nhà cũng hành xử với con suốt, nhưng cha mẹ lại không chịu nổi khi thấy cô giáo làm như vậy. Điều này khiến các cha mẹ bức xúc và có những can thiệp khá thô bạo vào việc dạy và học ở trường.
Hành vi can thiệp vào những chi tiết vô cùng nhỏ nhặt xảy ra trong trường của các phụ huynh sẽ làm giáo viên thêm khổ sở và bị tổn thương, nhưng họ không thể vứt bỏ lớp học và học sinh của mình đi được, họ vẫn phải tiếp tục công việc. Dạy học với tâm trạng ức chế rõ ràng là điều không tốt cho cả học sinh và giáo viên.
Khi quyết định trao đổi với giáo viên của con, không nên kết luận ngay lỗi sai của họ. Hãy tìm hiểu kỹ càng thông tin và lắng nghe ý kiến giáo viên về vấn đề, không nên mang thái độ thô lỗ, xúc phạm. Nếu chúng ta hiểu nhau hơn một chút, mối quan hệ sẽ ngày càng hài hòa.
Thứ ba, giáo viên nên tôn trọng sự khác biệt của trẻ
Muốn trẻ sẽ ngày càng tốt hơn, vì vậy một số giáo viên rất nghiêm khắc với trẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hiểu rằng không phải đứa trẻ nào cũng phát triển theo mong đợi của cha mẹ, thầy cô. Các em rất khác nhau và chúng ta phải chấp nhận những kết quả khác nhau, từ đó sẽ có cách giáo dục phù hợp với năng khiếu và năng lực các em.
Theo PNVN