Việc một cô dâu ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) cởi váy cưới bỏ về ngay tại hôn trường đang gây bão mạng. Đám cưới được tổ chức sau 7 năm đôi trẻ yêu nhau, nhưng cô dâu không thể kiên nhẫn sau câu phát biểu tự cao của mẹ chồng: “Con tôi có tài năng, lại đẹp trai thế nên nó cưới vợ chẳng tốn xu nào”.
Không ít người bày tỏ sự hả dạ sau cú "quay xe" của cô dâu, dù họ không rõ đây chỉ là lời phát biểu ngẫu hứng của người mẹ chồng, hay là đòn "trả đũa" cho việc nhà gái đòi sính lễ quá cao (một ngôi nhà và một chiếc xe, tuy nhiên, nhà gái đã rút lại yêu cầu này vì nhà trai cho biết là không đủ khả năng đáp ứng). Tuy vậy, dù lý do sâu xa là gì, việc người mẹ chồng phát ngôn coi thường nhà gái cũng khó chấp nhận. Hành động cởi váy cưới và tuyên bố từ hôn ngay trên sân khấu của cô dâu Mỹ An không phải hành động đẹp trước đám đông, nhưng lại được tán thành, cũng là điều dễ hiểu.
Trông người lại ngẫm đến ta. Chuyện cởi váy cưới từ hôn ngay trong đám cưới chưa xảy ra ở Việt Nam, nhưng chuyện từ hôn sát ngày cưới không hiếm, từ lý do nhà gái thách cưới "quá hớp", sui gia coi thường nhau không môn đăng hộ đối, sui gia kình nhau, đến mâu thuẫn của đôi trai gái... Từ hôn sát ngày cưới chẳng phải điều hay ho gì, nên người quyết định từ hôn hẳn cũng đã vượt ngưỡng chịu đựng, kiểu "giọt nước làm tràn ly", chứ không ai muốn mất thể diện của mình và gia đình.
Thử điểm qua những đám cưới ở Việt Nam, không khó bắt gặp những điểm tương đồng với đám cưới của cô dâu Mỹ An và chú rể Giang Long ở Trung Quốc nói trên. Trọng nam khinh nữ là vấn đề gây tranh cãi trong hôn nhân, phụ nữ luôn thuộc "kèo dưới" trong cách ứng xử của phía nhà chồng. Sự bất bình đẳng dẫn đến nhiều bi kịch: mẹ chồng coi thường con dâu, coi con trai mình là nhất, xem thường sui gia.
Dân gian có câu "dâu là con, rể là khách" nhưng thực tế đa số con dâu bị xét nét, săm soi từ thói ăn, nết ở. Trong khi con rể ít bị nhà vợ bắt bẻ, soi ngó. Cũng có một nghịch lý là, trong khi khó với con dâu nhưng các bà mẹ chồng lại dễ với con gái ruột, dù con gái họ cũng là con dâu của nhà người khác.
Việc thách cưới có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc vợ chồng trẻ (ảnh minh hoạ) |
Hồi đám cưới tôi, chúng tôi tự tổ chức bằng tiền dành dụm của 2 đứa nên không có gì lấn cấn. Tuy nhiên, khi mẹ chồng "trấn" trước rằng toàn bộ tiền mừng cưới bên nhà anh sẽ được bà giữ lại hết để đi "trả lại" dịp đám cưới những người đã dự đám cưới của chúng tôi. Tôi khó chịu vì sự vô lý của mẹ chồng. Ba mẹ tôi có đòi giữ lại tiền mừng với lý do ấy đâu? Nhưng tôi không muốn ác cảm hay ấn tượng xấu với mẹ chồng, vả lại tài chính của vợ chồng tôi cũng khá thoải mái, nên tôi không để bụng chuyện đó nữa.
Chấp nhận nghe theo mẹ chồng như tôi, hay thẳng thừng dứt áo ra đi ngay và luôn như cô dâu ở Giang Tô đều có cái hay và cái dở. Cũng chưa chắc cách ứng xử nào là tốt hơn, tuỳ tính cách và có lẽ là cả khả năng chịu đựng của người trong cuộc. Nhưng hy vọng, câu chuyện "cởi váy cưới từ hôn" có thể sẽ giúp những bậc phụ huynh cũng như các đôi đang yêu nhau rút ra bài học cho mình.
Tự hào về con cái là tâm lý thường thấy ở các bậc cha mẹ. Nhưng dẫu con mình có là cành vàng lá ngọc đi nữa cũng không có nghĩa ở "kèo trên" con người ta. Đối xử công tâm, khách quan không chỉ khiến các bậc cha mẹ chồng/vợ được tôn trọng, yêu kính mà còn khiến các cặp vợ chồng trẻ cảm thấy có trách nhiệm với cuộc hôn nhân của mình. Việc thách cưới từ nhà gái thiết nghĩ cũng cần xem xét đến khả năng, điều kiện của gia đình người yêu. Đòi quà cưới cho đẹp mặt họ hàng, làng xóm, cho thấy "giá trị" của con mình không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của đôi vợ chồng mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ thông gia.
Cha mẹ chỉ có thể sống cùng con đến một đoạn đời nào đó, thế nên, vì không khéo léo mà cha mẹ làm hại đến hạnh phúc của con mình quả thực là đáng tiếc!
Yến Nhi